Thử hạt nhân, Triều Tiên gậy ông đập lưng ông

Các cường quốc thế giới và trong khu vực được dự báo sẽ xích lại gần nhau hơn để kiềm chế Triều Tiên, đẩy nước này vào thế ngày càng bị cô lập, sau vụ thử hạt nhân hôm 6/1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Twitter

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Twitter

Sau khi tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, Triều Tiên lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gọi vụ thử bom mới nhất là mối đe dọa với an ninh Nhật, đồng thời cho rằng Tokyo hoàn toàn không thể khoan nhượng trước vụ việc. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói sẽ có những biện pháp kiên quyết trước bất cứ hành vi khiêu khích thêm nào của Triều Tiên. Nga trong khi đó khẳng định vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên là hành động vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế.

Nhiều quốc gia, tổ chức đã bắt đầu tính đến việc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Song quan trọng hơn cả, vụ thử nghiệm sẽ trở thành động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các nước như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc xích lại gần nhau nhằm đối phó với những mối đe dọa đang gia tăng từ Triều Tiên, theo CNBC.

Theo số liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, vụ thử nghiệm của Triều Tiên tạo ra một trận động đất mạnh 5,1 độ richter. Nhưng một số chuyên gia am hiểu vấn đề lại tỏ ra hoài nghi, cho rằng Bình Nhưỡng khó lòng nắm trong tay các công nghệ cần cho việc chế tạo và sản xuất bom nhiệt hạch.

Dù vậy, vụ thử hạt nhân thứ 4 của một quốc gia bị cô lập, phải chịu nhiều trừng phạt, cấm vận như Triều Tiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị trong khu vực. Và cuộc khủng hoảng ấy sẽ góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác đa phương giữa Mỹ và các đồng minh châu Á - Thái Bình Dương, giới quan sát đánh giá.

"Chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều các hoạt động triển khai phòng thủ cũng như tập trận quanh bán đảo Triều Tiên", ông Nick Consonery, giám đốc khu vực châu Á thuộc công ty tư vấn Eurasia Group, nhận định.

Bên cạnh những hành động phô diễn sức mạnh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ từ đây cũng sẽ chú trọng hơn tới việc xây dựng các cơ chế thu thập, trao đổi thông tin mới, ví dụ như triển khai tăng cường các chuyến bay trinh sát hay đẩy mạnh chia sẻ tình báo con người, ông Rodger Baker, lãnh đạo Ban Phân tích châu Á - Thái Bình Dương của mạng tình báo toàn cầu Stratfor, dự đoán.

Ngoài việc ngay tức thời củng cố các mối quan hệ hợp tác lấy tâm điểm là Triều Tiên, vụ thử nghiệm hạt nhân hồi giữa tuần còn góp phần làm sâu sắc hơn những mối liên minh hiện có của Mỹ.

"Nó chắc chắn sẽ tiếp thêm chất kết dính cho liên minh Mỹ - Hàn", Charles Armstrong, giáo sư tại Viện nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Đại học Columbia, Mỹ, cho hay.

Các chuyên gia Hàn Quốc theo dõi sóng địa chấn phát ra từ vụ thử hạt nhân Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia Hàn Quốc theo dõi sóng địa chấn phát ra từ vụ thử hạt nhân Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Ông Baker cho rằng việc quan hệ với các đối tác được mở rộng sau vụ thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ khiến Seoul cân nhắc tới khả năng triển khai THAAD, hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ, phát triển.

Mối hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có thể được tăng cường bởi theo ông Armstrong, vụ thử nghiệm của Triều Tiên xảy ra vào "đúng thời điểm quan trọng trong tiến trình cải thiện quan hệ" giữa hai quốc gia.

"Chúng ta nên trông đợi vào một sự gia tăng đáng kể về hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản", ông nói.

Seoul và Tokyo tuần trước thông báo đạt được một thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề "phụ nữ mua vui" từ thời kỳ Thế chiến II. Dù có một vài tiếng nói phản đối giải pháp trên nhưng các quan sát viên quốc tế vẫn coi đây là một động thái giúp làm bền chặt hơn mối quan hệ song phương.

Tuy nhiên, bước chuyển biến trong mối quan hệ quốc tế này sẽ đi đến đâu và đạt được những thành tựu gì vẫn còn là thắc mắc chưa có lời đáp. "Chúng ta hy vọng những thứ như thế sẽ đẩy Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ cùng các cường quốc khu vực khác đến gần nhau hơn nhưng tôi không nghĩ nó đủ sức để làm thay đổi quá nhiều tình hình an ninh ở Đông Bắc Á", Lisa Collins, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét.

Câu hỏi quan trọng đối với diễn biến địa chính trị tại khu vực vào lúc này là Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào trước hành động của Triều Tiên. Một vài người cho rằng Bắc Kinh sẽ chỉ đưa ra những phản ứng hời hợt trước tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch của Bình Nhưỡng. Số khác lại nói bằng một động thái cứng rắn, Trung Quốc sẽ củng cố được mối quan hệ với các nước khác trong khu vực.

"Cuộc thử nghiệm thực sự sẽ đưa các cường quốc ở châu Á xích lại gần nhau, không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ mà còn cả Trung Quốc nữa", Consonery bình luận.

Bắc Kinh từng gây áp lực yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu vụ thử nghiệm lần này thực sự sử dụng những công nghệ mới thì Trung Quốc có lẽ sẽ phải áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn những "bước đi sai hướng" của Triều Tiên, ông Consonery nhấn mạnh.

Hiển nhiên các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên không phải là một điều tốt nhưng có một thực tế là việc Bình Nhưỡng tiến hành chúng đã mang đến cơ hội để các cường quốc, thậm chí là những đối thủ địa chính trị, có thể thống nhất về một điều gì đó, cây bút Everett Rosenfeld từ CNBC đánh giá.

"Mọi sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc để xử lý các vấn đề toàn cầu đều có ý nghĩa", David Riedel, chủ tịch Nhóm Nghiên cứu Riedel, cho biết. "Vẫn có những điểm yếu trong cam kết của Mỹ với Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Bắc Á nói chung. Vụ thử nghiệm hạt nhân là bằng chứng cho thấy vị thế của Mỹ ở châu Á đã yếu đi đến mức độ nào. Và bất cứ thứ gì giúp tăng cường nó đều tốt cho kinh tế thế giới".

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast