UEFA quyết xóa sổ "phe thứ 3" trong làng chuyển nhượng: Dằn mặt các “Bố già”

Jorge Mendes không chỉ là “siêu cò” nổi tiếng nhất thế giới. Đấy còn là một kiểu “Bố già” đang thực sự thao túng làng bóng đỉnh cao ở châu Âu, hoạt động theo hình thức “phe thứ 3” trong làng chuyển nhượng. UEFA đang cố triệt hạ cho bằng được nhân vật đầy quyền lực này.

Chủ tịch UEFA, Michel Platini, đang rất quyết tâm loại bỏ những ông trùm chuyển nhượng dưới vỏ bọc “phe thứ 3” như Jorge Mendes và Peter Kenyon

Chủ tịch UEFA, Michel Platini, đang rất quyết tâm loại bỏ những ông trùm chuyển nhượng dưới vỏ bọc “phe thứ 3” như Jorge Mendes và Peter Kenyon

KHÁM PHÁ CHUYỆN LÀM ĂN CỦA “BỐ GIÀ”

Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ mới (2001-2010), 3 CLB hàng đầu của BĐN (Porto, Benfica, Sporting Lisbon) kiếm được 425 triệu bảng tiền bán cầu thủ. 68% tổng giá trị của những cuộc chuyển nhượng ấy là do Mendes đàm phán. Mới đây, Mendes tiến hành những cú chuyển nhượng Angel di Maria, Diego Costa, Eliaquim Mangala, James Rodriguez, Radamel Falcao trong mùa Hè 2014, với tổng giá chuyển nhượng hơn 200 triệu bảng.

Ngoài ra, Mendes còn đàm phán hợp đồng cho rất nhiều HLV nổi tiếng như Jose Mourinho, Felipe Scolari, hoặc đàm phán cho các cầu thủ tự do chuyển nhượng. Xem ra, “siêu cò” nổi tiếng nhất trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp phải liên quan đến trên dưới 1 tỷ bảng tiền chuyển nhượng, từ đầu thế kỷ 21 đến nay.

Chỉ suy luận từ chi phí môi giới (ít nhất 10% mỗi vụ), đã thấy Mendes kiếm tiền khủng khiếp cỡ nào. Lại suy luận thêm: một khi Mendes đại diện cho cả HLV Mourinho lẫn các siêu sao mà Mourinho muốn mua cho CLB của ông ta, chúng ta có thể hình dung quyền lực của Mendes trong bóng đá đỉnh cao: vừa đàm phán rất dễ dàng về mặt giá cá, vừa chi phối được cả lĩnh vực chuyên môn của nhiều đội bóng.

Nhưng, bấy nhiêu cũng chỉ là một phần nhỏ - phần nổi trong tảng băng quyền lực Mendes. Đã có những tài liệu cho thấy Mendes và một nhân vật quen thuộc khác trong bóng đá nhà nghề châu Âu - Peter Kenyon, từng là giám đốc điều hành của M.U và Chelsea - làm cố vấn cho ít nhất 5 tổ chức tài chính lớn.

Những tổ chức này chi hơn 100 triệu bảng để đầu tư vào các cầu thủ trong vai trò “phe thứ 3” trên thị trường chuyển nhượng.

Các tổ chức “của Mendes và Kenyon” hùn vốn mua cầu thủ ở Sporting Lisbon. Đấy lại chính là các cầu thủ mà Mendes làm đại diện, tức “đạo diễn” cho việc chuyển nhượng của họ.

Hãy cứ hình dung một cú chuyển nhượng “mẫu”: Mendes đàm phán để Sporting bán một cầu thủ với giá 20 triệu bảng. Đấy lại là cầu thủ mà chính Mendes đưa về Sporting với giá chuyển nhượng ban đầu là 5 triệu bảng. Và trong 5 triệu bảng ấy thì một công ty nào đó “do Mendes cố vấn” đã “hùn” 50%. Vậy nên, trong 15 triệu bảng tiền lãi thì 50% chảy vào tài khoản của công ty ấy!

UEFA SẼ DÙNG LUẬT ĐỂ TRỊ

Mendes (và Kenyon) thật sự là chủ của các tổ chức đầu tư vốn vào các hợp đồng mua cầu thủ, hay họ quả chỉ là “cố vấn” như danh nghĩa? Đằng nào thì cũng có sự va chạm quyền lợi, khi Mendes đàm phán hợp đồng của các cầu thủ có liên quan đến quyền lợi tài chính của mình.

Mặt khác, “phe thứ 3” là thành phần mà FIFA đã nhiều lần tuyên bố là sẽ xóa sổ trong luật chuyển nhượng. Nhưng họ chỉ nói chứ không (hoặc chưa) làm được. Bây giờ, tổ chức của Michel Platini tuyên bố: nếu FIFA không làm thì UEFA sẽ làm. Sẽ có bộ luật khai tử “phe thứ 3” trong bóng đá châu Âu. Các cầu thủ liên quan sẽ bị UEFA cấm thi đấu, ít nhất là không cho tham dự các cúp châu Âu từ mùa tới.

Một khi UEFA đã thật sự áp đặt quy định công bằng tài chính (FFP) khiến mọi CLB lớn, nhỏ đều phải tuân thủ, thì có thể tin rằng họ cũng sẽ áp đặt được quy định cấm chuyển nhượng cầu thủ với sự hiện diện của “phe thứ 3”.

Tổng thư ký UEFA Gianni Infantino nói: “Sự hiện diện của “phe thứ 3” đe dọa tính công bằng của bóng đá châu Âu, đe dọa sự ổn định về mặt hợp đồng, gây xung khắc quyền lợi và có khả năng gây lũng đoạn bóng đá châu Âu. Nếu FIFA không thể giải quyết vấn đề bức xúc này, UEFA sẽ giải quyết trong phạm vi bóng đá châu Âu”.

Bản thân Mendes đã chịu thiệt thòi khi UEFA áp đặt quy định FFP (bây giờ, không phải đội nào muốn chuyển nhượng bao nhiêu cũng được). Bây giờ, ông ta lại có nguy cơ mất đi rất nhiều quyền lợi và ảnh hưởng, nếu UEFA thực hiện những gì họ vừa tuyên bố.

NHỮNG CÚ CHUYỂN NHƯỢNG LỚN DO NHÀ ĐẠI DIỆN MENDES ĐÀM PHÁN

* Năm 2014: Angel di Maria (60 triệu bảng, từ Real Madrid sang M.U); Diego Costa (32 triệu bảng, từ Atlletico Madrid sang Chelsea); Eliaquim Mangala (32 triệu bảng, từ Porto sang Man City); James Rodriguez (71 triệu bảng, từ Monaco sang Real Madrid); Radamel Falcao (6,7 triệu bảng, M.U mượn từ Monaco).

* Năm 2013: James Rodriguez (38,5 triệu bảng, từ Porto sang Monaco); Radamel Falcao (52,8 triệu bảng, từ Atletico Madrid sang Monaco); Joao Moutinho (22 triệu bảng, từ Porto sang Monaco).

* Năm 2011: Fabio Coentrao (26,4 triệu bảng, từ Benfica sang Real Madrid); Radamel Falcao (32 triệu bảng, từ Porto sang Atletico Madrid); Sergio Aguero (38 triệu bảng, từ Atletico Madrid sang Man City).

* Năm 2010: Angel di Maria (21 triệu bảng, từ Benfica sang Real Madrid); Ricardo Carvalho (7 triệu bảng, từ Chelsea sang Real Madrid).

* Năm 2009: Cristiano Ronaldo (80 triệu bảng, từ M.U sang Real Madrid).

* Năm 2008: Deco (8 triệu bảng, từ Barcelona sang Chelsea).

* Năm 2007: Nani (22,4 triệu bảng, từ Sporting Lisbon sang M.U); Anderson (27 triệu bảng, từ Porto sang M.U); Pepe (24 triệu bảng, từ Porto sang Real Madrid); Simao Sabrosa (16,5 triệu bảng, từ Benfica sang Atletico Madrid).

* Năm 2004: Paulo Ferreira (13,2 triệu bảng, từ Porto sang Chelsea); Ricardo Carvalho (20 triệu bảng, từ Porto sang Chelsea); Tiago Mendes (8,8 triệu bảng, từ Benfica sang Chelsea).

* Năm 2003: Cristiano Ronaldo (12 triệu bảng, từ Sporting Lisbon sang M.U); Ricardo Quaresma (4,5 triệu bảng, từ Sporting Lisbon sang Barcelona).

* Năm 2002: Hugo Viana (8,5 triệu bảng, từ Sporting Lisbon sang Newcastle).

“Phe thứ 3” hoạt động như thế nào?

Khi một CLB muốn mua một cầu thủ trẻ với giá chuyển nhượng thật cao, CLB ấy đối diện nhiều nguy cơ như phá sản (vì chi tiền quá nhiều) hoặc lỗ nặng (nếu cầu thủ trẻ không đáp ứng được sự kỳ vọng, lại không thể bán sang CLB khác với giá như cũ). Khi ấy, “phe thứ 3” sẽ vào cuộc: đầu tư một phần chi phí cho cú chuyển nhượng, hỗ trợ chi phí ăn, tập...

Một mặt, CLB có thể mua cầu thủ trẻ mà họ ưng ý với chi phí thấp hơn. Mặt khác, nếu cầu thủ trong cuộc thất bại về chuyên môn thì CLB coi như chia sẻ được nguy cơ thất bại với “phe thứ 3”. Bù lại, dĩ nhiên phải có điều kiện. Thường là “phe thứ 3” giữ một cổ phần nhất định trong giá trị kinh tế của cầu thủ trong cuộc, sẽ được chia tiền nếu cầu thủ ấy được chuyển nhượng tiếp trong tương lai.

Loại hình này rất phổ biến ở Nam Mỹ (nhất là Brazil và Argentina), nơi các CLB thường không mạnh về tài chính. Nhưng loại hình này bị cấm trong một số nền bóng đá ở châu Âu, như Anh hoặc Pháp.

Cách vận hành của “phe thứ 3” (gọi chính xác và đầy đủ là “third-party ownership”: quyền sở hữu của phe thứ 3) khác với cách vận hành của tình trạng “đồng sở hữu cầu thủ”. Trong khái niệm sau, có 2 CLB cùng sở hữu một cầu thủ (dù rằng cầu thủ ấy chỉ khoác áo một CLB). Muốn chuyển nhượng cầu thủ ấy thì phải có sự đồng ý của cả 2 CLB đồng sở hữu. CLB đồng sở hữu nhưng không sử dụng cầu thủ có thể bán “phần hùn” của mình cho CLB khác, nếu được sự đồng ý của CLB còn lại.

FIFA, UEFA và các LĐBĐ quốc gia ở châu Âu đều công nhận tình trạng “đồng sở hữu cầu thủ”, nhưng lại không chấp nhận sự tồn tại của “phe thứ 3” (khác biệt ở chỗ: “phe thứ 3” không phải là một đội bóng).

Theo Bongdaplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast