Cẩn trọng khi trẻ bị say nắng

Trẻ bị say nắng không được phát hiện xử trí kịp thời, có thể gây mất nước, đau đầu, thậm chí tổn thương thần kinh.

Bác sĩ Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, cho hay trong những ngày nắng, nguy cơ trẻ bị say nóng, nắng hoàn toàn có thể xảy ra.

Cẩn trọng khi trẻ say nóng, nắng

"Trước đây chúng tôi từng tiếp nhận các trẻ say nắng, say nóng đến viện. Nếu thời tiết kéo dài, không biết phòng ngừa thì những hiện tượng này vẫn có thể xảy ra", bác sĩ Vinh cảnh báo.

Say nắng là tình trạng xảy ra do ánh nắng mặt trời, đặc biệt vào những thời điểm như buổi trưa, buổi chiều, ánh nắng chiếu thẳng hoặc trực tiếp vào đầu trẻ, gây tình trạng rối loạn thân nhiệt, thậm chí ảnh hưởng cả trung tâm điều nhiệt, khiến trẻ bị mất nước, chóng mặt, hoa mắt.

Say nóng diễn ra trong môi trường nóng nực, trẻ bị tăng thân nhiệt do không đào thải được nhiệt độ gây mệt mỏi, ngột ngạt, đau đầu, chóng mặt.

Nếu trẻ bị say nắng hoặc say nóng không được phát hiện xử trí kịp thời, có thể gây rối loạn điều nhiệt, tăng thân nhiệt, mất nước, đau đầu, thậm chí tổn thương thần kinh. Để phòng tránh, cha mẹ cần lưu ý không nên cho trẻ đi ra bên ngoài trong các thời điểm nắng nóng, tránh để trẻ tiếp xúc với ánh nắng.

Theo bác sĩ Vinh, khi trẻ có các biểu hiện như mệt mỏi, lơ mơ, kích thích, khó chịu, ra nhiều mồ hôi trong các thời điểm tiếp xúc với nắng nóng, môi trường không thông thoáng, quần áo bí bách, cha mẹ có thể nghĩ tới trường hợp bị say nắng, say nóng.

Lúc đó, gia đình cần đưa trẻ sang môi trường thoáng mát, để thân nhiệt của trẻ được điều hòa tốt hơn. Có thể chườm mát bằng khăn ướt, nước đá, hoặc sử dụng điều hòa nhiệt độ. Đồng thời, cung cấp cho trẻ nước, điện giải kịp thời giúp trẻ phục hồi nhanh. Nếu trẻ mệt mỏi, kích thích không đáp ứng, gia đình phải đưa đến cơ sở y tế sớm.

can trong khi tre bi say nang

Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, không biết phòng ngừa, trẻ dễ bị say nắng, say nóng. Ảnh: Tiến Tuấn.

Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột

PGS.TS Võ Thanh Quang (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cũng cho biết kể từ khi bắt đầu nắng nóng đến nay, số trẻ nhập viện bắt đầu có chiều hướng gia tăng. PGS Quang cảnh báo một số thói quen trong sinh hoạt hàng ngày và sự thay đổi đột ngột nhiệt độ là nguyên nhân khiến trẻ nhập viện vì mắc bệnh viêm mũi, họng, amidan gia tăng.

Điển hình là một trường hợp bệnh nhi 5 tuổi, họng viêm đỏ rực vì thói quen hàng ngày của các phụ huynh.

“Đó là trường hợp một cháu nhỏ, chiều hôm trước đi học về đến nhà bạn chơi, mẹ của bạn lấy ra 2 hộp sữa chua trong tủ lạnh cho các cháu ăn. Do thời tiết nắng nóng, các cháu lại ăn đồ lạnh trực tiếp nên hôm sau một cháu bị ốm. Khi bế con đến viện, qua thăm khám chúng tôi thấy họng cháu đã bị viêm đỏ rực. Trường hợp này được các bác sĩ kê đơn thuốc về nhà điều trị ngoại trú”, PGS Quang chia sẻ.

Nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị viêm họng, viêm đường hô hấp trên trong những ngày hè là việc thay đổi nhiệt độ đột ngột, khiến cơ thể trẻ không kịp thích ứng nên gây bệnh.

“Ở các đô thị lớn, đa số lớp học đều lắp đặt điều hoà. Tuy nhiên, trong quá trình học, trẻ có thể đi vệ sinh, giờ ra chơi, hoặc lấy nước uống. Chính việc thay đổi giữa nhiệt độ trong phòng điều hoà và môi trường bên ngoài khiến trẻ bị viêm họng, viêm đường hô hấp”, PGS Quang phân tích.

Bên cạnh đó, thói quen trong sinh hoạt hàng ngày như uống nước lạnh, ăn sữa chua, ngay sau khi vừa đi ngoài trời nắng cũng khiến trẻ dễ bị viêm họng.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo khi vừa tiếp xúc với nhiệt độ cao, gia đình cần để bé nghỉ ngơi để cơ thể bớt nóng, sau đó mới bắt đầu uống nước, tốt nhất là nước mát ở nhiệt độ 4-10 độ.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast