Mưu sinh những ngày gần Tết

Tết Nguyên Đán đang đến gần đồng nghĩa với nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai những con người lao động nghèo khó. Đây cũng là thời điểm họ đổ về thành phố tìm việc làm mong kiếm thêm tiền tiêu Tết và trang trải trong cuộc sống.

Muôn nẻo mưu sinh

Những người làm nghề cửu vạn chờ việc trên những vỉa hè
Những người làm nghề cửu vạn chờ việc trên những vỉa hè

Những ngày cuối năm, trên những con đường, ngõ hẻm thành phố Hà Tĩnh xuất hiện nhiều hơn những người lao động nghèo tìm kiếm việc làm, vất vả bươn trải mưu sinh. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, mỗi nghề nghiệp khác nhau nhưng mục đích chung của họ là có thêm đồng tiền để chi tiêu đầy đủ hơn vào ngày Tết cho gia đình.

Có mặt ở ngã tư giao nhau giữa QL1A với đường Nguyễn Du từ rất sớm, mặc dù thời tiết khá lạnh nhưng chúng tôi đã thấy rất đông người làm nghề cửu vạn cùng chiếc xe đạp cũ kỹ, phía sau là chiếc xe cò, cái ven ... tập trung thành từng nhóm. Người đứng, người ngồi co ro trên vỉa hè, dưới gốc cây chờ người đến thuê làm việc. Bác Phan Thị Hường (52 tuổi), quê ở Hộ Độ-Lộc Hà dáng gầy gò trong bộ quần áo cũ mèm, ngồi co ro cạnh chiếc xe đạp chia sẻ: “Trừ những ngày mùa, vụ muối, có thời gian nhàn rỗi là mấy người cùng quê chúng tôi lại rủ nhau ra thành phố tìm việc. Cứ tờ mờ sáng chúng tôi lên một số ngã ba ngã tư, nơi có đông người qua lại chờ việc, ai thuê gì làm nấy. Sắp Tết rồi, tranh thủ tích cóp kiếm thêm ít tiền có mâm cơm cúng ông bà, mua cho mấy đứa nhỏ ở nhà cái áo cái quần vào năm mới”.

Chị Nguyễn Thị Chương (32 tuổi) góp chuyện: “Cuối năm công việc đều hơn ngày thường, nếu gặp may thì được người thuê lau chùi nép dọn nhà cửa, làm đất cũng đỡ còn không thì bưng bê mang vác hàng, đất đá phụ hồ xây dựng cực lắm. Bình quân mỗi ngày kiếm được 70 - 150 ngàn đồng, cũng có ngày không có việc gì thì về tay không. Cái nghề cửu vạn bán sức lao động này nhọc nhằn, vất vả lắm nhưng đồng tiền kiếm được còn bèo bọt bấp bênh ”.

Chọn cho mình hành lang hội quán Phường Tân Yên - Văn Yên tranh thủ ăn trưa, nghỉ ngơi một chút, chị Dương Thị Lương quê ở Thạch Đồng làm nghề “đồng nát" cho biết: ''Với ba sào ruộng, năm vài vụ mùa chẳng ăn thua, nghề này là phụ nhưng lại thu nhập chính. Ngày nào đi hàng phải dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe 40-50km vòng vo qua các con phố ngõ hẻm đi mua phế liệu. Phải nhẫn nại, kiên trì đi nhiều thì mới mong mua được nhiều hàng. Trời giá rét như đợt này cũng cố đi mong kiếm thêm chút thu nhập lo cho con ăn học, tiền sinh hoạt cuối năm”.

Ròng rã mưu sinh
Ròng rã mưu sinh

Tại những quán cafe, quán ăn thường xuyên bắt gặp những bóng dáng nhỏ bé, lặng lẽ trong nhẫn nại mưu sinh. Em Minh, quê ở Hương Sơn, làm nghề giúp việc cho một quán ăn đêm trước bến xe đã 3 năm nay, nhà nghèo, bỏ học khi mới lên lớp bảy. Được nuôi ăn ở, lương tháng được triệu rưỡi gửi về quê phụ bố mẹ nuôi hai đứa em còn nhỏ đang còn đi học nhưng công việc của Minh cũng không ngơi tay chân từ 4 giờ chiều đến tận 6 sáng.

Em Hằng quê ở Diễn Châu, điều kiện gia đình khó khăn nên vào đây làm nghề bán hàng rong kiếm tiền phụ gia đình hơn một tháng nay. Lủng lẳng rổ chất đầy hàng trước ngực chào mời hết các bàn trong một quán cafe nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Em tâm sự'' Ngày nào cũng vậy, cuốc bộ hết quán sá, nhà hàng chào mời khắp nơi từ sáng đến tối thế nhưng chỉ bán được trên dưới 100.000 đ. Vì bản thân, vì gia đình nên phải chấp nhận vất vả"

Chứng kiến những cảnh chờ đợi, tìm kiếm việc làm, bươn trải mưu sinh trong giá lạnh của những người lao động nghèo vào ngày tháng cuối năm mới thấu hiểu phần nào sự vất vả của họ. Tất cả họ như đang chạy đua với thời gian để phấn đấu làm sao có thể có thêm chút tiền cho cái Tết khá hơn...

Lo cái Tết thiếu thốn

Ai cũng tưởng vào dịp cuối năm thì nhu cầu cần việc làm, dịch vụ tăng. Thế nhưng sự thật thì một số công việc không hề dễ dàng. Bác Nguyễn Văn Lộc (54 tuổi) xã Thạch Linh làm nghề xích lô hơn 14 năm, cũng đã quen với cảnh vật vờ chờ đợi cả ngày vẫn không có người thuê. Theo bác, hiện nay các đại lý kinh doanh hầu như đã có ô tô tải, hơn nữa xích lô máy và xe kéo chiếm lợi thế hơn nhiều vì vậy nhu cầu thuê xích lô giảm rất đáng kể. Thế nhưng, ngày nào bác cũng ra đây chờ việc bởi đã sinh ra nghề thì phải bám trụ. Bác lo lắng "Gần Tết mà việc vẫn không có, cứ thế này không biết có tiền lo cho cái Tết này không"

Gần cuối năm nhưng những người làm nghề xích lô vẫn rất ít người thuê
Gần cuối năm nhưng những người làm nghề xích lô vẫn rất ít người thuê

Không khá hơn, những người hành nghề xe lai cũng chịu cảnh "đói khách" bởi lượng tacxi ngày một đông, mật độ ngày càng dày. Bác Nguyễn Minh Tăng (64 tuôi) ở Cẩm Bình, Cẩm Xuyên ngồi thẫn thờ trên chiếc xe máy trước cổng bến xe chờ đón khách: ''Thời tiết lạnh giá, thêm mưa gió thế này khách họ thường đi tacxi, chỉ những người gần, trong hẻm thì họ mới đi. Từ sáng tới giờ mới chở được một khách. Cứ đà này không biết Tết lấy gì mà tiêu"

Những ngày giáp tết, thời tiết se lạnh, lấm tấm mưa phùn, hơi thở mùa xuân đã len lỏi đến từng con đường, góc phố. Với người Việt, tết có một ý nghĩa thiêng liêng, đặc biệt là dịp để mọi người đoàn tụ, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Nhưng cũng trong thời khắc ấy, có những con người vì cuộc sống mưu sinh họ chưa được đón một cái tết đầm ấm, sung túc như bao người khác. Họ cần lắm sự cảm thông và chia sẻ của cộng đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast