Bát nháo môi giới, đào tạo nguồn xuất khẩu lao động

Hiện có khá nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân môi giới, đào tạo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có không ít doanh nghiệp quá nhỏ, lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm, năng lực thậm chí hoạt động “chui” trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ). Điều này đã dẫn đến thiệt hại lớn cho nhiều lao động.

Anh Đoàn Văn Đức (Kỳ Giang – Kỳ Anh) tố cáo, Công ty CP nhân lực Việt (Chi nhánh Ninh Bình) nhận tiền đặt cọc đi XKLĐ của anh 9.000 USD nhưng không đưa anh đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận. Theo anh Đức, tháng 3/2012, thông qua người quen anh được biết Công ty CP nhân lực Việt (Chi nhánh Ninh Bình) đang tuyển người đi làm việc tại Bồ Đào Nha. Chi phí ban đầu lao động phải nộp từ 2.000 USD đến 9.000 USD, sau 2 tháng lao động sẽ được phía công ty hoàn tất thủ tục, bay sang Bồ Đào Nha làm việc với mức lương hấp dẫn. Qua giới thiệu của công ty, anh Đức và một số người ở Kỳ Giang được giới thiệu gặp chị Phan Thị Diễm H. (người được cho là đại diện cho công ty tại Hà Tĩnh – PV) để nộp tiền. Qua 2 lần đóng tiền, anh Đức đã nộp đủ cho chị H. số tiền 9.000 USD, kèm hộ chiếu, bằng tốt nghiệp THPT. Anh Lê Văn Ân, Lê Hồng Sơn (Kỳ Anh) cũng đã nộp cho chị H. mỗi người 2.000 USD.

Giấy thu tiền của Công ty CP nhân lực Việt (chi nhánh Ninh Bình)

Giấy thu tiền của Công ty CP nhân lực Việt (chi nhánh Ninh Bình)

Tuy nhiên, từ đó đến nay anh Đức, Ân, Sơn vẫn không được phía công ty hoàn tất thủ tục xuất cảnh. Nóng ruột, anh Đức tìm đến văn phòng công ty tại Hà Tĩnh đề nghị nhanh chóng làm thủ tục xuất cảnh nhưng đều được được đại diện công ty này hứa hẹn nhiều lần. Không còn đủ kiên nhẫn, tháng 7/2012 anh Đức và một số lao động ở Kỳ Giang yêu cầu phía công ty hoàn lại tiền đặt cọc. Tuy nhiên, đã rất “chật vật” nhưng đến nay chưa một ai nhận được tiền từ Công ty CP nhân lực Việt (Chi nhánh Ninh Bình), mặc dù đã nhiều lần nhận được giấy cam kết trả tiền lại.

Bà Nguyễn Thị Lý (mẹ của Lê Hồng Sơn) bức xúc cho biết: “Gia đình chúng tôi vay mượn ngân hàng cho con đi XKLĐ với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói. Vậy mà nay nghèo lại hoàn nghèo, lãi mẹ đẻ lãi con, biết lấy tiền đâu mà trả nợ!”

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một đại diện của Công ty CP nhân lực Việt (Chi nhánh Ninh Bình) cho biết, nếu người lao động không tiếp tục đi XKLĐ Bồ Đào Nha, công ty sẽ hoàn trả lại số tiền đặt cọc và giấy tờ mà người lao động đã nộp. Tuy nhiên, mấy ngày sau, anh Đức và số lao động trên ra Ninh Bình để nhận tiền lại bị công ty từ chối với nhiều lý do khác nhau.

“Tuýt còi” hàng loạt doanh nghiệp môi giới XKLĐ “chui”!

Trao đổi với PV về việc Công ty CP nhân lực Việt (Chi nhánh Ninh Bình) nhận tiền của người lao động, ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Việc làm – XKLĐ (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Công ty này chưa đặt chi nhánh tại Hà Tĩnh cũng như đặt vấn đề với cơ quan chức năng địa phương để tuyển lao động trên địa bàn Hà Tĩnh. Rõ ràng, công ty này đã hoạt động ngoài luồng, thu tiền trái phép. Chúng tôi sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý trong thời gian sớm nhất.”

Hiện nay, không ai có thể thống kê được chính xác có bao nhiêu chi nhánh tuyển chọn, môi giới, đào tạo cũng như chất lượng hoạt động của các chi nhánh XKLĐ trên địa bàn Hà Tĩnh. Thậm chí cá nhân, hộ gia đình cũng có thể làm môi giới XKLĐ. Tình trạng bát nháo trên khiến cơ quan chức năng khó lòng kiểm soát, người lao động không biết rõ hiệu quả hoạt động của từng doanh nghiệp để mà chọn lựa.

Công ty này cam kết trả lại tiền trong tháng 8 nhưng đến nay lao động vẫn chưa nhận được tiền

Công ty này cam kết trả lại tiền trong tháng 8 nhưng đến nay lao động vẫn chưa nhận được tiền

Theo ông Dũng, hiện hoạt động giới thiệu, đào tạo nghề tại các doanh nghiệp XKLĐ chưa chú trọng nhiều đến chất lượng, đẩy người lao động vào thế bị động khi ký kết hợp đồng. Hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực này còn hình thức, chỉ chú trọng đến số lượng, không đề cập đến chất lượng. Nhiều doanh nghiệp mới được cấp phép, đang trong giai đoạn đầu tư thăm dò thị trường, có những doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi xin cấp phép hoạt động, hạn chế về năng lực quản lý. Đặc biệt là việc các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới XKLĐ “chui” vẫn diễn ra. Mới đây, để chấn chỉnh lại hoạt động này, Sở LĐ-TB&XH đã thanh tra, đình chỉ một loạt các doanh nghiệp môi giới XKLĐ “chui” trên địa bàn. Đây là doanh nghiệp chưa được cấp phép, thiếu năng lực trong hoạt động môi giới, đào tạo nguồn XKLĐ… Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho hay, môi giới, đào tạo nguồn XKLĐ là ngành nghề đặc thù, đòi hỏi năng lực cao, tuy nhiên hầu hết các công ty này đều không đạt các tiêu chuẩn trên.

Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có hàng trăm vụ liên quan đến lừa đảo XKLĐ được điều tra, xử lý. Có thể nói, nếu xem việc tuyển lao động đi làm tại các thị trường là một loại hàng hóa, thì mặt hàng này đang rơi vào tình trạng chất lượng kém, bát nháo hàng giả, dổm…

Các doanh nghiệp bị đình chỉ môi giới, đào tạo XKLĐ: Cty Quản lý công trình công trình công cộng, đô thị Nghi Xuân, Cty TNHH Phạm Luận (Kỳ Tân – Kỳ Anh), Cty TNHH Năm Khánh (thị trấn Kỳ Anh), Cty TNHH Hà Xuân (thị trấn Kỳ Anh), Cty TNHH Trường Chinh (thị trấn Kỳ Anh), Cty TNHH Thương mại - Dịch vụ H&L (Kỳ Ninh – Kỳ Anh, Cty CP XNK thủy sản Nam Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast