Kinh nghiệm PCCR ở thị xã Hồng Lĩnh

Theo Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Văn Hổ thì nhiều năm về trước, công tác PCCCR được xem là nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm và chủ rừng. Hiện nay, công tác này nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Năm nào cũng vậy, cứ bước vào mùa nóng, lãnh đạo thị xã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này.

Cùng với việc kiện toàn BCĐ các cấp, lãnh đạo thị xã đã tổ chức làm tốt công tác phối hợp giữa các ban ngành, chính quyền địa phương và các chủ rừng ngay từ đầu mùa nắng, nóng, với phương châm huy động tất cả nguồn lực nhằm thực hiện phương án PCCR trên địa bàn một cách linh hoạt và khoa học. Các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, bám sát cơ sở, tiến hành vận động nhân dân, nhất là những địa phương có rừng làm tốt công tác PCCR. BCĐ “Các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng (BVR) & PCCCR” chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp Đài PT-TH, chính quyền các cấp, chủ rừng tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các hệ thống truyền thanh từ thị xã đến các phường, khối, tổ liên gia.

ĐVTN thị xã Hồng Lĩnh ra quân làm đường băng cản lửa PCCCR hưởng ứng chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2013. Ảnh: Thu Hằng
ĐVTN thị xã Hồng Lĩnh ra quân làm đường băng cản lửa PCCCR hưởng ứng chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2013. Ảnh: Thu Hằng

Địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền với đơn vị tổ chức tuyên truyền BVR&PCCCR, ký cam kết tại 12 trường học, 34 khối phố, cụm dân cư, 18 mỏ khai thác đá, 5 nhà chùa… với số lượng hàng năm trên 6.700 người dân tham gia. Đồng thời cấp phát miễn phí 250 bộ tài liệu; treo gắn 150 áp phích, băng rôn biểu ngữ, 40 biển cấm lửa. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm còn phối hợp với Thị đoàn, chủ rừng tổ chức 1 ngày lao động phát dọn, thu gom vật liệu cháy ra khỏi rừng với chủ đề “Tuổi trẻ Hồng Lĩnh ra quân tình nguyện BVR&PCCCR”. Chủ rừng phân công người trực cháy, chữa cháy rừng tại các khối phố, tổ liên gia sống ven rừng; làm tốt công tác “4 tại chỗ”.

BCĐ thị xã phân công từng thành viên phụ trách địa bàn cụ thể và báo cáo kịp thời cho BCĐ; giao Hạt Kiểm lâm, các phường xã, chủ rừng chịu trách nhiệm tổ chức canh gác, báo cháy và tổ chức PCCR kịp thời. Đặc biệt, việc ngăn chặn nguồn lửa gây cháy rừng được giao cho trạm BVR của chủ rừng, kiểm lâm phụ trách địa bàn chịu trách nhiệm.

Kinh nghiệm được rút ra trong công tác PCCR ở TX Hồng Lĩnh đó là phương pháp tổ chức thực hiện, phân công, phân nhiệm và kiểm tra giám sát một cách thường xuyên, đúng phương án. BCĐ cấp thị xã kiểm tra BCĐ cấp phường, chủ rừng; chủ rừng kiểm tra các trạm BVR. Căn cứ lịch trực chỉ huy, trực tại chỗ, trực chòi canh, các đơn vị kiểm tra người được hợp đồng trực cháy tại khu vực. Việc bỏ trực hoặc báo cháy không kịp thời dẫn đến cháy rừng, trước hết, người gác rừng phải chịu trách nhiệm. Công tác phân công nhiệm vụ, kiểm tra các lĩnh vực khác về nhiệm vụ PCCR cũng được thị xã thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, có chủ thể chịu trách nhiệm rõ ràng. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, trên địa bàn TX Hồng Lĩnh đã hạn chế được thiệt hại tới mức thấp nhất hậu quả do cháy rừng gây ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast