Dịch tai xanh ở lợn diễn biến phức tạp

Trong những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12, bệnh tai xanh ở lợn đã bùng phát tại xã Thạch Hội và Thạch Văn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Đây cũng là những địa phương từng chịu thiệt hại nặng nề của Thạch Hà trong đại dịch lợn tai xanh năm 2008. Hiện nay, ngành thú y và chính quyền từ tỉnh đến các xã vùng dịch và các xã bị dịch uy hiếp đang tập trung cao nhất các biện pháp chỉ đạo đối phó nhưng nguy cơ thành đại dịch đang đến cận kề.

Thiếu chủ động phòng chống dịch

Xã Thạch Hội là địa phương ghi nhận trường hợp phát bệnh đầu tiên vào ngày 18/11/2010 trên đàn lợn 30 con của gia đình ông Nguyễn Minh Điểm, xóm Nam Phố. Tiếp đó, ngày 24/11/2010, bệnh tai xanh lại được phát hiện trên đàn lợn 21 con của gia đình anh Lê Văn Trung, xóm Trung Văn, xã Thạch Văn. Cũng tại xã Thạch Văn, ngày 03/12/2010, có thêm 9 con lợn mắc bệnh, tại thôn Đông Bạn, đưa tổng đàn lợn chính thức bị nhiễm bệnh tại 2 xã này lên 60 con. Đại dịch tai xanh đang đe dọa trực tiếp đến ngành chăn nuôi Hà Tĩnh.

Phun tiêu độc phương tiện ra vào địa bàn tại chốt kiểm dịch xóm Nam Hội, xã Thạch Hội (Thạch Hà)
Phun tiêu độc phương tiện ra vào địa bàn tại chốt kiểm dịch xóm Nam Hội, xã Thạch Hội (Thạch Hà)

Đến nay, tất cả số lợn bị bệnh đã được tiêu hủy đúng quy trình. Diễn biến dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên theo các nhà chuyên môn, việc chậm trễ và thiếu tính chủ động trong các khâu phòng và khống chế dịch bệnh đã dẫn đến những khó khăn và tăng thêm nguy cơ lây lan, bùng phát dịch. Đầu tiên phải kể đến đó là, việc phát hiện bệnh muộn.

Dù đã có nhiều bài học về phòng chống dịch bệnh nhưng khi lợn biểu hiện bệnh, người chăn nuôi vẫn tự mua thuốc về điều trị, sau nhiều ngày không khỏi mới báo cho thú y. Thú y lại tiếp tục chữa trị một thời gian nữa mới báo lên chính quyền xã hoặc cơ quan chức năng. Như vậy, vô tình đã tạo cho mầm bệnh được dịp sinh sôi và phát tán trong một thời gian khá dài. Cụ thể ở xã Thạch Hội, ngày 18/11, hộ chăn nuôi ghi nhận lợn bị ốm, đến ngày 23/11, chủ hộ mới báo cho chính quyền xã và đến ngày 27/11 mới chính thức công bố là dịch "tai xanh" và tiến hành tiêu hủy. Ở đây, ngoài sự chủ quan từ phía người chăn nuôi và chính quyền, phải kể đến tình trạng thiếu và yếu của đội ngũ cán bộ thú y cơ sở.

Thứ nữa là khi xảy ra dịch bệnh, việc chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến huyện đến cơ sở vẫn còn thiếu tính khẩn trương; các lực lượng chức năng chưa vào cuộc một cách đồng bộ. Ở xã Thạch Văn, vào sáng ngày 03/11/2010, một ô tô chở lợn thu gom trong xã đang đi qua chốt kiểm dịch ra khỏi địa bàn thì bị lực lượng thanh tra Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh và yêu cầu chuyển trả lại chuồng.

Nguyên nhân là do các văn bản chỉ đạo của tỉnh và huyện đến không kịp thời, nên xã chưa đủ thẩm quyền để tiến hành bắt giữ. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là việc tiêm phòng còn rất hạn chế. Dịch tai xanh sẽ có nguy cơ lây lan và làm chết lợn rất nhanh khi có sự hiện diện của các loại bệnh khác như: tả, tụ huyết trùng, LMLM…

Nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng

Sau những lúng túng bước đầu, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và những hộ chăn nuôi đã vào cuộc quyết liệt của, với quyết tâm cao nhất là khống chế không để bệnh lây lan thành đại dịch. UBND tỉnh đã kịp thời ra các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương triển khai ngay các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Các ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ với huyện Thạch Hà chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch như: tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng chống dịch, phun hóa chất, rải vôi bột tiêu độc trên diện rộng; tổ chức tiêm phòng bổ sung đối với đàn lợn trong vùng dịch; cử cán bộ chuyên môn xuống bám địa bàn cơ sở để giám sát, chỉ đạo và hướng dẫn công tác phòng chống dịch.

Tiêm phòng bổ sung cho lợn ở xóm Bắc Văn, xã Thạch Văn (Thạch Hà)
Tiêm phòng bổ sung cho lợn ở xóm Bắc Văn, xã Thạch Văn (Thạch Hà)

Đối với các xã đã phát dịch và vùng bị uy hiếp dịch, công tác chỉ đạo dập dịch đã được tập trung cao độ với nhiều giải pháp mạnh. Tại các xã Thạch Hội và Thạch Văn, mọi hoạt động đang được tạm dừng để tập trung đối phó với dịch bệnh. Đặc biệt, xã Thạch Văn đang triển khai khống chế dịch khá bài bản với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, xã chia thành 4 lực lượng chính như: Ban chỉ đạo, phụ trách chỉ đạo chung; tổ kiểm dịch, có nhiệm vụ kiểm tra và phân công chốt chặn 24/24 giờ tại 7 điểm chốt kiểm dịch trên địa bàn xã; tổ phục vụ tiêm phòng bổ sung, có nhiệm vụ chỉ đạo và trực tiếp tiêm phòng cho đàn lợn; tổ phòng chống, tiêu hủy, có nhiệm vụ phun hóa chất tiêu độc khử trùng và tiến hành tiêu hủy lợn bị bệnh đảm bảo vệ sinh…

Dù dịch đang trong tầm kiểm soát nhưng nguy cơ lây lan rộng hoàn toàn có thể xảy ra do mầm bệnh đang lưu trú trong môi trường chăn nuôi trong khi công tác tiêm phòng chưa triệt để; lực lượng thú y cơ sở quá mỏng và yếu; nhận thức của người dân còn hạn chế, không chấp hành tiêm phòng, khi xảy ra dịch thì bán ra ngoài hoặc báo để tiêu hủy lợn không mắc bệnh để nhận tiền hỗ trợ khi giá hỗ trợ cao; nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch chưa được hỗ trợ kịp thời; các xã vùng dịch đều đang trích kinh phí của địa phương để tự trang trải…

Ông Nguyễn Khắc Dong, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết: “Rút kinh nghiệm từ đợt dịch tai xanh năm 2008, với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, chúng tôi đặt quyết tâm cao nhất, không để dịch bùng phát trên diện rộng”. Theo đánh giá của các chuyên viên phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y Hà Tĩnh, nếu tiếp tục duy trì và đảm bảo được các hoạt động phòng chống dịch như hiện nay, Thạch Văn sẽ có thể kiểm soát được tình hình và diễn biến của dịch bệnh.

Theo các nhà chuyên môn, dịch "tai xanh" đang ở mức báo động đỏ. Phát hiện dịch bệnh kịp thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và quản lý chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh để có phương án đối phó… đang là những biện pháp cốt lõi để giành thế chủ động trong quá trình khống chế và dập dịch nhằm bảo vệ thành quả lao động của nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast