Cấm chăn nuôi tại khu vực không được phép trong TP Hà Tĩnh, cần có lộ trình

(Baohatinh.vn) - Mật độ chăn nuôi ở TP Hà Tĩnh không lớn nhưng để thực hiện theo Luật Chăn nuôi cần phải có lộ trình để đảm bảo phát triển đô thị và an sinh xã hội.

Chăn nuôi "tận dụng" nhưng thu nhập chính…

Ngày 1/1/2020, Luật Chăn nuôi có hiệu lực, nghiêm cấm việc chăn nuôi trong thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư với lộ trình thực hiện trong 5 năm.

Cấm chăn nuôi tại khu vực không được phép trong TP Hà Tĩnh, cần có lộ trình

Tận dụng quỹ đất để chăn nuôi bò, lợn, chuồng trại của gia đình ông Trần Hữu Hợp khá chật chội

Nhiều năm qua, ông Trần Hữu Hợp - tổ dân phố Hậu Thượng, phường Thạch Quý vẫn tận dụng quỹ đất của gia đình để chăn nuôi bò, lợn. Nhà ông bám mặt đường Nguyễn Trung Thiên, vì vậy mà chuồng trại có nhiều điều bất tiện.

Ông Hợp cho biết: “Nhà tôi có 6 con bò, me; 7 con lợn và đàn gia cầm khoảng 10 con. Chúng tôi đang chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, hàng ngày đều vệ sinh chuồng trại để không làm ảnh hưởng đến những gia đình xung quanh. Tuy nhiên, cũng không tránh hẳn được mùi từ gia súc”.

Cấm chăn nuôi tại khu vực không được phép trong TP Hà Tĩnh, cần có lộ trình

Mặc dù đã được lắp đặt bể biogas và vệ sinh hàng ngày, song việc chăn nuôi trong khu dân cư ở TP Hà Tĩnh hiện đặt ra vấn đề rất lớn về xả thải

Dù vậy, ông Hợp chưa thể sẵn sàng cho dự định chuyển sang nghề khác, bởi lẽ điều ông cần bây giờ là đảm bảo thu nhập cho gia đình. Nếu buộc phải cấm thì ông cần vốn để chuyển đổi nghề nghiệp hoặc di dời chuồng trại ra khỏi khu vực đô thị.

Hiện nay, phường Thạch Quý là địa bàn có tổng đàn gia súc, gia cầm khá lớn với 140 con trâu, bò và lợn; 3.000 con gia cầm và 7.000 con thủy cầm. Đồng nghĩa với việc, số người dân phụ thuộc vào nông nghiệp, nhất là chăn nuôi còn nhiều. Việc thực hiện cấm chăn nuôi đô thị chưa thể thực hiện trong ngày một, ngày hai.

Ông Trương Hải Đức, Cán bộ phụ trách Chăn nuôi - Thú y, phường Thạch Quý cho biết: “Hiện nay, bà con đang chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình bằng cách tận dụng quỹ đất hiện có. Phường đã tiến hành tuyên truyền, vận động những quy định của Luật chăn nuôi đến với từng hộ nuôi. Trước mắt thì dựa vào ý thức tự nguyện của bà con, còn về lộ trình thực hiện kế hoạch cấm chăn nuôi trong đô thị thì sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2021 mới có thể bắt đầu thực hiện đối với nhóm đầu tiên”.

Cấm chăn nuôi tại khu vực không được phép trong TP Hà Tĩnh, cần có lộ trình

Chuồng nuôi lợn của chị Trần Thị Hòa - TDP 5, phường Đại Nài được bố trí ngay sau nhà, khá ẩm thấp và chật chội

Đứng ngoài mặt tiền ngôi nhà của chị Trần Thị Hòa (tổ dân phố 5, phường Đại Nài) không khác bất cứ ngôi nhà nào ở đô thị khác. Đi vào trong mới biết gia đình chị dành hẳn khu vực phía sau cùng để làm chuồng lợn, giải quyết công ăn việc làm cho chị, cũng là tận dụng thức ăn dư thừa và hèm nấu rượu để tăng thu nhập.

“Tôi chỉ nuôi 2 con lợn đẻ và 3 con lợn béo, vừa đủ quy mô chuồng trại và thức ăn hiện có. Nếu không xảy ra dịch bệnh thì thu nhập kiếm được khoảng 50 triệu đồng/năm, còn không may lợn bị bệnh thì chịu lỗ. Có điều, đây là thu nhập chính của tôi, bây giờ phải dừng chăn nuôi thì tôi thất nghiệp”.

Đây là thực trạng chung của tình hình chăn nuôi trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Hiện, toàn thành phố có 2.950 con bò, 300 con trâu, 6000 con lợn và gần 400.000 con gia cầm, chủ yếu ở các xã Đồng Môn, Thạch Hạ, Thạch Trung và Văn Yên. Tổng đàn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong bản đồ chăn nuôi của toàn tỉnh nhưng chủ yếu là chăn nuôi hộ, phân tán, nhỏ lẻ. Trong khi, mật độ các khu dân cư ngày càng cao, đặt ra vấn đề cho xử lý môi trường và ảnh hưởng cuộc sống của cộng đồng dân cư. Hệ lụy của nó còn có nguy cơ gây “vỡ” quy hoạch chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và tiềm ẩn mất an toàn trong công tác kiểm soát dịch bệnh.

Đảm bảo lộ trình thực hiện

Cuối tháng 8 vừa qua, UBND thành phố Hà Tĩnh đã tổ chức họp bàn, đề xuất phương án thực hiện quy định Luật Chăn nuôi. Hiện nay, 4/10 phường, gồm: Bắc Hà, Nam Hà, Tân Giang, Trần Phú đã cơ bản không còn hoạt động chăn nuôi.

Cấm chăn nuôi tại khu vực không được phép trong TP Hà Tĩnh, cần có lộ trình

Các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện Luật Chăn nuôi

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: “Việc quy định các khu vực được chăn nuôi trong đô thị đối với TP Hà Tĩnh là cần thiết. Tuy nhiên, thành phố cần phải có giải pháp cụ thể để vừa đảm bảo việc phát triển đô thị, vừa đảm bảo an sinh xã hội”.

Ông Trần Hậu Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế, UBND thành phố cho biết: “Những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách hiệu quả để giúp Nhân dân chuyển đổi mô hình kinh tế, việc làm phù hợp với tình hình phát triển đô thị. Trong lộ trình tới, kế hoạch sẽ phải gắn với từng tổ dân phố, từng vùng chăn nuôi theo địa giới hành chính, đồng thời có sự phân loại lực lượng lao động để có các chính sách chuyển đổi nghề và đảm bảo quyền lợi an sinh của Nhân dân”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast