Google: "ngôi vua" đổi chủ

Trước một Facebook hừng hực sức sống khi được lãnh đạo bởi những người trẻ và tài năng, Google cũng tìm kiếm một lãnh đạo có những phẩm chất tương tự. Eric Schmidt rời khỏi chiếc ghế giám đốc điều hành (CEO) của Google, và người tiếp quản nó là vị đồng sự trẻ tuổi Larry Page.

Larry Page. Ảnh minh họa: Internet

Larry Page. Ảnh minh họa: Internet

Trong một cuộc họp báo đầy bất ngờ chủ trì bởi chính Eric Schmidt, thông tin này đã được đưa ra cùng với thời điểm Google công bố mức lãi của quý kinh doanh thứ 4, vốn khả quan hơn tất cả những gì giới phân tích đã dự đoán. Google báo cáo mức lợi nhuận lên đến 2.54 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 1.97 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Schmidt sẽ nhận vị trí Chủ tịch hành pháp, với công việc chủ yếu tập trung vào “các dự án làm ăn, củng cố quan hệ đối tác, khách hàng cũng như các quan hệ kinh doanh tầm xa hơn, liên kết với các dự án cấp quốc gia và công việc điều hành mảng công nghệ.”

Trong khi đó, một đồng sáng lập khác của Google là Sergey Brin, sẽ đảm đương một vai trò có nhiều thực quyền hơn trong các dự án mang tính chiến lược. Được biết anh sẽ từ bỏ chức danh giám đốc hiện có của mình. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 4-4-2011.

Schmidt đã dẫn dắt Google từ 2001, cùng với Larry Page và đồng sáng lập viên của Google là Sergey Brin.

Từ trên xuống: Larry Page, Eric Schmidt và Sergey Brin trên bìa tạp chí TIME. Ảnh minh họa: TIME
Từ trên xuống: Larry Page, Eric Schmidt và Sergey Brin trên bìa tạp chí TIME. Ảnh minh họa: TIME

Tuy vẫn thống trị mảng tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến, nhưng Google đã phải đối mặt với nhiều bước thụt lùi trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Bất chấp những thành công vang dội về phương diện tài chính, thu được nhờ mảng tìm kiếm trực tuyến cũng như từ sự tăng trưởng vượt bậc của hệ điều hành dành cho di động Android, Facebook và Apple vẫn chiếm được nhiều cảm tình và sự chú ý từ công chúng hơn là Google.

Năm 2010, Facebook chính thức qua mặt Google để trở thành trang web được truy cập nhiều nhất hành tinh. Theo những con số cụ thể từ hãng phân tích eMarketer, Google nắm giữ 13.4% tổng số lợi nhuận thu được từ quảng cáo trên khắp nước Mỹ trong năm 2010, so với 4.7% trong năm 2009. Trong khi đó, con số này đối với Facebook là 13.6% trong năm 2010, so với mức 7.3% vào năm 2009 trước đó.

Việc tỏ ra không mấy thành công trong mảng truyền thông xã hội (social media) có lẽ là “nỗi nhức nhối” lớn nhất của Google, khi Sergey Brin phải lên tiếng khẳng định Google vẫn còn rất nhiều “cửa” để làm trong lĩnh vực này, và những gì mà công ty đạt được đến thời điểm này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Tuy đã thành công trong các phi vụ mua lại hoặc sáp nhập với những cái tên như Youtube, Android và hãng quảng cáo DoubleClick, các báo cáo gần đây của Google về sự cách tân trong nội bộ công ty lại tỏ ra kém ấn tượng hơn nhiều. Hai nỗ lực tấn công vào thị trường truyền thông xã hội bằng hai dự án Google Wave và Buzz đã thất bại từ trong trứng nước. Việc để cho Larry Page tiếp quản chiếc ghế CEO có lẽ là nhằm tập trung vào vấn đề này.

Thử thách của vị "tân CEO"

Cây bút Larry Dignan của tờ Zdnet mang đến cho độc giả những gì mà Larry Page sẽ phải đối mặt trên cương vị mới của mình là giám đốc điều hành.

"Kẻ thù" lớn nhất của Google hiện nay chính là Facebook. Ảnh minh họa: Internet

"Kẻ thù" lớn nhất của Google hiện nay chính là Facebook. Ảnh minh họa: Internet

Dẹp bỏ tất cả nghi ngờ: Eric Schmidt, một cách tình cờ và hoàn toàn không chủ tâm, đã đặt lên vai người kế nhiệm quá nhiều áp lực vô hình, bởi những lời khen ông dành tặng Larry. Câu hỏi mọi người đang đặt ra lúc này là liệu Page đã sẵn sàng để đảm đương công việc của một CEO hay chưa.

Giới công nghệ đã chứng kiến quá nhiều những “gương” sáng lập viên kiêm CEO kiểu này. Cựu CEO của Yahoo là Jerry Yang là ví dụ tiêu biểu của một người lãnh đạo thất bại. Do đó, không ai khác ngoài chính Page phải chứng minh anh đã sẵn sàng cho chiếc ghế giám đốc điều hành.

Vượt qua cái bóng quá lớn của Schmidt: Như để làm cho áp lực càng trở nên lớn hơn, đó là việc Page phải chờ đến tháng 4 trước khi chính thức trở thành tân CEO của Google. Từ giờ cho đến lúc đó, công việc này vẫn thuộc về… Schmidt. Trong lịch sử Google, Schmidt là nhà lãnh đạo đàn anh đối với hai vị đồng sáng lập. Sẽ tốt hơn cho Page nếu Schmidt rời bỏ chức vụ ngay từ bây giờ, nhằm giải tỏa phần nào chiếc bóng quá lớn của mình lên người kế nhiệm.

Sự hiện diện của chính Larry Page: Page có thể đã tham gia vào những công việc hằng ngày của công ty, nhưng anh vẫn chưa thật sự có được một “sân khấu lớn” cho riêng mình. Schmidt, ngược lại, có cái nhìn của một lãnh đạo kỳ cựu, và đầy kinh nghiệm. Trong lúc đó, tầm ảnh hưởng của Page với tư cách một lãnh đạo thực thụ vẫn còn đang định hình…

Tìm kiếm chiến lược kế tiếp cho Google: Schmidt đã không tiếc lời khen ngợi các ý tưởng “thông minh” của Page. Và Page sẽ phải biến một trong số những ý tưởng trên thành hiện thực. Tại sao ư? Mối đe dọa lớn nhất của Google chính là Facebook. Facebook có khả năng đe dọa đến lợi nhuận trong mảng quảng cáo trực tuyến của Google, cũng như trở thành một phần không thể thiếu của thế giới Internet cũng như chính Google.

Trong khi hiện Google vẫn chưa có một chiến lược hiệu quả và rõ ràng cho mạng truyền thông và mạng xã hội. Vì thế, nhiệm vụ của Page là phải đáp trả Facebook và vạch ra chiến lược kế tiếp cho Google. Nên nhớ, Google mới chỉ chạm vào được… 1% của miếng bánh tìm kiếm trong thế giới mạng xã hội.

Theo Tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast