Đổi mới, linh hoạt trong chính sách giảm nghèo

(Baohatinh.vn) - Sau nhiều năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã coi việc xóa đói giảm nghèo là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng và qua thực tiễn đã đạt được nhiều thành tích nổi bật.

Xóa đói giảm nghèo đã trở thành luồng gió mạnh khơi dậy cả hệ thống chính trị vào cuộc, không chỉ xóa đi sự tự ti, mặc cảm cho người nghèo mà còn mở rộng tầm mắt, trí lực của họ, gieo vào lòng họ một niềm tin sáng vào sự ưu việt của chế độ. Không vui sao được khi hàng vạn hộ nghèo trong cả nước từ chỗ phải ở trong túp lều dột nát, thiếu đói triền miên, nay đã có cơm no, áo ấm, nhà cửa kiên cố, con cái được đến trường bằng sự chung sức san sẻ của cộng đồng.

Báo Hà Tĩnh phối hợp với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Nghiên (SN 1957) là hộ nghèo đơn thân ở xóm Đông Châu, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà. (Ảnh tư liệu)
Báo Hà Tĩnh phối hợp với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Nghiên (SN 1957) là hộ nghèo đơn thân ở xóm Đông Châu, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà. (Ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng, việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương trong cả nước đã bộc lộ những khiếm khuyết không nhỏ. Điều này đã được nêu ra một cách thẳng thắn tại phiên thảo luận ngày 7/6 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam có thể thấy rõ ở cả chuẩn quốc gia và quốc tế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo giữa các vùng miền còn có những khoảng cách quá lớn. Chênh lệch giàu nghèo đang có chiều hướng gia tăng.

Số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê cho thấy, hệ thống chênh lệch này đã tăng đều từ 8,1 (2002) lên 9,4 (2012). Rõ ràng, chênh lệch về tỷ lệ hộ nghèo giữa các vùng miền là một trong những vấn đề nổi lên hiện nay. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Năm 2012, các xã thuộc chương trình 135, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức trên 40% và còn khoảng 900.000 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân ở các xã này chỉ bằng khoảng 30% so với thu nhập chung khu vực nông thôn.

Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội tiếp tục gia tăng là vấn đề rất nhạy cảm, không chỉ các nhà chức trách phải suy nghĩ mà những người bình thường nhất trong xã hội cũng lo lắng, băn khoăn. Dù phân hóa giàu nghèo là mặt trái tất yếu của kinh tế thị trường nhưng nếu như chúng ta cứ để khoảng cách này tiếp tục giãn rộng sẽ đem lại không ít hệ lụy, ảnh hưởng đến cả KT-XH và chính trị.

Đó là những bất cập lớn về thực tế, còn về chính sách xóa đói giảm nghèo, bất cập kéo dài cho đến nay vẫn là sự cứng nhắc, cào bằng, mang nặng tính bao cấp. Bất cập đó đã làm giảm đáng kể hiệu quả chính sách, đồng thời góp phần tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại từ một bộ phận người nghèo, khiến họ không tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Thiếu công bằng và thiếu bền vững đó là hệ quả tất yếu của sự cứng nhắc, cào bằng chính sách. Tại nghị trường Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhận xét: Việc thiết kế theo hướng mọi đối tượng người nghèo đều được hỗ trợ như nhau đã làm hiệu quả đầu tư giảm đi rất nhiều, thậm chí phản tác dụng.

Chính vì thế, việc đổi mới chính sách xóa đói giảm nghèo để đi tới hướng bền vững rất cần sự linh hoạt và hiệu quả, kích thích người dân chủ động vươn lên tự thoát nghèo, loại trừ những đối tượng lười lao động, thích ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính sách. Bởi nếu người nghèo không chủ động vươn lên với sự hỗ trợ của chính sách thì việc họ tái nghèo khi không còn được hỗ trợ là điều dễ xẩy ra. Cứ thế, vòng nghèo lại suốt đời đeo bám.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast