"Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là cuộc sinh hoạt chính trị, pháp lý rộng lớn"

Sau một thời gian thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp 1992, Hà Tĩnh đã có nhiều hình thức tổ chức và giải pháp hiệu quả, trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị, pháp lý rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân. PV Hà Tĩnh Online đã có cuộc trao đổi với ông Lê Viết Hồng – Giám đốc Sở Tư pháp, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo tỉnh.

- Giải pháp cơ bản nhất nhằm nâng cao chất lượng của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Hiến pháp mà tỉnh ta đã thực hiện trong thời gia qua là gì, thưa ông?

Ông Lê Viết Hồng – Giám đốc Sở Tư pháp, Tổ trưởng Tổ giúp việc BCĐ tỉnh
Ông Lê Viết Hồng – Giám đốc Sở Tư pháp, Tổ trưởng Tổ giúp việc BCĐ tỉnh

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và của Chính phủ, tỉnh ta đã tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một cách sâu rộng, đồng bộ, toàn diện. Có thể nói, một trong những giải pháp cơ bản nhất mà tỉnh ta đã tập trung thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất là triển khai tốt công tác tuyên truyền.

Để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đạt kết quả cao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung Dự thảo, mở chuyên mục, chuyên trang trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các địa phương phát trên loa truyền thanh để các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang tham gia đóng góp ý kiến.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo đăng tải toàn văn Dự thảo trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang Đại biểu nhân dân Hà Tĩnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, của HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã. Việc lấy ý kiến thông qua các kênh như: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin, Trang thông tin điện tử của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, của các sở, ngành, HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc tuyên truyền còn được tổ chức phổ biến, quán triệt tại các hội nghị của cơ quan, đoàn thể, của chi bộ, thôn, xóm, khối phố; in ấn, phát hành toàn văn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoặc tờ gấp, tờ rơi, đĩa CD có nội dung liên quan đến việc lấy ý kiến góp ý để phát miễn phí cho cơ sở.

- Xin ông cho biết vài nét cơ bản về ý nghĩa, tầm quan trọng và sức lan tỏa của việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Hiến pháp lần này?

Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong đời sống chính trị - xã hội - pháp lý ở nước ta. Việc lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nhất là các nhân sỹ, trí thức vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này là điều hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Lấy ý kiến góp ý một số sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh
Lấy ý kiến góp ý một số sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh

Sửa đổi Hiến pháp là một việc trọng đại của đất nước. Đây là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý quan trọng, cần thiết sự quan tâm của toàn xã hội và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân. Thông qua việc tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp lần này, có thể thấy sự quan tâm đặc biệt của nhân dân đối với đạo luật đặc biệt quan trọng này.

Đến nay, đã có 57 đơn vị, địa phương báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý về Ban Chỉ đạo. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh đã tổ chức 746 hội nghị quán triệt triển khai và lấy ý kiến góp ý, 45 hội thảo chuyên đề, 133 cuộc tọa đàm và hơn 2.100 hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt của thôn, xóm, khối phố, Chi bộ, Chi đoàn thanh niên và các tổ chức khác. Ước tính ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã đã có hơn 150.000 lượt ý kiến của tập thể, cá nhân đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Nhiều ý kiến tham gia có chất lượng tốt, thể hiện tâm huyết, trí tuệ của người tham gia và trình độ dân trí pháp lý được nâng cao rõ rệt. Điều này cho thấy, sức lan tỏa của đợt sinh hoạt chính trị pháp lý này đã đạt tới cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Với tư cách là Tổ giúp việc cho BCĐ chúng tôi sẽ tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực các ý kiến đóng góp nhằm phát huy tối đa trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân vào sửa đổi Hiến pháp.

- Qua công tác tập hợp, theo dõi, vấn đề mà người dân quan tâm nhất của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là gì, thưa ông?

Sau gần 3 tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, mặc dù triển khai trong thời gian ngắn, lại trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng với những hoạt động chỉ đạo sát sao, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Ban Chỉ đạo và sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, việc tổ chức lấy ý kiến đã được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.

Qua tập hợp ý kiến, bước đầu cho thấy người dân đã quan tâm nghiên cứu, tham gia góp ý vào hầu hết các chương, điều, từ lời nói đầu đến điều cuối cùng của Dự thảo. Các ý kiến đều cho rằng Dự thảo đã kế thừa được những giá trị của Hiến pháp năm 1992, đồng thời đã bổ sung, sửa đổi nhiều điểm mới quan trọng, cần thiết, phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Bên cạnh đó, đi sâu vào các nội dung cụ thể của Dự thảo Hiến pháp, qua các ý kiến cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người dân tập trung nhiều về các nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; việc thiết kế tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước; các quy định mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường và việc dự kiến thành lập một số cơ quan Hiến định mới là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast