“Tai mắt” của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh ở vùng biên ải

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới hiệu quả. Họ thực sự là “tai mắt” của lực lượng biên phòng trên các tuyến biên giới...

20 năm nay, ông Nguyễn Văn Thành ở thôn 6 xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thường xuyên tình nguyện cùng với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sơn Hồng băng rừng, lội suối, phát quang đường biên, bảo vệ cột mốc biên giới quốc gia. Theo ông, việc làm ý nghĩa này được xuất phát từ trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của mình đối với lãnh thổ Tổ quốc thiêng liêng...

“Tai mắt” của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh ở vùng biên ải

Ông Nguyễn Văn Thành (người đứng giữa) trong một lần tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc với chiến sỹ Đồn Biên phòng Sơn Hồng (Hương Sơn)

Còn tại Trạm Bảo vệ rừng Cà Rờ của Công ty TNHH Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A, nhiều năm nay đã phối hợp tốt với Đồn Biên phòng Bản Giàng (Hương Khê) để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, vừa tham gia có hiệu quả phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc.

Ngoài bảo vệ 5.000 ha rừng, 5 cán bộ ở trạm này đã nhận tự quản 2 cột mốc và 6 km đường biên nằm bên vùng lâm phần được giao. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, cứ 1-2 ngày, các cán bộ này lại tự tổ chức đi tuần tra 1 lần, mỗi tháng tham gia cùng bộ đội biên phòng tuần tra 2-3 lần. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường thì nhanh chóng thông tin, trao đổi với lãnh đạo đồn để xử lý kịp thời...

“Tai mắt” của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh ở vùng biên ải

Cán bộ Trạm Bảo vệ rừng Cà Rờ bàn kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng kết hợp bảo vệ đường biên, cột mốc với lực lượng biên phòng

Thượng úy Trần Mạnh Hùng - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Bản Giàng) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn biên phòng của đơn vị có 4 tập thể, 5 hộ gia đình/33 người tham gia tự quản đường biên cột mốc và 30 tổ tự quản an ninh thôn xóm/115 người tham gia. Các mô hình này thường xuyên tham gia cùng chúng tôi tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc và đảm bảo ANTT ở các thôn xóm vùng biên. Ngoài ra, bà con đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin có giá trị để xử lý kịp thời, giúp đơn vị nắm chắc địa bàn và thực hiện nhiệm vụ tốt hơn”.

Không chỉ tuyến biên giới mà ở vùng biển cũng có nhiều mô hình tự quản hoạt động hiệu quả. Ông Lê Tiến Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nghi Xuân thông tin: “Ngoài các tổ an ninh trên biển, tổ tàu thuyền đoàn kết thì 10 xã nằm trên tuyến biên phòng biển của huyện Nghi Xuân đã thành lập được 100 tổ tự quản với hơn 500 người gia và 21 tổ tàu thuyền an toàn với 221 người tham gia. Các mô hình này đang hoạt động khá hiệu quả, đóng góp tích cực trong công tác đảm bảo an ninh, tính tương trợ lẫn nhau...”.

“Tai mắt” của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh ở vùng biên ải

Cán bộ, chiến sỹ đến tận nhà đồng bào Bản Giàng 2 (xã Hương Vĩnh) nắm bắt tình hình địa bàn, động viên bà con chăm lo sản xuất, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới...

Đến nay, trên địa bàn biên phòng đã thành lập được 25 tập thể, thôn xóm tham gia tự quản 145/145 km đường biên giới, 367 hộ với 547 người đăng ký tự quản 53/53 cột mốc, 357 tổ ANTT thôn bản với 2.524 thành viên, 649 tổ ANTT ở các bến bãi với 4.701 thành viên, 284 tổ tàu thuyền an toàn với 2.610 thành viên và 1.171 phương tiện.

Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, các mô hình tự quản này hoạt động khá hiệu quả, góp phần đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển và xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc...

Chủ đề NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast