Khó khăn trong quản lý, chữa trị người tâm thần phân liệt

(Baohatinh.vn) - Những rắc rối, ảnh hưởng do người bị tâm thần phân liệt gây ra cho gia đình và cộng đồng là điều rất dễ nhận ra và nó đang có xu hướng ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, việc theo dõi, quản lý, chăm sóc, điều trị cho các đối tượng này hiện vẫn còn nhiều “nút thắt”, lắm khó khăn và gian nan...

>> Quản lý đối tượng tâm thần - Nỗi ám ảnh của gia đình, cộng đồng

kho khan trong quan ly chua tri nguoi tam than phan liet

Các đối tượng tâm thần phân liệt đang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động bắt buộc Hà Tĩnh (thuộc Sở LĐ-TB&XH).

Nhận thức chưa đúng về bệnh

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc người bị tâm thần phân liệt chưa được theo dõi, chăm sóc, chữa trị chu đáo và các hành vi của những người bị bệnh dễ gây tổn hại đến gia đình và cộng đồng là do nhận thức về căn bệnh này còn khá mơ hồ, chưa đúng mức. Ngoài ra, nhiều vụ việc đáng tiếc xẩy ra do tình trạng chủ quan, mất cảnh giác. Bởi đa số người bị tâm thần phân liệt chỉ biểu lộ suy nghĩ hành vi bất thường khi có cơn hoang tưởng, ảo giác, kích động, còn lúc bình thường, nếu không có kinh nghiệm hoặc chuyên môn thì khó nhận biết.

Lâu nay, việc ngăn ngừa, hạn chế các hành vi phá hoại, gây rối, gây án của các đối tượng tâm thần phân liệt chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở để gia đình các đối tượng làm tốt công tác chăm sóc, chữa trị, theo dõi, quản lý, cảnh báo, nhắc nhở mọi người nêu cao tinh thần cảnh giác, ứng phó khi đối tượng lên cơn hoặc có tình huống bất thường... Vì vậy, các sự vụ đáng tiếc do các hành vi của người bị tâm thần phân liệt gây ra trong thực tế là điều khó tránh khỏi...

Một khó khăn nữa là nhiều gia đình, khi con em có dấu hiệu phát bệnh lại chỉ nghĩ đến việc bị ma ám, bị bỏ bùa, trúng tà chứ chưa kịp thời đến các cơ sở y tế để được chăm sóc, chữa trị đầy đủ, đúng khoa học. Một số khác thì con em điều trị ở bệnh viện mới tạm ổn đã đưa về nhà và không tiếp tục quản lý, thăm khám theo dõi, điều trị định kỳ tại cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, do không ý thức đầy đủ nên người bệnh uống thuốc thất thường hoặc tự ý bỏ thuốc, không điều trị theo chỉ dẫn, không cho người bệnh tái khám nên bệnh đã tái phát nhiều lần trở thành mãn tính. Và thực tế cũng đã chỉ ra rằng, đại đa số người bị tâm thần phân liệt đều có hoàn cảnh khá éo le, khó khăn về kinh tế, gia đình neo người, bố mẹ đã chết hoặc già yếu, con cái bỏ bê không chăm sóc, anh em thân thích không chăm lo.

Gia đình, xã hội chưa quan tâm đúng mức

Theo quy định hiện hành, các đối tượng bị tâm thần phân liệt phải được gia đình, chính quyền địa phương và một số ngành chức năng khác sớm phát hiện, giám định và đưa vào chữa trị tại các trung tâm chữa bệnh bắt buộc. Thế nhưng, thực tế hiện nay thì khi người tâm thần phân liệt có dấu hiệu bệnh nặng, thực hiện các hành vi bất thường như la hét, gây rối trật tự công cộng, thậm chí là hành hung người khác, đốt nhà, giết người thì mới đưa vào diện “được quan tâm”. Tuy nhiên, xung quanh việc đưa người bị tâm thần phân liệt đi chữa trị lại là một câu chuyện dài và phức tạp.

kho khan trong quan ly chua tri nguoi tam than phan liet

Phó Trưởng công an huyện Cẩm Xuyên Lê Viết Đường cho biết: “Theo quy định thì các đối tượng tâm thần phân liệt phải được đưa đi chữa trị bắt buộc nhưng trên địa bàn tỉnh ta chưa có trung tâm nào thực hiện chức năng này nên việc làm hồ sơ cho các đối tượng không có nhiều ý nghĩa. Để làm hồ sơ và đưa một đối tượng ra Hà Nội giám định và chữa trị, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Thời gian gần đây, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động bắt buộc (thuộc Sở LĐ-TB&XH) được cho phép tiếp nhận người bị tâm thần phân liệt nhưng chỉ áp dụng cho một số đối tượng cụ thể nên số lượng chưa nhiều và tại đây cũng chỉ mới quan tâm đến vấn đề quản lý chứ chữa trị thì còn hạn chế. Vì vậy, đại đa số người tâm thần phân liệt vẫn chưa cách ly được khỏi cộng đồng, phải giao cho gia đình quản lý mặc dù không phải lúc nào, gia đình cũng quản lý tốt”.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động bắt buộc Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, trung tâm đang tiếp nhận, chăm sóc, nuôi đưỡng 38 đối tượng tâm thần, trong đó có 9 đối tượng tâm thần phân liệt cần sự bảo vệ khẩn cấp. Việc quản lý, chăm sóc, chữa trị cho người tâm thần nói chung và các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do trang thiết bị máy móc chưa đảm bảo, thiếu cán bộ và nhiều nguyên do khác. Đặc biệt, theo quy định, các đối tượng tâm thần phân liệt cần sự bảo vệ khẩn cấp chỉ được chăm sóc, chữa trị tại trung tâm không quá 3 tháng, sau đó phải trả về cộng đồng bất kể bệnh tình đã cải thiện hay chưa. Đây thực sự là một vấn đề bất cập, trở ngại lớn vì người bệnh được trả lại cộng đồng khi chưa lành, trong khi hầu hết các gia đình thiếu sự quan tâm, làm cho cộng đồng phải lo lắng...”.

Có thể khẳng định rằng, các đối tượng tâm thần phân liệt đã và đang gây ra nhiều rắc rối, hệ lụy cho gia đình và xã hội nhưng việc quản lý, chăm sóc, chữa trị còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Để chăm sóc người bệnh tốt hơn, hạn chế thiệt hại từ các hành vi do đối tượng này gây ra và đảm bảo an toàn cho cộng đồng, ngoài sự nỗ lực của gia đình thì cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành cũng như toàn xã hội...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast