Kinh ngạc với cơn sốt “truyền hình không sự kiện”

Truyền hình thế giới đang chứng kiến một dạng thức mới - truyền hình chậm rãi, không sự kiện. Về cơ bản, đây là một dạng thức truyền hình giải tỏa tâm lý nhẹ nhàng để người xem có thể nằm theo dõi thư thái từ chiếc ghế sofa êm ái, bên một tách trà nóng…

“Truyền hình chậm” - sự quá độ của truyền hình hiện đại?

Truyền hình Mỹ hiện đang chứng kiến một cơn sốt kỳ lạ có tên “truyền hình không sự kiện”, “truyền hình không vội vã”, “truyền hình chậm” (“Slow TV”), hay còn có thể gọi một cách thẳng tưng là truyền hình thôi miên người xem theo một cách “điên rồ” nhất.

Hiện tại, công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình lớn hàng đầu của Mỹ - Netflix - đang tạo nên một cơn sốt mà nhiều tờ tin tức gọi là “sự điên rồ của truyền hình 2016”. Theo đó, các chương trình “Slow TV” do công ty này mua về đang tạo thành một hiện tượng đối với người xem, ở đó, toàn bộ chương trình kéo dài nhiều tiếng hoàn toàn… chẳng có gì xảy ra.

kinh ngac voi con sot truyen hinh khong su kien

“Slow TV” là một dạng đi ngược lại thời đại truyền hình “hối hả” tin tức, “tấp nập” gameshow, talkshow, “reality show”, với ngồn ngộn bình luận chuyên sâu về tất cả mọi lĩnh vực đời sống cùng biết bao chiêu trò dàn dựng để tạo nên sức hút đối với khán giả.

“Slow TV” thì ngược lại, giúp người xem - những người muốn được xem truyền hình một cách thanh bình - được hoàn toàn thoát khỏi những luồng tin tức, những chương trình bình luận, những gameshow, chiêu trò…

“Slow TV” là dạng thức truyền hình không sự kiện, không bình luận, không kịch bản, cũng chẳng có tính giải trí. “Slow TV” đơn thuần là nhiều tiếng đồng hồ ghi hình một sự việc không ngắt quãng, không biên tập.

Kể từ tháng 8 vừa qua, Netflix đã bắt đầu cho lên sóng một số chương trình thuộc dòng “Slow TV” để người xem có cơ hội trải nghiệm một dạng thức truyền hình lạ lẫm chưa từng thấy.

Thế nào là truyền hình chậm “Slow TV”?

Những chương trình “Slow TV” thường có góc quay yên bình, tĩnh lặng, thư thái, để người xem thả hồn theo khuôn hình, không có bình luận, không có thông tin, chỉ có những hình ảnh bày ra trước mắt, không chỉnh sửa. Người xem chẳng cần nghĩ gì, nghe gì, chỉ cần nhìn ngắm, quan sát, đến khi nào thấy chán hoặc phải đứng lên đi làm việc khác thì dừng lại.

Nếu đọc tới đây, độc giả vẫn chưa hiểu vậy thì điều gì sẽ xảy ra trong những chương trình dạng này, câu trả lời rất đơn giản: Hoàn toàn không có tình huống nào xảy ra cả. “Truyền hình không sự kiện” hay “truyền hình chậm rãi” ra đời để tạo thành một dạng show không có nội dung - kịch bản cụ thể.

Truyền hình Mỹ đã tiếp thu từ truyền hình Na Uy để bắt đầu giới thiệu tới người xem một khái niệm mới về truyền hình. Họ đưa ra nhiều chương trình “Slow TV” với thời lượng khác nhau để người xem lựa chọn.

kinh ngac voi con sot truyen hinh khong su kien

Chương trình “National Firewood Night” kéo dài 6 tiếng mỗi tập, ghi lại hình ảnh những người dân sống ở vùng quê Na Uy, ban ngày đốn củi tích trữ, đêm xuống, trời lạnh, họ nhóm lên những đống lửa bập bùng, tiếng củi tí tách

kinh ngac voi con sot truyen hinh khong su kien

Chương trình “Train Ride Bergen to Oslo” kéo dài 7 tiếng, góc quay được đặt trên một toa tàu hỏa, chạy từ thành phố Bergen nằm ven bờ biển Na Uy tới thành phố thủ đô Oslo.

kinh ngac voi con sot truyen hinh khong su kien

Chương trình kéo dài 3 tiếng rưỡi - “National Knitting Evening” - với chỉ toàn những cảnh đan len nhanh thoăn thoắt bởi những bàn tay phụ nữ Na Uy điệu nghệ, để từ đó dần dần thành hình những chiếc áo, chiếc mũ, chiếc găng…

Đương nhiên, dạng thức “truyền hình chậm” này không dành cho tất cả mọi người, ngược lại, truyền hình chậm còn rất kén người xem. Những người yêu thích các gameshow giải trí, những loạt phim truyền hình hấp dẫn chắc chắn sẽ không lựa chọn xem truyền hình chậm.

Chủ yếu những người thường đối diện với căng thẳng, áp lực trong cuộc sống và cảm thấy phát ngấy với những dạng thức truyền hình truyền thống, mới tìm đến truyền hình chậm.

Trong cuộc sống hiện đại, dù nhiều người nói rằng họ đã không còn xem TV nhiều nữa, nhưng hầu như nhà nào cũng vẫn cần phải có TV.

kinh ngac voi con sot truyen hinh khong su kien

Sự hiện diện của chiếc TV đem lại cho căn phòng một vẻ sinh động mỗi khi màn hình được bật lên, nhưng đôi khi, chúng ta cảm thấy “loạn óc” vì TV “nói quá nhiều”. Nếu bạn từng trải qua cảm giác đó thì “truyền hình chậm” chính là thứ dành cho bạn.

Đôi khi chúng ta bật TV lên chỉ để cảm giác căn phòng có vẻ sinh động hơn, có gì đó để đưa ánh nhìn hướng đến, ngoài ra, không có nhu cầu tiếp nhận thông tin vào não bộ. Đó là khi truyền hình chậm trở nên hữu ích.

Truyền hình chậm sinh ra từ lối sống ưa tĩnh lặng

Thực tế, truyền hình chậm “Slow TV” đã bắt đầu được biết tới ở Na Uy từ năm 2009, giờ đây, dạng thức truyền hình này bắt đầu lan truyền tới Mỹ.

Khi mới xuất hiện ở Na Uy, truyền hình chậm đã ăn khách ngoài mong đợi. Với dân số chỉ 5 triệu người, chương trình “Train Ride Bergen to Oslo” kể trên đã có lúc thu hút tới 1,2 triệu người theo dõi mỗi khi lên sóng. Kể từ đây, truyền hình Na Uy bắt đầu có “đặc sản” riêng.

kinh ngac voi con sot truyen hinh khong su kien

Những chương trình truyền hình chậm rãi, không sự kiện, kéo dài hàng tiếng đồng hồ, góc quay không ngắt quãng, không biên tập, được ghi hình trực tiếp… bắt đầu được sản xuất hàng loạt và rất ăn khách ở Na Uy.

Với lối sống chậm rãi, người dân ở những nước thuộc bán đảo Scandinavia như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland, Phần Lan rất yêu thích “truyền hình chậm”.

Thực tế, phong cách sống của người dân ở mỗi quốc gia cũng tác động tới mức độ ưa chuộng dành cho truyền hình chậm. Người dân Na Uy vốn nổi tiếng với phong cách sống chậm, ưa tĩnh lặng, nên truyền hình chậm rất được ưa thích. Ở những quốc gia có dân số trẻ, đời sống sôi động, truyền hình dạng này sẽ khó trở nên phổ biến.

Sắp tới đây, đài truyền hình quốc gia Na Uy - NRK - sẽ còn sản xuất một chương trình đặc biệt ghi lại cuộc sống của một gia đình ở tỉnh Lapland của Phần Lan, khi gia đình này đưa hàng ngàn con tuần lộc đi di cư tránh rét, tìm tới những đồng cỏ còn đủ cỏ xanh cho cả đàn sinh sống vượt qua những tháng rét.

kinh ngac voi con sot truyen hinh khong su kien

Cuộc hành trình này kéo dài 5-6 ngày, đài NRK kỳ vọng sẽ có thể truyền hình trực tiếp toàn bộ chuyến hành trình kỳ thú này khi đàn tuần lộc vượt qua những cánh đồng tuyết, những con sông băng…

Trong khi truyền hình Mỹ tự tin với 24 giờ tin tức cập nhật thì truyền hình Na Uy đang sở hữu một “đặc sản” truyền hình không sự kiện, ghi hình xuyên suốt nhiều tiếng, thậm chí nhiều ngày.

Nhìn chung, “Slow TV” là một dạng truyền hình tĩnh lặng, cho phép người xem chạy trốn khỏi thế giới thực tại để chuyển hướng chú ý sang một câu chuyện tĩnh lặng, mà vẫn được yên lành ngồi trong căn phòng nhỏ của mình không cần đi đâu.

“Slow TV” về cơ bản là một dạng thức giải tỏa tâm lý nhẹ nhàng để người xem có thể nằm theo dõi thư thái từ chiếc ghế sofa êm ái, bên một tách trà nóng…

Theo Dân trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast