Thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển KT-XH

(Baohatinh.vn) - Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ngay từ khâu xây dựng, hoạch định; rà soát kỹ từng đối tượng được thụ hưởng đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch...

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, chiều nay (4/1), các đoàn đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tổ liên quan đến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận tại đoàn Hà Tĩnh.

Thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển KT-XH

Đồng chí Hoàng Trung Dũng điều hành phiên thảo luận tổ

Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV thông qua với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH là cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, chương trình sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo.

Thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển KT-XH

Thảo luận tổ tại Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Hà Tĩnh cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Đại biểu cho rằng, dự thảo cần đưa ra mục tiêu lạm phát cụ thể bởi chỉ số lạm phát là một trong những chỉ tiêu quan trọng phản ánh hiệu quả các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.

Đại biểu góp ý, cần sửa đổi nội dung “hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại” thành “hỗ trợ lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực thông qua hệ thống ngân hàng thương mại”; làm rõ hơn nội dung: chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những ý kiến tâm huyết, chất lượng của các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển KT-XH

Đồng chí Hoàng Trung Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đồng chí Hoàng Trung Dũng cũng phân tích, góp ý thêm một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết về quan điểm, mục tiêu, các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ngay từ khâu xây dựng, hoạch định; rà soát kỹ từng đối tượng được thụ hưởng đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch; tính toán việc huy động nguồn lực bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; có giải pháp cụ thể về tháo gỡ các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt nhất cho các đối tượng được vay vốn phục hồi phát triển sản xuất; các quy định liên quan đến chính sách tài chính tiền tệ cần được quy định rõ ràng hơn; có chính sách đảm bảo ổn định nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đồng thời, chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực rất lớn trong khoảng thời gian ngắn.

Bảo đảm nguyên tắc điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm. Đối với các địa phương triển khai và giải ngân tốt cần ưu tiên điều chuyển vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện gắn với kích cầu.

Đối với các tỉnh biên giới, nhất là biên giới Việt - Lào, cần quan tâm đầu tư công để xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thúc đẩy hoạt động hữu nghị gắn với phát triển kinh tế và đảm bảo QP-AN.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast