Đổ rác bên bờ đê ở Lộc Hà: "Sao người ta không biết xấu hổ?!"

(Baohatinh.vn) - Đó là câu hỏi của rất nhiều người khi chứng kiến những "bãi rác bất đắc dĩ" do thói quen sinh hoạt bừa bãi, ý thức bảo vệ môi trường kém của một bộ phận cư dân sống lân cận các tuyến đê sông, đê biển trên địa bàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Đổ rác bên bờ đê ở Lộc Hà: “Sao người ta không biết xấu hổ?!”

Người dân vứt rác thải sinh hoạt, các nhà hàng đổ xương động vật trên bờ đê Tả Ngèn (đoạn gần cầu Thạch Sơn, thuộc địa bàn xã Mai Phụ)

Tình trạng vứt rác ra bờ sông, bờ biển của người dân ở nhiều vùng quê Lộc Hà đã diễn ra từ lâu, là một thói quen xấu chưa được sửa. Rác dùng trong sinh hoạt, kinh doanh và súc vật chết được người dân cho vào túi ni lông, gom vào bao tải rồi vài ba ngày lại mang ra bờ đê vứt.

Thậm chí, cành lá hay gạch vữa vụn khi phá bỏ công trình xây dựng không có chỗ dọn cũng được chất lên xe ra để đổ. Vì vậy, nhiều đoạn đê sông, đê biển đi qua các xã: Thạch Bằng, Thạch Châu, Hộ Độ, Mai Phụ... trở thành những điểm tập kết rác bất đắc dĩ.

Đổ rác bên bờ đê ở Lộc Hà: “Sao người ta không biết xấu hổ?!”

Người dân thôn Xuân Hòa (xã Thạch Bằng) mang rác thải, cành lá, gạch vụn đổ ngổn ngang ở bờ đê chắn sóng...

Việc vứt rác tùy tiện, bừa bãi này được người dân ven đê thực hiện công khai mọi lúc, mọi nơi, không chút lo lắng hay xấu hổ, miễn là rác đầy bao thì tranh thủ mấy phút mang ra vứt.

Rác bị vứt năm này qua năm khác nhưng chẳng mấy khi được tổ chức ra quân thu dọn, tất cả chỉ nhờ vào sóng biển, triều cường để “làm sạch”. Sau mỗi trận mưa bão, lũ lụt các triền đê dường như sạch hơn một chút nhưng chỉ sau vài tháng thì hình ảnh cũ lại xuất hiện...

Đổ rác bên bờ đê ở Lộc Hà: “Sao người ta không biết xấu hổ?!”

Một người dân thôn Xuân Nghĩa (Thạch Bằng) đang mang rác thải sinh hoạt xuống để biển vứt...

Tình trạng vứt rác tùy tiện của người dân sinh sống gần các tuyến đê sông, đê biển ở Lộc Hà gây tổn hại đến môi trường sống, mỹ quan cả về trước mắt lẫn lâu dài và là hành vi xấu cần được chấn chỉnh.

Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, thôn/xóm cần tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên hơn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp răn đe; tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường ở các khu vực này.

Chủ đề Ô nhiễm môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast