Bộ Công an lên tiếng về việc chậm cấp thẻ căn cước công dân

Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an - cho biết, hệ thống máy in phải bảo dưỡng, phôi làm thẻ căn cước công dân phải nhập khẩu, đang trên đường về Việt Nam.

bo cong an len tieng ve viec cham cap the can cuoc cong dan

Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó cục trưởng C72 (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) - giới thiệu về thẻ căn cước công dân (Ảnh: T.K)

- Thưa ông, trong thời gian qua nhiều người dân ở Hà Nội, TPHCM phản ánh việc bị chậm trễ trong việc cấp mới, cấp đổi thẻ căn cước công dân, gây phiền hà và ảnh hưởng không nhỏ tới các giao dịch dân sự của họ. Nguyên nhân vì sao vậy?

- Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc hệ thống máy in thẻ căn cước công dân đang được chúng tôi tiến hành bảo dưỡng sau quá trình hoạt động liên tục từ năm 2012 tới nay. Bên cạnh đó còn liên quan đến việc hãng cung cấp vật liệu thẻ căn cước gặp trục trặc trong việc vận chuyển từ Đức về Việt Nam. Chúng tôi mong người dân thông cảm và chia sẻ.

Hệ thống cấp, quản lý căn cước công dân đã vận hành từ năm 2012 và đến nay đã hết thời gian bảo hành rồi nên cần bảo dưỡng cho hoạt động ổn định. Do chưa chuyển giao công nghệ được nên việc bảo dưỡng này cũng phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Phôi nhựa thì nhập từ Đức, đi đường biển về Việt Nam nên có chậm một chút, quá thời hạn dự kiến của chúng tôi. Còn quy trình cấp căn cước thì không có vấn đề gì.

Tình trạng sắp hết phôi in thẻ căn cước công dân xảy ra ở tất cả 16 địa phương và đến đầu tháng 10 mới có đầy đủ để cung cấp trở lại.

Trong quá trình đổi thẻ căn cước công dân, người dân vẫn được sử dụng chứng minh thư nhân dân (CMTND) cũ, khi nào đến nhận thẻ căn cước mới phải cắt góc CMTND nên không ảnh hưởng với người đổi. Nhưng cũng vì nguyên nhân trên nên chúng tôi đã yêu cầu công an các địa phương hẹn ngày trả thẻ căn cước dài ra so với quy định trong luật để người dân đỡ phải đi lại, hoặc sử dụng dịch vụ chuyển phát thẻ căn cước tới tận nhà cho thuận lợi.

Đối với những người dân có nhu cầu sử dụng ngay thẻ căn cước công dân như các em học sinh mới tốt nghiệp THPT hoặc cần làm thủ tục bảo hiểm,... thì chúng tôi đều trao đổi với địa phương sử dụng số phôi còn lại để phục vụ ngay cho người dân.

- Nhưng người dân cũng phản ánh nhiều về tình trạng thẻ căn cước công dân bị in sai họ tên, hoặc trùng dấu vấn tay của người khác khiến họ rất vất vả khi thực hiện các thủ tục chỉnh sửa, xin cấp đổi thẻ căn cước mới?

- Việc này có cả lỗi chủ quan và khách quan. Chẳng hạn như hai vợ chồng cùng đi làm căn cước công dân hoặc đi làm cùng cả một nhóm người, tới khi cán bộ công an gọi lên lấy dấu vân tay thì nhầm của người nọ sang người kia. Hoặc cũng có thể do cán bộ khi nhập vào hệ thống chưa thoát hết thông tin của người này đã nhập thông tin của người khác vào, dẫn tới việc 2 người cùng vào một hệ thống hoặc một người vào vân tay cho 2 người. Đến khi dữ liệu được truyền về Cơ sở dữ liệu căn cước công dân do C72 quản lý thì chúng tôi kiểm tra, phát hiện ra ngay nên lập tức yêu cầu địa phương gọi người dân tới làm lại. Nhưng tôi khẳng định số này không nhiều đâu.

- Đến nay Bộ Công an vẫn chưa chuyển giao được công nghệ sản xuất phôi in thẻ căn cước công dân hay sao? Nếu còn phụ thuộc vào nguồn phôi sản xuất ở nước ngoài thì trong tương lai có thể lại tiếp tục lặp lại cảnh chậm trễ cấp, trả thẻ căn cước cho người dân, gây nhiều phiền hà, rắc rối?

- Đúng thế, vẫn phải nhập của nước ngoài. Nếu có doanh nghiệp nào trong nước nhập được vật liệu và sản xuất được phôi đáp ứng được yêu cầu của thẻ căn cước công dân quốc tế, có độ bền trên 10 năm thì mới có thể chủ động hơn được. Còn làm theo công nghệ thẻ ATM hiện nay thì hỏng ngay, bởi đó không phải chất liệu để sản xuất thẻ căn cước công dân theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc để xảy ra tình trạng chậm trễ cấp đổi căn cước công dân như lần này chắc sẽ không có nữa đâu. Chậm do mình vừa dùng CMTND cũ, vừa cấp đổi căn cước mới nên tính toán, dự trù số lượng không được chính xác. Hơn nữa khi tính toán thời gian vận chuyển phôi chỉ hết khoảng 2 tháng nhưng trục trặc lại thành ra 3 tháng chẳng hạn, bất khả kháng nên mới chậm thế. Sau này chúng tôi sẽ tính toán kỹ lưỡng để việc này không thể xảy ra nữa.

- Về lâu dài, Bộ Công an phải tính tới phương án chủ động hơn trong sản xuất phôi in thẻ căn cước công dân chứ?

- Cái đó phải phối hợp với doanh nghiệp trong nước để chủ động, chứ Bộ Công an không làm được cái đó. Chúng tôi đã thử nghiệm nhưng cái này liên quan đến nhiều yếu tố, vì phôi in thẻ căn cước công dân phải đủ tiêu chuẩn quốc tế thì mới chấp nhận được.

Hiện nay Bộ Công an đang thực hiện theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao, xây dựng dự án mới về cấp và quản lý thẻ căn cước công dân để làm sao đến ngày 1/1/2020 có thể cấp căn cước trong toàn quốc khi có đủ kinh phí.

- Xin cảm ơn ông!

3,5 - 4 triệu người dân đã được cấp căn cước công dân

Theo Đại tá Phùng Đức Thắng, đến nay đã có khoảng 3,5-4 triệu người dân ở 16 địa phương được cấp, đổi thẻ căn cước công dân. Theo đánh giá của Bộ Công an, hệ thống truyền dữ liệu, in thẻ căn cước công dân không có vấn đề gì lớn. 16 địa phương đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để cấp căn cước công dân từ đầu năm 2016 theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình.

Theo Dân trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast