Niềm lạc quan trong một bài thơ đường luật của cố nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh

(Baohatinh.vn) - Tôi biết cụ Thái Kim Đỉnh qua bạn tôi, nhà văn Trần Đắc Túc. Anh vốn là Trưởng phòng Chuyên đề Đài PT&TH Hà Tĩnh, thường qua lại làm việc với cụ Thái Kim Đỉnh. Năm 2013, họ Trần Đắc chúng tôi được cụ Đỉnh và cụ Võ Hồng Huy (khi đó còn tại thế) dịch giúp cuốn Tộc phổ bằng chữ Hán. Do đó, tôi cũng có vài lần qua lại nhà cụ tại TP Hà Tĩnh và may mắn được quen biết cụ.

niem lac quan trong mot bai tho duong luat cua co nha nghien cuu thai kim dinh

Cố nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh.

Dịp cận tết Đinh Dậu, cụ còn đến thăm và tặng anh Trần Đắc Túc 2 cuốn sách: “Truyện Kiều và thơ văn quanh Truyện Kiều”. Vậy mà, chỉ sau đó mấy ngày, chúng tôi nghe tin cụ đã về nơi thiên cổ. Một nhà nghiên cứu văn hóa lớn của tỉnh đã vĩnh viễn ra đi khi trên bàn viết còn những bản thảo ấm nóng bàn tay của cụ. Một con người, như nhà văn Trần Đắc Túc đã viết: “Người đi bộ ba phần tư thế kỷ”. Tác phẩm cụ để lại cho đời dễ chồng cao hơn người.

Bài thơ Đường luật “Mừng bác lên lão” cụ viết năm 2015 mừng cụ Nguyễn Trọng Cầu - nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Vinh (quê Trung Lộc, Can Lộc) lên tuổi 90 đọc tại nhà anh Trần Đắc Túc mà tôi may mắn được thưởng thức.

Mừng bác lên lão

Chẳng mệt lo chi được mấy mươi

Cứ ăn, cứ nhởi, cứ vui cười

Phóng xe, cao hứng thì leo rú

Đóng mảng, to gan hãy vượt vời

Vui bạn kiếm vài chai để nhắm

Buồn tình nèo mấy ả cùng chơi

Tư duy, tư diếc chi cho mệt

Hãy vượt khung trăm sống đã đời.

Tôi đã được đọc nhiều bài thơ Đường luật, đặc biệt là thơ mừng thọ, nhưng chưa gặp một bài thơ nào dí dỏm, trẻ trung và lạc quan như bài thơ này. Một bài thơ mà người tặng và người được tặng thơ đều đã ở tuổi cửu tuần. Thông thường, người ta khi gặp nhau, câu đầu tiên thường là ông, bà hoặc cụ... năm nay bao nhiêu tuổi rồi, vậy mà, cụ Đỉnh thì nghĩ khác:

Chẳng mệt lo chi được mấy mươi

Cứ ăn, cứ nhởi, cứ vui cười

Sự lạc quan, trẻ trung của cụ thể hiện ngay trong 2 câu mở. Trong khi người xướng (cụ Nguyễn Trọng Cầu) thì hỏi Nam Tào xem mình còn sống được bao nhiêu năm nữa, cụ Đỉnh cứ... đủng đỉnh: Cứ ăn, cứ nhởi, cứ vui cười chứ đừng: lo chi cho mệt.

Tứ thơ thật hay, thật tuyệt bởi nó được viết ra từ một người đã sống gần tròn thế kỷ. Cụ là nhà văn hóa dân gian, tác phẩm của cụ chủ yếu là văn xuôi nhưng thơ Đường của cụ thật tinh tế và dí dỏm. Sự trào phúng còn thể hiện khi cụ viết mừng bạn tuổi 90 mà:

Phóng xe cao hứng thì trèo rú

Đóng mảng, to gan hãy vượt vời

Cụ đã sử dụng tài tình ngôn từ rất chi Xứ Nghệ: cứ ăn, cứ nhởi, trèo rú... làm ta liên tưởng đến giọng thơ dí dỏm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay sự ngang tàng của cụ Nguyễn Công Trứ vậy. Đến tuổi 90, leo cầu thang còn vất vả mà còn nói đến trèo rú thì quả chỉ có cụ Đỉnh. Đến 2 câu luận thì không ai nín được cười, cười nghiêng, cười ngả, cười sảng khoái, cười như chưa bao giờ được cười vậy:

Vui bạn kiếm vài chai để nhắm

Buồn tình nèo mấy ả cùng chơi.

Ở cái tuổi 90, đã gần đất xa trời, ăn uống được bao nhiêu nữa mà còn: kiếm vài chai để nhắm” còn sức lực đâu mà nèo mấy ả cùng chơi. Đó chính là cái hay của thơ Đường và còn hay hơn khi nó được viết bởi cây bút Thái Kim Đỉnh. Là nhà văn hóa thuộc hàng cây đa, cây đề của tỉnh, ông đã viết gần trăm đầu sách, trước khi về cõi vĩnh hằng, trên bàn viết còn ngổn ngang bản thảo, vậy mà, ông đã khuyên bạn trong câu kết: Tư duy, tư diếc chi cho mệt thì rõ là một cách đùa mà chỉ ở cụ Thái Kim Đỉnh mới có được.

Khi tôi viết những dòng này thì cụ Thái Kim Đỉnh đã trở thành người thiên cổ. Dẫu vậy, những câu thơ trào phúng, lạc quan và tiếng cười sảng khoái của cụ Đỉnh, cụ Cầu và các bạn thơ tại nhà anh Trần Đắc Túc năm ấy còn vọng mãi trong tôi, truyền cho tôi niềm lạc quan trong cuộc sống cùng với lòng ngưỡng mộ, kính yêu đối với bậc tiền nhân, một học giả, một nhà thơ, nhà văn hóa khả kính.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast