Các trường nghề Hà Tĩnh cần bám sát nhu cầu việc làm để tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp

(Baohatinh.vn) - Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đề nghị các trường cao đẳng, trung cấp nghề ở Hà Tĩnh cần làm tốt hơn công tác hướng nghiệp; nắm bắt nhu cầu thị trường, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước để tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp.

Các trường nghề Hà Tĩnh cần bám sát nhu cầu việc làm để tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chủ trì buổi làm việc.

Chiều 12/4, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh làm việc với các trường cao đẳng, trung cấp nghề để đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn 2017 - 2021, định hướng phát triển giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Nguyễn Đình Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Nỗ lực đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh

Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 7 trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập gồm: Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh; Cao đẳng Y Hà Tĩnh, Cao đẳng kỹ thuật Việt - Đức, Cao đẳng Nguyễn Du; Trung cấp nghề Hà Tĩnh, Trung cấp kỹ nghệ và Trung cấp nghề Lý Tự Trọng.

Giai đoạn 2017 - 2021, tổng số học sinh, sinh viên (HSSV) được các trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh, đào tạo là 88.030 học viên. Trong đó có 6,7% tỷ lệ tuyển sinh cao đẳng; 30,5% trình độ trung cấp; 62,8% trình độ sơ cấp.

Số HSSV đang học tại các trường cao đẳng, trung cấp trung bình mỗi năm 26.000 người, đạt 92% quy mô đào tạo đã cấp phép. Các trường cũng tích cực liên kết đào tạo, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tỷ lệ HSSV sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định đạt trên 75% so với tổng số tốt nghiệp. Nhờ vậy, góp phần quan trọng cung cấp nguồn nhân lực cho các chương trình dự án trọng điểm và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các trường nghề Hà Tĩnh cần bám sát nhu cầu việc làm để tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc báo cáo kết quả hoạt động của các trường cao đẳng, trung cấp công lập thời gian qua; định hướng phát triển thời gian tới.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 6/7 trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn tỉnh trực tiếp tuyển sinh và giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho 14.400 học sinh kết hợp đào tạo nghề trình độ trung cấp.

Giai đoạn 2022 - 2025, hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn phát triển theo hướng từng bước tự chủ về tài chính, biên chế, tổ chức bộ máy gắn với quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không phải là viên chức nhà nước trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Cùng với đó, tập trung đầu tư phát triển 2 trường cao đẳng chất lượng cao (Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, Cao đẳng kỹ thuật Việt - Đức); phê duyệt bổ sung Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh vào danh sách trường được lựa chọn đầu tư thành trường chất lượng cao. Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng và Trung cấp kỹ nghệ sẽ thực hiện lộ trình sáp nhập.

Giai đoạn đến năm 2030, các trường phát triển theo mô hình: 3 trường cao đẳng chất lượng cao tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên; 1 trường cao đẳng còn lại và 2 trường trung cấp tự chủ 100% kinh phí, biên chế, bộ máy.

Các trường nghề Hà Tĩnh cần bám sát nhu cầu việc làm để tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của các trường cao đẳng, trung cấp nghề.

Về quy mô đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo lao động kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Phát triển một số ngành nghề mới như logistics, dịch vụ cảng biển, năng lượng tái tạo; phát triển mô hình đào tạo 3 nhà “Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp”… Phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025, tuyển sinh đạt 70.690 người; giai đoạn 2026 - 2030, tuyển sinh đạt 96.690 người.

Các trường nghề Hà Tĩnh cần bám sát nhu cầu việc làm để tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải định hướng nhiệm vụ thời gian tới cho các trường nghề.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chậm; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, chất lượng đội ngũ giáo viên một số cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng biên chế nhà giáo dạy nghề tại các trường chỉ đạt 54,5% số nhà giáo cơ hữu tối thiểu theo quy định. Việc đào tạo nghề chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Nguồn lực bố trí đào tạo nghề cho lao động khó khăn…

Các trường nghề Hà Tĩnh cần bám sát nhu cầu việc làm để tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng: Cần rà soát, đánh giá rõ thực trạng từng trường để có lộ trình, giải pháp cụ thể; bên cạnh đó các trường cần chủ động bám sát nhu cầu lao động thực tiễn để đào tạo nghề phù hợp...

Thảo luận tại buổi làm việc, đại biểu tập trung các ý kiến nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nghề của đội ngũ giảng viên; nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo phân luồng học sinh; tăng quy mô tuyển sinh, phát triển ngành nghề mới theo nhu cầu, đào tạo nghề đón đầu đầu ra, theo đơn đặt hàng; xem xét khả năng, điều kiện để thực hiện tự chủ sớm hơn...

Nắm bắt nhu cầu thị trường để tuyển sinh, đào tạo nghề

Các trường nghề Hà Tĩnh cần bám sát nhu cầu việc làm để tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đề nghị các trường cao đẳng, trung cấp cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tạo điều kiện, môi trường để các nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động giảng dạy.

Đẩy mạnh tự chủ tài chính để phát huy tính chủ động, linh hoạt của các trường. Tăng cường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phân luồng, tuyển sinh, đào tạo, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Quan tâm công tác nắm tình hình sau đào tạo…

Chú trọng kỹ năng thực hành cho người học. Làm tốt hơn công tác hướng nghiệp, nắm bắt nhu cầu thị trường, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước để tuyển sinh, đào tạo phù hợp.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, các trường bám sát tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tổ chức đào tạo nghề có địa chỉ; cung cấp nhân lực thị trường cần; phối hợp với các ngành tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo nghề đối với từng nhóm ngành mà tỉnh có nhu cầu, nhất là các ngành kỹ thuật công nghiệp, vận hành máy, cơ khí, dịch vụ, du lịch… Khuyến khích các trường vừa đào tạo nghề, đồng thời tìm kiếm việc làm cho người lao động.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Quan tâm chính sách cho đội ngũ giáo viên dạy nghề; đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư tạo cơ hội việc làm cho người lao động…

Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của các trường; đồng thời, giao các sở, ngành chức năng nghiên cứu kỹ các nội dung để tham mưu giải pháp theo thẩm quyền.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast