Tọa đàm "Giáo sư Nguyễn Đổng Chi với văn hóa dân gian"

(Baohatinh.vn) - Ngày 23/3, tại Thành phố Hà Tĩnh, Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam tại Hà Tĩnh tổ chức tọa đàm: “Giáo sư Nguyễn Đổng Chi với văn hóa dân gian” nhân kỷ niệm 104 năm ngày sinh và 35 năm ngày mất cố giáo sư.

Tọa đàm “Giáo sư Nguyễn Đổng Chi với văn hóa dân gian”

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải; GS.TSKH Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam; Nhà văn Phan Trung Hiếu - Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Tĩnh; GS. Nguyễn Huệ Chi - con trai trưởng cố GS Nguyễn Đổng Chi; các khoa học, nhà thơ, nhà văn trong nước cùng một số Nghệ nhân dân gian tiêu biểu trên địa bàn đến dự.

Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, nhà văn đã có những đóng góp ý kiến thể hiện trách nhiệm và tình cảm trân trọng cuộc đời, sự nghiệp của cố GS. Nguyễn Đổng Chi.

Tọa đàm “Giáo sư Nguyễn Đổng Chi với văn hóa dân gian”

Cố GS. Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) sinh ra tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), quê gốc ở xã Ích Hậu, nay thuộc huyện Lộc Hà, là một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Trên 50 năm lao động sáng tạo, ông đã để lại cho đời và hậu thế một kho báu văn hóa đồ sộ với hơn 80 công trình nghiên cứu riêng và chung, tiêu biểu như: Việt Nam cổ văn học sử; Mọi Kontum; Túp lều nát; Lược khảo thần thoại Việt Nam; Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam; Từ điển thuật ngữ văn hóa dân gian; Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh; Hát giặm Nghệ Tĩnh; Vè Nghệ Tĩnh; Ca dao Nghệ Tĩnh…

Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, cố GS. Nguyễn Đổng Chi là một trong 4 tác giả của Hà Tĩnh (cùng với Xuân Diệu, Huy Cận, Hồ Tôn Trinh) vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Tọa đàm “Giáo sư Nguyễn Đổng Chi với văn hóa dân gian”

Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam Tô Ngọc Thanh phát biểu tại tọa đàm

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam Tô Ngọc Thanh: "Cố giáo sư Nguyễn Đổng Chi - người con của quê hương Hà Tĩnh là một học giả tài đức song toàn, là nhà văn hóa, nhà văn kiệt xuất có nhiều công trình nghiên cứu, sáng tác văn hóa dân gian, là nguồn di sản vô giá mang đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Trong thời gian 1 ngày, tọa đàm đã có 12 ý kiến đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của cố GS. Nguyễn Đổng Chi. Nhìn chung, các ý kiến đều tập trung khẳng định: cố GS. Nguyễn Đổng Chi là nhà nghiên cứu văn học dân gian với nhiều công trình khả tín, hiện đại về lý luận và dồi dào vốn liếng điền dã cũng như tư liệu thực tế trong lĩnh vực văn hóa dân gian, xứng đáng là tấm gương để các thế hệ hôm nay và mai sau tưởng nhớ.

Tọa đàm “Giáo sư Nguyễn Đổng Chi với văn hóa dân gian”

Nhân dịp này, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam Tô Ngọc Thanh và các nghệ nhân tiêu biểu cũng đã tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam Tô Ngọc Thanh chia sẻ một số kinh nghiệm về hoạt động điều tra, sưu tầm văn hóa dân gian, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân gian nói chung và dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh nói riêng.

Tọa đàm “Giáo sư Nguyễn Đổng Chi với văn hóa dân gian”

Nghệ nhân dân gian Hà Tĩnh thể hiện một số làn điệu dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh tại buổi giao lưu.

* Nhân kỷ niệm 104 năm ngày sinh và 35 năm ngày mất cố GS. Nguyễn Đổng Chi, tại xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, gia đình thân quyến cố GS. Nguyễn Đổng Chi vừa phối hợp với trường THPT Nguyễn Đổng Chi tổ chức lễ khánh thành công trình Tượng đài GS. Nguyễn Đổng Chi.

Tọa đàm “Giáo sư Nguyễn Đổng Chi với văn hóa dân gian”

Các đại biểu cắt băng khánh thành.

Từ tháng 9/2018, công trình đúc tượng GS. Nguyễn Đổng Chi chính thức được tiến hành với khuôn viên phối cảnh rộng 36m2, được bố trí trang nghiêm, đảm bảo các giá trị lịch sử và thẩm mỹ ngay trong sân trường THPT Nguyễn Đổng Chi (xã Ích Hậu).

Pho tượng được đúc bằng chất liệu đồng nguyên chất, nặng 180kg, cao 1,08m; phần bệ tượng có hai cấp được ốp đá hoa cương với hai màu đỏ và xám hoa cà. Công trình có tổng mức đầu tư gần 300 triệu đồng, được vận động theo hình thức xã hội hóa.

Công trình hoàn thành không chỉ vinh danh tên tuổi và những đóng góp của GS Nguyễn Đổng Chi đối với nền văn hóa nước nhà nói chung và quê hương Hà Tĩnh nói riêng mà còn hoàn thành nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh và phụ huynh trường THPT Nguyễn Đổng Chi.

Để có lễ khánh thành tượng đài hôm nay, công lớn từ sự khởi phát ý tưởng và hỗ trợ của Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Chương trình “Giọt đồng dựng tượng danh nhân” của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; sự đồng thuận, hỗ trợ tích cực về tinh thần và cả vật chất của thân nhân gia đình cố Giáo sư.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast