Kỷ niệm 250 năm ngày mất Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính

Sáng 8-7, UBND huyện Can Lộc và con cháu Phan tộc trên toàn quốc đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 250 năm ngày mất Đình nguyên Thám hoa Phan Kính (1761 – 2011).

Phó Chủ tịch HĐND tỉnhThiều Đình Duy, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh cùng các giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành văn hóa dân gian và đông đảo con cháu trong Phan Tộc trên toàn quốc đã tới dự lễ. Trước đó, các đại biểu và con cháu đã đến thắp hương tại khu lăng mộ và nhà thờ Phan Kính tại xã Song Lộc.

Một tiết mục văn nghệ trong lễ kỷ niệm

Một tiết mục văn nghệ trong lễ kỷ niệm

Diễn văn buổi lễ đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp tài hoa của Thám hoa Phan Kính. Sinh năm 1715 tại làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) trong một nhà nho nghèo, nhưng Phan Kính sớm có chí học tập. Ban đầu ông học học với cha, sau học với cậu, nổi tiếng thần đồng, 6 tuổi học thuộc và viết lại được quyền "Thiên gia thi", 8 tuổi đỗ đầu kỳ sát hạch trường Tổng. Năm ất Mão 1735, Phan Kính đậu cử nhân tại Trường thi Nghệ An.Năm 1744, ông thi Hội đỗ Tiến sĩ và thi Đình đứng thứ nhất. Năm đó không lấy đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn nên ông được vua phê chuẩn: Đình nguyên Thám hoa. Năm 1745, ông được bổ nhiệm đi kinh lý Nghệ An với chức vụ Tuyên uý phó sứ. Năm 1748 ông lại được cử đi làm chức Hiệp đồng trấn Sơn Tây. Năm 1759, ông được chúa Trịnh Doanh cử lên làm Đốc đồng Tuyên Quang.Vào khoảng những năm 1759, 1760 vua nhà Thanh biết tài của Phan Kính, nên đã phong cho ông là "Lưỡng quốc đình nguyên Thám Hoa" ban tặng ông một áo gấm màu vàng (cẩm bào) và một bức trướng ghi dòng chữ: "Thiên triều đặc tứ, Bắc đầu dị nam, nhất nhân nhi dĩ" (Thiên triều đặc ban, phía nam bắc đầu, chỉ một người thôi). Ngày 7 tháng 7 năm 1761, ông lâm bệnh nặng và qua đời tại quân doanh Hưng Hóa. Sau khi ông mất, để ghi nhớ công lao nội trị và ngoại giao của Thám hoa Phan Kính, năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) đời vua Lê Hiển Tông còn phong sắc cho ông là "Thành hoàng hiệu Anh Nghị Đại Vương" và lập đền thờ ở làng Lai Thạch, có ngựa đá, voi đá, sư tử đá, theo thể thức của một vương tướng, nay không còn. Về sau, con cháu trong dòng họ đã xây dựng lại đền thờ ông tại xã Song Lộc, huyện Can Lộc, đền thờ cũng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1992.

Ông Thiều Đình Duy chụp ảnh lưu niệm với con cháu Phan Tộc trên toàn quốc.

Ông Thiều Đình Duy chụp ảnh lưu niệm với con cháu Phan Tộc trên toàn quốc.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thiều Đình Duy nhấn mạnh những công lao to lớn của Đình nguyên Thám Hoa Phan Kính đối với lịch sử Hà Tĩnh. Ông mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần học tập, tinh thần vượt khó vươn lên và cống hiến tài năng của mình cho dân tộc. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, lễ kỷ niệm là một hoạt động có ý nghĩa trong việc ghi nhớ và tôn vinh một danh nhân văn hóa của quê hương đồng thời thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, nâng cao niềm tự hào dân tộc. Để giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử mà Thám hoa Phan Kính để lại, ông Thiều Đình Duy đề nghị UBND huyện Can Lộc phối hợp với Sở VH – TT – DL, Sở KH&ĐT và con cháu dòng họ nỗ lực huy động các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư tu bổ, tôn tạo, xây dựng nhà thờ Phan Kính cho thật đúng tầm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast