Đưa tình huống pháp lý đến gần hơn với học sinh Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Việc tổ chức phiên tòa giả định tại Hà Tĩnh không chỉ làm “mềm hóa” việc tuyên truyền các quy định của pháp luật mà còn giúp học sinh nâng cao nhận thức về hành vi vi phạm.

Ngày 7/11, Trường THPT Cù Huy Cận (xã Đức Lĩnh, Vũ Quang) tổ chức phiên tòa giả định xét xử Lưu Ly và các đồng phạm về tội “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác”.

Đưa tình huống pháp lý đến gần hơn với học sinh Hà Tĩnh

Phiên tòa giả định tại Trường THPT Cù Huy Cận (xã Đức Lĩnh, Vũ Quang) xét xử Lưu Ly và đồng bọn về tội “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác”.

Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Ngàn Sâu, xuất phát từ việc ghen tuông do Linh nhận hoa của người yêu mình là Thành Đạt nên Lưu Ly nảy sinh ý định trả thù. Ngày 25/10/2021, Lưu Ly rủ thêm nhóm bạn của mình đến nhà Linh để “hỏi chuyện”. Nhóm đối tượng đã đăng tải clip Linh bị đánh, lột đồ và chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.

Trước áp lực lớn từ dư luận và những bình luận ác ý về mình, Linh đã uống thuốc sâu tự tử, song, may mắn được phát hiện, cứu sống kịp thời.

Đưa tình huống pháp lý đến gần hơn với học sinh Hà Tĩnh

Tình huống giả định được tái hiện tại phiên xử.

Gia đình Linh đã làm đơn tố cáo gửi đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Ngàn Sâu. Viện KSND huyện Ngàn Sâu đã truy tố Lưu Ly và đồng bọn về các tội danh “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác”.

Trong quá trình xét hỏi và tranh tụng, Lưu Ly và đồng bọn đã thành khẩn thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Các bị cáo đã phải trả giá cho hành vi bột phát, thiếu kiềm chế bằng bản án nghiêm minh mà TAND huyện Ngàn Sâu đưa ra.

Đưa tình huống pháp lý đến gần hơn với học sinh Hà Tĩnh

Nhóm bị cáo bị đưa ra xét xử.

Phiên tòa giả định thu hút sự quan tâm theo dõi của 41 cán bộ, giáo viên và 483 học sinh trong toàn trường. Thầy giáo Hồ Văn Việt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cù Huy Cận đánh giá: “Phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền pháp luật bằng sân khấu hóa, có tính trực quan nhằm giúp các em học sinh nhận biết hành vi vi phạm pháp luật; góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, ý thức thượng tôn pháp luật trong đoàn viên, thanh niên. Tại phiên tòa giả định, những quy định có phần khô khan, cứng nhắc của pháp luật được làm”mềm hóa“, giúp các em học sinh thấm, hiểu và nắm bắt, từ đó điều chỉnh các hành vi của bản thân”.

Cũng trong ngày 7/11, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TX Kỳ Anh phối hợp với Trường THPT Kỳ Anh (phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh) tổ chức phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền pháp luật phòng chống ma túy cho các em học sinh.

Đưa tình huống pháp lý đến gần hơn với học sinh Hà Tĩnh

Phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền pháp luật phòng chống ma túy cho các em học sinh được Trường THPT Kỳ Anh (phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh) phối hợp tổ chức.

Phiên tòa đã tái hiện lại quá trình phạm tội của bị cáo liên quan đến các tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy“và”Sử dụng trái phép chất ma túy".

“Việc tái hiện sinh động phiên tòa dựa trên các vụ án có thật, các diễn viên ở vai trò hội đồng xét xử, kiểm sát viên, bị cáo… đã giúp chúng em nhận thức đầy đủ hơn về các quy định pháp luật về ma túy. Ngoài việc tổ chức phiên tòa giả định, học sinh trong toàn trường cũng được tuyên truyền các văn bản pháp luật và tham gia trả lời câu hỏi. Chúng em mong muốn, nhà trường tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích như thế này”, em Lê Huyền Linh (học sinh lớp 10A7, trường THPT Kỳ Anh) chia sẻ.

Ngoài Trường THPT Cù Huy Cận và Trường THPT Kỳ Anh, nhiều trường học trên địa bàn cũng đã tổ chức phiên tòa giả định nhằm trang bị kiến thức, giáo dục pháp luật cho học sinh như: Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Trường THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh)...

Đưa tình huống pháp lý đến gần hơn với học sinh Hà Tĩnh

Phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) được đánh giá sát với thực tế, giúp học sinh dễ nắm bắt, hình dung.

Phiên tòa giả định với các tình tiết lôi cuốn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, giáo viên trong nhà trường, qua đó giúp học sinh hiểu rõ các hành vi vi phạm pháp luật, nguy hiểm đối với xã hội cũng như những hình phạt nghiêm khắc tương ứng.

Không chỉ dừng lại ở việc “sân khấu hóa” những vụ án, tình huống pháp lý, sau khi kết thúc phiên tòa, học sinh còn được tham gia hỏi đáp các tình huống xoay quanh vụ án và các vấn đề pháp lý thường gặp trong cuộc sống, từ đó nâng cao hiểu biết và nhận thức của bản thân.

Đưa tình huống pháp lý đến gần hơn với học sinh Hà Tĩnh
Tin liên quan:

Chủ đề Tòa tuyên án

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast