Lúa xuân Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn

(Baohatinh.vn) - Đến thời điểm này, trên 3.600 ha lúa xuân Hà Tĩnh đã trổ bông. Diện tích này sẽ còn tăng lên thêm cả chục nghìn ha nữa kể từ nay đến 15/4 tới. Tuy nhiên, mưa rét dự báo sẽ xuất hiện suốt thời gian trên, khiến cho vụ lúa chính nhất trong năm phải đối mặt với nguy cơ thất bát...

Lúa trổ bông gặp rét Nàng Bân - hệ lụy của tùy tiện xuống giống

Lúa xuân Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn

Đến 15/4, có khoảng 40.000 ha lúa xuân sẽ trổ bông

Trận dông vào sáng 4/4 được xem là mở đầu cho mùa rét Nàng Bân. Dù không ghi nhận lớn về tình hình lúa xuân bị đỗ ngã, ngập úng, song trận mưa lớn này vẫn là điều không hề mong đợi. Lúa trổ gặp rét khiến cho quá trình thụ tinh giảm, lúa không phơi mao được nên khả năng lép lửng rất cao.

Điều đáng nói, diện tích nằm trong vùng chịu thiệt hại sẽ tiếp tục được mở rộng khi Hà Tĩnh đang phải đón nhận ít nhất 2 đợt không khí lạnh tăng cường kể từ nay đến 15/4. Và, cũng trong thời gian này, khoảng 67% diện tích lúa xuân (40.000 ha) sẽ trổ bông, không khác gì “đòn đau” vào lúa xuân Hà Tĩnh.

Lúa xuân Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn

Hàng nghìn ha lúa đang đối mặt với nguy cơ lép lửng

Kỹ sư Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Dự kiến khoảng 9.000 ha lúa (15% diện tích) trổ từ nay đến 10/4 và khoảng 29.000 ha (50% diện tích) trổ từ 10-15/4, tập trung ở các trà lúa chủ lực của vụ xuân 2020. Nguyên nhân là do các địa phương không tuân thủ thời vụ của tỉnh, để xảy ra tình trạng sản xuất tùy tiện”

Theo lịch, đỉnh trổ tập trung được ngành chuyên môn tính toán trước đó rơi vào từ 15/4- 5/5, trùng vào cuối thanh minh, đầu lập hạ với thời gian nắng nhiều, nền nhiệt cao hơn. Tuy nhiên, có đến hơn 500 ha nhóm giống X tại Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh “chạy trước” lịch 15- 20 ngày; 1.500- 1.800 ha lúa P6 ở Đức Thọ trổ bông trước lịch 10- 15 ngày. Thậm chí, Đức Thọ còn xây dựng lịch nông vụ sớm hơn 10 ngày so với tỉnh.

Không ít nơi còn tùy tiện dồn lịch theo kiểu “không giống ai” khi bố trí nhóm ngắn ngày (KDĐB, KD18, VTNA2, PC6, Xuân Mai,...) vào khung lịch của nhóm dài ngày (Nếp 98, Nếp 87, BT09, Bắc Hương...); khung lịch xuân muộn vào kỳ xuống giống xuân trung như một số xã ở Kỳ Anh, nam Cẩm Xuyên, Đức Thọ...

Khó thoát dịch bệnh đạo ôn cổ bông trên diện rộng

Lúa xuân Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn

Giống lúa VTNA 6 từng nhiễm nặng đạo ôn lá, rất dễ cho bệnh đạo ôn cổ bông tấn công

Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh cho biết: “Do ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa nên các ngày 6 - 9/4 và 12 - 14/4, trời âm u, có mưa nhỏ rải rác, nền nhiệt độ thấp, nhiệt độ trung bình phần lớn các ngày chỉ dao động trong khoảng 21-23 độ C, độ ẩm ở mức 90-95%. Các ngày còn lại, dù không mưa nhưng ánh sáng yếu, nhiệt độ vẫn thấp dưới 28 độ C”.

Theo các nhà chuyên môn, điều kiện này đang là môi trường thích hợp cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh. Khi lúa xuân Hà Tĩnh đang sẵn “bệnh lý nền” với gần 800 ha bị nhiễm đạo ôn lá thì gần như đều nằm trong tầm ngắm của đạo ôn cổ bông.

Lúa xuân Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn

Nhiều bà con lo lắng, thời tiết âm u sẽ khó hoàn thành phun phòng trừ theo hạn định

Trong khi thời tiết như “mồi lửa” bùng phát và lây lan bệnh dịch thì khó khăn dồn dập đến khi công tác phòng trừ bị đứt quãng do mưa rét. Theo ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên - nơi có diện tích nhiễm đạo ôn lá lớn nhất tỉnh, từ 4 – 10/4 có khoảng 2.000 ha buộc phải phun phòng đạo ôn cổ bông khi lúa bắt đầu trổ vè. Song, với diễn biến thời tiết này thì khả năng phòng trừ đúng kế hoạch là rất khó.

“Huyện đang có kế hoạch hướng dẫn bà con tranh thủ thời điểm tốt để tiến hành phun phòng kịp thời, phun kép những vùng nhiễm nặng, tuy nhiên tất cả phụ thuộc vào thời tiết, mưa liên tục như thế này thì gần như bất khả kháng” - ông Hà cho hay.

Tại Thạch Hà, trước 15/4, địa phương cũng phải hoàn thành phun phòng trừ đạo ôn cổ bông cho khoảng 600- 700 ha. Thế nhưng, điều lo lắng nhất của bà con lúc này là giữa thời tiết mưa dầm, nhiệt độ thấp, liệu có kịp phun trước khi lúa trổ. Bà Nguyễn Thị Hà, xã Thạch Khê cho biết: “Ruộng phải khô đầu lá thì thuốc mới hiệu quả, tôi sợ không còn thời gian phòng trừ nữa. Mưa rét thế này, lúa đã kém chắc hạt, lại thêm đạo ôn cổ bông nữa thì nông dân thất bại mất”

Trước diễn biễn phức tạp này, các địa phương đang cấp tốc vào cuộc theo chỉ đạo của công điện khẩn của UBND tỉnh. Ưu tiên cao nhất cho các giải pháp kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật và công tác điều tra, khoanh vùng xử lý… Dẫu vậy, mọi sự thay đổi có lẽ là muộn và bài học đắt giá về tùy tiện sản xuất đã nhãn tiền…

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast