“Trống da bò, chang mít, nịt song”

(Baohatinh.vn) - “Trống da bò, chang mít, nịt song” – đấy là công thức mà các thế hệ con em ở Bắc Thai, Thạch Hội, Thạch Hà (Hà Tĩnh) truyền tay nhau để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống sản xuất trống.

Nghề thu nhập cao

Công thức bao gồm các nguyên liệu: da bò (dùng làm bề mặt trống), gỗ mít (dùng làm thân trống) và mây (còn gọi là song, dùng làm dây nịt trống). Công thức này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông. Đây cũng là nghề mang lại thu nhập cao cho người dân Bắc Thai.

“Trống da bò, chang mít, nịt song”

Ông Bùi Văn Tráng theo nghề làm trống đã hơn 40 năm nay

Là một trong những hộ sản xuất lớn ở làng trống Bắc Thai, ông Bùi Văn Tráng cho biết: “Năm nay, gia đình tôi sản xuất khoảng 50 chiếc trống to và 100 chiếc trống nhỏ các loại. Tất cả đều được đặt hàng từ trước, chủ yếu là khách trong tỉnh và khách Quảng Bình, Nghệ An”. Nhẩm tính sơ bộ, gia đình ông Tráng thu hơn 300 triệu đồng từ sản xuất trống. Trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, gia đình ông còn thu lãi hơn 100 triệu đồng.

“Trống da bò, chang mít, nịt song”

Da bò được người làm trống mua tại các cơ sở giết mổ và đem phơi khô để làm mặt trống

Ở Bắc Thai hiện có 17 hộ gia đình đang duy trì và phát triển nghề làm trống. Điều đặc biệt là những người làm nghề đều mang họ Bùi, trong đó nhiều hộ gia đình có 3 - 4 thế hệ cùng làm trống. Như ông Bùi Văn Điêng (88 tuổi) có đến 3 thế hệ trong gia đình theo nghề.

“Trống da bò, chang mít, nịt song”

Phụ nữ Bắc Thái làm những công việc nhẹ nhàng như đánh giấy nhám

Anh Bùi Văn Đồng – cháu nội cụ Bùi Văn Điêng chia sẻ: “Cái hay của nghề này là không phân biệt già trẻ, trai gái – tất cả đều có thể làm nghề. Phụ nữ, trẻ em thì làm các công đoạn nhẹ nhàng như: phơi da bò, đánh giấy nhám… Còn đàn ông thì phụ trách các công đoạn quan trọng, khó hơn như: xẻ gỗ, ghép chang…”.

“Trống da bò, chang mít, nịt song”

Những công đoạn khó phải qua bàn tay của người đàn ông

Tận dụng được lao động mọi lứa tuổi trong gia đình nên bất kể có đơn hàng nào, người làm trống Bắc Thai cũng đáp ứng được tiến độ. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, trong những năm qua, các hộ sản xuất trống Bắc Thai đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc nhằm nâng năng suất, chất lượng.

“Trống da bò, chang mít, nịt song”

Để nâng cao năng suất, chất lượng, người làm trống đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc cho công đoạn xẻ gỗ

Theo thống kê của xã Thạch Hội, năm 2018, Bắc Thai sản xuất khoảng 2.000 trống các loại. Nghề làm trống hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động.

Giữ lửa nghề truyền thống

Trong một năm, người làm trống Bắc Thai bận rộn nhất là từ tháng 7 đến tháng giêng (âm lịch). Theo đó, vào các dịp như: Rằm tháng 7, khai giảng năm học mới, lễ hội đầu xuân…nhu cầu mua trống tăng lên. “Dịp rằm tháng 7 thì các dòng họ mua để phục vụ tế tổ, tháng 9 thì các trường học đặt trống trước mùa tựu trường, dịp đầu năm thì các địa phương mua phục vụ các lễ hội. Ngoài ra, các nhà thờ công giáo thì nhu cầu mua trống quanh năm” – ông Bùi Văn Tráng cho hay.

“Trống da bò, chang mít, nịt song”

Trống Bắc Thai hiện có mặt ở thị trường trong và ngoài tỉnh

Hiện nay, trống Bắc Thai không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh mà khách hàng ở các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An cũng ra tận nơi để đặt mua trống. Trong lộ trình phát triển, UBND huyện Thạch Hà đang quy hoạch và xây dựng làng trống Bắc Thai trở thành làng nghề truyền thống. Theo đó, tháng 7/2018, UBND xã Thạch Hội đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ xây dựng và nghề trống Thạch Hội để liên kết các hộ sản xuất nhằm phát triển nghề truyền thống.

“Trống da bò, chang mít, nịt song”

Cụ Bùi Văn Điêng năm nay 88 tuổi vẫn gắn bó với nghề truyền thống

Ông Bùi Văn Nghiêm – chủ nhiệm HTX chia sẻ: “Muốn liên kết các hộ sản xuất thì HTX phải xây dựng được nhà xưởng. Hiện nay, HTX đang trình UBND xã Thạch Hội bố trí đất để xây dựng xưởng sản xuất. Trong tương lai, HTX sẽ đứng ra xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đầu ra bền vững để phát triển làng trống Bắc Thai trở thành làng nghề truyền thống được các cơ quan chức năng công nhận".

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast