Quốc tế tiếp tục quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Giáo sư Carl Thayer nhận xét, Trung Quốc đưa giàn khoan đến Biển Đông là 1 sự vi phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Ngày 7/5, nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế và truyền thông đều đồng loạt đưa tin phản ứng hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Dư luận quốc tế nhận định, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và nhất là việc tàu Trung Quốc đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam là hành động khiến căng thẳng trong khu vực tăng cao.

Giàn khoan HD 981. (Ảnh: wordpress)
Giàn khoan HD 981. (Ảnh: wordpress)

Ngày 7/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại Biển Đông, kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tránh làm leo thang căng thẳng tại vùng biển này.

Trong tuyên bố trả lời báo chí về phản ứng của Singapore trước thông tin có nhiều sự cố xảy ra tại Biển Đông, đặc biệt là các vụ va chạm giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc tại khu vực này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore nói rằng, Singapore kêu gọi tất cả các bên tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singaporecho biết, Singapore sẽ tiếp tục kêu gọi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cùng làm việc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục bày tỏ quan ngại của Nhật Bản về việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussel (Bỉ) vào ngày 7/5, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du kéo dài 10 ngày tới châu Âu, ông Abe nói rằng, chính sách đối ngoại và hoạt động quân sự của Trung Quốc là các vấn đề gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế trong đó có Nhật Bản. Ông Abe cũng lên án các nỗ lực thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông thông qua sử dụng vũ lực.

Tình hình Biển Đông đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Hôm qua (7/5), hàng loạt hãng tin lớn thế giới đã đưa tin về việc tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, gây thêm căng thẳng cho tình hình trong khu vực.

Trong bài viết có tiêu đề "Việt Nam nỗ lực ngăn Trung Quốc triển khai giàn khoan", hãng tin AP nhận định, hành động của Trung Quốc khiến tình trạng căng thẳng leo thang hơn nữa trong khu vực. AP cho rằng việc Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu trên vùng biển Việt Nam là một trong những hành động khiêu khích nhất của nước này.

Thời báo New York Times đưa tin, tranh chấp ở khu vực biển Đông không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, việc Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự trong thời gian qua đã làm xuất hiện một số lo ngại trong khu vực.

Tờ Nước Mỹ ngày nay (USA Today) bình luận, hành động bành trướng cùng với sự phát triển về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang khiến cho các quốc gia khác trong khu vực lo ngại, ngay cả khi họ biết rằng cần duy trì mối quan hệ cởi mở với một đối tác kinh tế quan trọng.

Tờ kinh tế (The Economist) nhận định, đây không phải là hành động bình thường. Điều này dường như là để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ sở của những tuyên bố trên là mơ hồ, cũng giống như bản đồ "đường chín đoạn" khẳng định chủ quyền với phần lớn diện tích biển Đông mà Trung Quốc từng công bố. Trang tin cho rằng, điều này không có cơ sở luật pháp quốc tế và Trung Quốc cũng chưa bao giờ làm rõ những tuyên bố của mình.

Các nhà học giả cũng như chuyên gia bình luận quốc tế, các nhà quan sát cũng cho rằng, động thái của Trung Quốc là hành động khiêu khích, làm cho tình hình khu vực leo thang.

Hãng thông tấn hàng đầu của Singapore, Straits Times, trong chuyên mục châu Á, hôm 7/5 dẫn lời tiến sỹ Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mở ra “một kịch bản vô cùng nguy hiểm”.

Giáo sư Carl Thayer- một chuyên gia về an ninh trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cho biết, hành động của Trung Quốc là khiêu khích và bất hợp pháp: "Trung Quốc đưa giàn khoan đến Biển Đông là 1 sự vi phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế của của Việt Nam. Việt Nam có thẩm quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực đó và giàn khoan dầu của Trung Quốc không được phép đưa vào đây để khai thác mà không có sự cho phép của Việt Nam”.

Ông Carl Thayer nhấn mạnh: “Trong trường hợp này, không chỉ là một giàn khoan mà đó là một hành động khiêu khích cao độ khi đi kèm theo là 70 tàu các loại bao gồm cả tàu hải quân Trung Quốc để bảo vệ giàn khoan. Vì vậy, đây là một sự leo thang của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền trong một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này vi phạm luật pháp quốc tế”.

Tại cuộc họp báo chiều 7/5, đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phân tích và lên án hành vi đặt giàn khoan sai trái của phía Trung Quốc. Khu vực xâm phạm của Trung Quốc nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và các nước trên thế giới. Việc làm sai trái trên của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ và thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam-Trung Quốc, gây mất lòng tin của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast