Tinh giản ít nhất 10% biên chế bộ ngành, tỉnh thành thuộc trung ương

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về tinh giản biên chế, trong đó xác định tỷ lệ tinh giản biên chế trong 7 năm tới (đến năm 2021) tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tinh giản ít nhất 10% biên chế bộ ngành, tỉnh thành thuộc trung ương ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trả lời báo chí - V.V.THÀNH

Trả lời báo chí về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Tinh giản biên chế 10% là mục tiêu tối thiểu. Các cơ quan, đơn vị có thể tinh giản nhiều hơn, ví dụ như Bộ Nội vụ đề ra mục tiêu là 15%. Mục tiêu tinh giản biên chế không đơn thuần giảm cơ học mà quan trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó đưa người ra khỏi biên chế chỉ là một giải pháp, ngoài ra còn sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức đánh giá, phân loại, nâng cao chất lượng tuyển dụng mới…

- Tinh giản biên chế nhắm đến những người không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng lâu nay các cơ quan báo cáo lên thì đa số cán bộ, công chức, viên chức đều hoàn thành nhiệm vụ (số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%), vậy làm sao đạt mục tiêu nêu trên, thưa ông?

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Chính vì vậy vừa qua Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để sắp ban hành văn bản quy định rõ những tiêu chí đánh giá, như thế nào là xuất sắc, như thế nào là tốt, như thế nào là hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực…

Nếu như “dính” vào một trong các tiêu chí được đề ra thì sẽ bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ, ví dụ như vi phạm pháp luật, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo chương trình công tác, thái độ đối với công việc, sự tận tuỵ trong công việc, văn hoá công vụ…

Vừa qua ở Vụ tổ chức biên chế Bộ Nội vụ, có một trường hợp vi phạm pháp luật về tham gia giao thông, bị phạt hành chính thì Bộ đã cho kiểm điểm và đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2014.

Như vậy tới đây sẽ có bộ công cụ tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch, sao cho người đứng đầu dù có cả nể cũng không thể đánh giá những người không hoàn thành nhiệm vụ là tốt, là xuất sắc được.

- Đối với các trường hợp có vi phạm rõ ràng thì dễ đánh giá, còn những trường hợp “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, không có đóng góp gì nhưng cũng không vi phạm gì thì sao?

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Ở đây trách nhiệm người đứng đầu là phải phân công công việc. Tôi phụ trách phòng chuyên môn này, tôi phải phân công công việc cho mọi người, qua đó mới kiểm soát được nhân viên mình hoàn thành công việc hay không. Cấp trên sẽ căn cứ vào sổ sách phân công công việc, căn cứ vào vị trí việc làm để kiểm tra.

- Như vậy muốn thực hiện được mục tiêu tinh giản biên chế tối thiểu 10% phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm người đứng đầu?

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Đúng như vậy. Đây là trách nhiệm người đứng đầu. Trong dự thảo nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức đã quy định rõ việc phân loại, đánh giá là do người đứng đầu với tư cách là người giao việc và kiểm tra việc thực hiện.

- Bộ Nội vụ công bố mục tiêu tinh giản biên chế 15%, vậy các bộ ngành khác thì sao, có cần công khai minh bạch việc này không?

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Việc này quan điểm là phải công khai. Bởi vì căn cứ vào Nghị quyết của Bộ Chính trị thì các đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế của mình, trong đó xác định tỷ lệ tinh giản biên chế là bao nhiêu phần trăm, công bố không chỉ trong đơn vị mà công bố rộng rãi để kiểm tra, giám sát.

Nếu cuối năm kiểm tra mà không đạt kế hoạch về tinh giản biên chế thì gắn với trách nhiệm người đứng đầu, nghĩa là chính người đứng đầu sẽ bị xếp là không hoàn thành nhiệm vụ.

- Có quy định nào để phòng ngừa trường hợp tinh giản biên chế sai đối tượng, cấp trên giữ lại người thuộc “lợi ích nhóm” và tinh giản những đối tượng dù giỏi chuyên môn nhưng cá tính?

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Phải đảm bảo có sự thẩm định, giám sát của cơ quan cấp trên, có sự giám sát của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân.

Ở đây quan trọng là có giao việc thì mới đánh giá được là hoàn thành nhiệm vụ hay không. Nếu cấp trên không giao việc mà đánh giá người ta không hoàn thành nhiệm vụ, người đó có quyền kiện là “tôi có được giao việc đâu, tại sao bảo tôi không hoàn thành”.

Ông Thái Quang Toản (Vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ): Không giảm đồng loạt trong giáo dục, y tế

Trước đây định hướng tinh giản 15% chưa thực hiện được, nay đưa ra mục tiêu tối thiểu là 10%. Lâu nay khó nhất là trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ, lần này tinh thần là gắn chặt việc thực hiện mục tiêu này với trách nhiệm người đứng đầu.

Đối với khu vực sự nghiệp công lập thì ngoài tỷ lệ tối thiểu 10% này, phấn đấu thêm 10% không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nghĩa là giảm tối thiểu 10% và thêm 10% tự cân đối.

Tinh giản biên chế nhưng trong giáo dục ở đâu có học sinh thì phải bảo đảm đủ giáo viên, trong y tế có bệnh nhân phải bảo đảm đủ bác sĩ, chứ không phải giảm đồng loạt.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast