Phúc Trạch phát triển mạnh kinh tế vườn - trang trại

Xã Phúc Trạch (Hương Khê) có 2.395,8 ha đất lâm nghiệp, 685,42 ha đất trồng cây hàng năm và lâu năm nên có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế vườn và kinh tế trang trại. Nhằm phát huy tiềm năng lợi thế này, trong những năm gần đây, Đảng ủy, chính quyền xã Phúc Trạch đã lãnh đạo, chỉ đạo người dân chú trọng theo hướng kinh tế vườn và kinh tế trang trại nên đã thu được kết quả đáng mừng.

Ông Phạm Quang Ngọ - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, xác định được tiềm năng, lợi thế của mình, những năm gần đây, Phúc Trạch đã tập trung định hướng, tuyên truyền cho người dân đi theo hướng kinh tế vườn, chăn nuôi và kinh tế tranhg trại. Công tác tuyên truyền, vận động định hướng này được thực hiện rộng rãi trong các tổ chức, đoàn thể, chi bộ thôn… nên người dân đã hiểu và tập trung làm theo. Bên cạnh đó, nhờ là một trong những xã điểm của huyện về xây dựng NTM nên xã cũng được hưởng lợi nhiều chương trình đầu tư, khiến nhân dân rất phấn khởi. Một số nguồn vốn như nguồn phát triển sản xuất NTM, các chính sách theo Quyết định 1035 của UBND huyện, Quyết định 26 của UBND tỉnh… thực sự đã góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế ở Phúc Trạch. Các chính sách này đã thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình sản xuất mới và mở rộng thêm quy mô ở các mô hình cũ. Nhờ vậy, bức tranh kinh tế nói chung, lĩnh vực kinh tế vườn và trang trại nói riêng của Phúc Trạch có nét khởi sắc thực sự.

Kinh tế vườn và kinh tế trang trại đang phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả ở Phúc Trạch

Kinh tế vườn và kinh tế trang trại đang phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả ở Phúc Trạch

Trong những năm qua, kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi tại gia ở Phúc Trạch chủ yếu vẫn là đầu tư chăn nuôi lợn, bò, trồng Dó trầm, cam, bưởi… Một thưc tế là, cây Dó trầm đang phát triển rất mạnh và cho giá trị kinh tế cao ở Phúc Trạch nên được người dân trồng rất nhiều. Đến nay, tổng diện tích cây Dó trầm toàn xã lên đến 200 ha. Riêng năm 2012, giá trị thu nhập từ cây Dó trầm toàn xã đạt trên 7 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán cây Dó và cây Dó trầm giống. Điển hình như hộ anh Nguyễn Tiến Chương ở xóm 11, năm 2012, riêng bán cây Dó trầm giống đã thu về trên 200 triệu đồng. Nhiều gia đình có Dó trầm cổ thụ, bán được mỗi cây hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, hàng trăm gia đình ở đây có thể thu về tiền tỷ từ việc bán Dó trầm ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên, đa số đang chờ cho cây lớn thêm để bán được giá hơn.

Bên cạnh phát triển cây Dó trầm, những năm gần đây người dân Phúc Trạch còn chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi bò, lợn, trồng cây ăn quả nên đã đưa lại nguồn thu nhập đáng kể. Năm 2012, thu nhập từ cam và bưởi toàn xã đạt 3,5 tỷ đồng; từ chăn nuôi các loại đạt 18 tỷ đồng. Điển hình một số hộ đầu tư lớn và cho thu nhập cao, như hộ ông Lê Hồng Mai, ở xóm 8, năm 2012 thu nhập từ bưởi Phúc Trạch đạt 105 triệu đồng; hộ Phan Văn Hoàng ở xóm 11, thu nhập từ cam đạt trên 70 triệu đồng. Năm 2011 có 69 hộ đăng ký phát triển mô hình trồng bưởi, 22 hộ đăng ký chăn nuôi lợn nái từ 4 con trở lên, 69 hộ đăng ký mua trâu bò nái sinh sản và 23 hộ đang ký chỉnh trang vườn hộ theo tiêu chí NTM được nhận nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình NTM. Đến nay, những đồng vốn từ chương trình này đang phát huy hiệu quả tốt và là tiền đề để thúc đẩy phát triển sản xuất ở địa phương trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, hàng chục hộ gia đình ở Phúc Trạch đã đầu tư chăn nuôi lợn đàn, bò đàn, gà, vịt… mỗi năm cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng…

Ngoài phát triển kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi tại gia, những năm gần đây, kinh tế trang trại ở Phúc Trạch có bước phát triển mạnh mẽ với tổng diện tích lên đến gần 160 ha. Đến nay, trên địa bàn xã có 33 mô hình phát triển theo hướng kinh tế trang trại với quy mô mỗi trang trại trên 2 ha, phân bố rộng rãi trên 1 xóm. Trong đó, tập trung nhiều ở xóm 6 và xóm 9, với diện tích bình quân 4,7 ha/trại. Phần lớn cá gia đình làm trang trại kết hợp sản xuất nhiều lĩnh vực nên thu nhập ổn định. Tổng thu nhập từ các mô hình này trong năm 2012 đạt trên 3 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình như bà Trần Thị Khang ở xóm 9, thu nhập từ chăn nuôi kết hợp, đạt 300 triệu đồng/năm; hộ anh Lê Xuân Thọ ở xóm 8, thu nhập từ cam và cây lâm nghiệp, đạt 200 triệu đồng/năm; hộ chị Phan Thị Hoa ở xóm 8, thu nhập từ mô hình tổng hợp, đạt trên 300 triệu đồng/năm, hộ Lê Xuân Vinh ở xóm 1, thu nhập từ cây lâm nghiệp, cây ăn quả, đạt 250 triệu đồng/năm…

Là xã miền núi với nhiều khó khăn nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng của cấp ủy, chính quền địa phương, kết hợp với các cơ chế chính sách của Nhà nước nên những người nông dân Phúc Trạch đã có sự đổi thay lớn về tư duy và hành động. Từ tư duy mới và hành động mới, họ đã đưa kinh tế vườn và trang trại phát triển mạnh, trở thành một lĩnh vực mũi nhọn, giúp hàng trăm gia đình thoát nghèo, vươn lên giàu có. Từ chỗ có điều kiện về kinh tế, người dân Phúc Trạch đã góp khá nhiều tiền của, công sức cùng nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM theo chủ trương lớn của Đảng đề ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast