Bài 1: Bất lực nhìn con thất nghiệp

Có lẽ, chưa có lúc nào, vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường lại “nóng” như hiện nay. Từ miền xuôi lên miền ngược, từ thành thị tới nông thôn, tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm đang như “tàu dồn toa”. Nhiều gia đình đang lâm vào bế tắc khi con em - đứa trước chưa có việc, đứa sau đã chuẩn bị ra trường.

Trí thức - việc làm: Chiếc áo quá khổ

Ai sinh con ra cũng muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Những người bố, người mẹ một đời lam lũ, vật vã với miếng cơm manh áo những mong con cái học hành nên người, thoát khỏi cảnh chân bùn, tay lấm. Thế nhưng, con ra trường đúng buổi “người khôn, của khó”, cha mẹ vốn khó nay càng khó hơn, đành bất lực nhìn con... thất nghiệp.

Sau cảm giác huy hoàng này là cả một nỗi lo toan phía trước

Sau cảm giác huy hoàng này là cả một nỗi lo toan phía trước

Mỏi mắt chờ việc làm...

Chúng tôi ngược ngàn lên Vũ Quang vào một ngày mưa. Con đường vào xóm Mỹ Ngọc (xã Đức Lĩnh) dù đã được đổ bê tông vẫn còn nhiều đoạn nước đọng thành vũng. Phó Bí thư Đoàn xã Nguyễn Tiến Hoàng chỉ vào hàng cột điện bên đường nói: "Lũ lớn như năm 2010, nước leo qua cả cột điện. Như cơn lũ đầu mùa vừa rồi, nước cũng đã lấp xấp mặt đường. Thanh niên chúng em muốn học hành nên người để có việc làm mà khó quá”.

Nhà của Bí thư Chi bộ lâm thời thôn Mỹ Ngọc Nguyễn Minh Ái nằm cheo leo trên đồi. Thế mà không phải mùa lũ nào cũng được an toàn. Ông có 3 con trai, cả 3 đều cố gắng học hành những mong thoát khỏi cảnh lội bùn, trèo chạn mùa lũ mà chưa thành.

Cả cái xóm Mỹ Ngọc này, con cái nhiều nhà có cùng suy nghĩ nhưng cũng chưa thực hiện được. Bởi, học đã xong, bằng cấp cũng đã nhận nhưng gửi hồ sơ xin việc nhiều nơi, nơi thì lắc đầu, nơi không có hồi âm.

Từ năm 2009 đến nay, xóm có 14 em ra trường không xin được việc làm. Để mưu sinh, một nửa trong số đó đã vào Nam làm công nhân, nhiều em vẫn bám trụ ở quê tìm cơ hội. Nhưng cũng có em chờ mãi không xin được việc, đành tạm gác giấc mơ “đổi đời” bằng con đường học vấn để lấy chồng, sinh con. Một số em đang có việc làm hiện nay ở miền Nam, không em nào được làm việc theo chuyên môn đã học.

Em Nguyễn Thái Học tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc, giờ làm một công nhân tại Bình Dương. Hay như Nguyễn Tiến Hoàng, tốt nghiệp đại học (ĐH) Kinh tế Huế, sau năm lần bảy lượt gửi đơn không thành, đành lấy vợ, sinh con và hiện đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Đoàn xã cộng với phụ trách nguồn vốn Ngân hàng CSXH ủy thác. Tổng tiền lương mà một cử nhân kinh tế như Hoàng được nhận mỗi tháng là 1.350.000 đồng. Với số tiền đó, thời điểm này thật khó để xoay trở, đảm bảo cuộc sống.

Trong điều kiện rất nhiều khó khăn nhưng lớp lớp học sinh ở Đức Lĩnh - Vũ Quang vẫn không ngừng vươn lên học tập tốt

Trong điều kiện rất nhiều khó khăn nhưng lớp lớp học sinh ở Đức Lĩnh - Vũ Quang vẫn không ngừng vươn lên học tập tốt

Người dân Đức Lĩnh bao đời nay được tiếng là hiếu học. Trong mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm Đức Lĩnh có 40 em đậu vào các trường ĐH, CĐ, THCN. Riêng năm nay có 13 em đậu ĐH nguyện vọng 1. Niềm vui chưa kịp lắng lại thì nỗi buồn thường trực ngay. “Các cháu đậu nhiều cũng vui nhưng ra trường mà không xin được việc làm thì uổng công cha mẹ lắm, lại còn khoản nợ ngân hàng sắp đến hạn nữa chứ, chúng tôi chưa biết nhìn vào đâu” – ông Nguyễn Minh Ái có 2 con trai - 1 học CĐ, 1 học ĐH đều chưa xin được việc làm than thở.

Không riêng gì gia đình ông Ái, ở thôn Mỹ Ngọc, gia đình ông Nguyễn Quốc Hội cũng có 2 con học ĐH ở Đà Nẵng ra trường đã mấy năm cũng chưa có việc, hiện một đi làm công nhân, một ở nhà ruộng vườn với bố mẹ. Ở xóm Thanh Bình cũng có 5 em ra trường chưa xin được việc. Câu chuyện việc làm cho sinh viên sau khi ra trường ở thôn Mỹ Ngọc hiện cũng là thực trạng của xã Đức Lĩnh, của huyện Vũ Quang và nhiều miền quê trong tỉnh.

Đâm lao, theo chẳng kịp lao

Không bi quan như ông Ái, ông Phạm Hữu Tài (thôn Hòa Bình, Kỳ Phong, Kỳ Anh) tỏ ra rất lạc quan khi chúng tôi hỏi về kế hoạch trả nợ (HSSV) của con trai và con gái.

Ông Tài có con gái học CĐ Dệt may TP Hồ Chí Minh đã ra trường cũng chưa xin được việc và con trai học năm thứ 3 ĐH Bách khoa Hà Nội. Bản thân ông là thương binh, bộ đội về hưu, thu nhập 2,7 triệu đồng/tháng; bà không có lương. “Đâm lao thì phải theo lao. Cho con trai đi học, mỗi tháng hết 4,5 triệu đồng, dự định ra trường thi vào đâu đó rồi đi làm giúp bố mẹ trả nợ”.

Nghe ông Tài bộc bạch, tôi thấy chột dạ. 4 năm qua, nhất quyết đầu tư cho con học với không ít tiền vay từ ngân hàng, đôi vợ chồng ngấp nghé tuổi 70 này còn sức đâu mà trả nợ?! Các món nợ quá hạn đã gõ cửa mà người cha già vẫn đang phải gắng sức nuôi thằng út thêm 2 năm đèn sách.

Chỉ có một tỷ lệ cử nhân không đáng kể trong những phiên giao dịch như thế này tìm được niềm vui có việc làm

Chỉ có một tỷ lệ cử nhân không đáng kể trong những phiên giao dịch như thế này tìm được niềm vui có việc làm

Theo số liệu từ Ngân hàng CSXH Kỳ Anh, từ năm 2007 đến nay, dư nợ HSSV đã đạt 140 tỷ đồng. Anh Phạm Ngọc Cương – Giám đốc Phòng Giao dịch Kỳ Anh cho biết: “Khả năng thu hồi nợ HSSV là khó, bởi hiện nay, sinh viên ra trường không xin được việc làm. Hầu hết các em có hoàn cảnh khó khăn, không có việc đồng nghĩa với không có nguồn nào để trả nợ”.

Trong số 21 tỷ đồng đến hạn cuối, tính đến 31/8, Phòng Giao dịch Kỳ Anh chỉ mới thu được 5 tỷ đồng; 75 tỷ đồng đến hạn phân kỳ con nhưng cũng chỉ mới thu được 6 tỷ đồng.

Kỳ Phong là xã có dư nợ HSSV tương đối lớn, với gần 7,6 tỷ đồng. Anh Nguyễn Hải Thành – Chủ tịch Hội Nông dân Kỳ Phong cho biết: “Dân vẫn có ý thức trả nợ nhưng con em ra trường chưa có việc nên đành chịu. “Hiện Kỳ Phong đã có nợ quá hạn, tuy không lớn (9 triệu đồng) nhưng có thể là khởi đầu cho những con số lớn hơn trong những năm tiếp theo”.

Chúng tôi cùng cán bộ tín dụng thăm gia đình ông Dương Sỹ Bửu (xóm Hòa Bình) có 2 con học ĐH và một học CĐ. Ngôi nhà tuềnh toàng không có gì đáng giá. Sau bao năm chịu khổ cùng con, giờ chúng đã có tấm bằng nhưng để lại cho cha mẹ khoản nợ 64 triệu đồng đã đến hạn.

Tuy đã ra trường nhưng các con ông đều chưa có việc làm chính thức, 2 đứa đã yên bề gia thất mà không có khả năng thay cha trả nợ. Ông chia sẻ: “Nếu Nhà nước, ngân hàng không đầu tư, con chúng tôi không học được. Rồi tôi sẽ bán bò, bán lúa để góp thêm vào trả nợ cho ngân hàng nhưng cũng mong các cháu sớm tìm được việc làm để san sẻ bớt với cha mẹ".

Niềm tự hào với thành tích học tập của 3 người con đang học đại học, giúp bà Võ Thị Diễn ở xóm 10, xã Kỳ Phong - Kỳ Anh vơi bớt gánh nặng nợ ngân hàng cho con theo học

Niềm tự hào với thành tích học tập của 3 người con đang học đại học, giúp bà Võ Thị Diễn ở xóm 10, xã Kỳ Phong - Kỳ Anh vơi bớt gánh nặng nợ ngân hàng cho con theo học

Niềm mong mỏi của ông Bửu và rất nhiều bậc phụ huynh khác cũng giản dị như người đã đổ mồ hôi, công sức trồng cây đang mong chờ ngày hái quả. Nhưng thực trạng cung quá lớn so với cầu như hiện nay, không chỉ đẩy các gia đình hiếu học rơi vào bế tắc mà còn lãng phí biết bao sự đầu tư về nguồn vốn, cơ sở vật chất, đào tạo của Nhà nước dành cho giáo dục.

Còn nữa...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast