Vườn Quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN

(Baohatinh.vn) - Tại hội nghị các Vườn Di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse (CHDCND Lào) mới đây, Vườn Quốc gia Vũ Quang – Hà Tĩnh chính thức được Hội đồng AHP, Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tuyên bố và trao danh hiệu “Vườn di sản ASEAN”. 

Vườn Quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN

Hội nghị các Vườn di sản ASEAN lần thứ 6 tại CHDCND Lào có chủ đề “Đổi mới và phát triển bền vững cho Vườn di sản và cộng đồng - Lễ kỷ niệm 35 năm Vườn Di sản ASEAN”

Vườn quốc gia Vũ Quang được biết đến là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, trong đó có nhiều loài nguy cấp quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn. Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực, nằm ở vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn, xen kẽ giữa Vườn Quốc gia Pù Mát ở phía Bắc và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở phía Nam.

Với chức năng nhiệm vụ chính là bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn, tiếp giáp với biên giới Việt Nam – Lào, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn góp phần duy trì cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, bảo đảm an ninh môi trường và sự phát triển bền vững về tự nhiên kinh tế của các tỉnh thuộc khu IV.

Vườn Quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN

Khung cảnh Vườn Quốc gia Vũ Quang. Ảnh: Huy Tùng

Bên cạnh đó, Vườn còn giúp phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và du lịch sinh thái hội đủ các tiêu chí để được công nhận là “Vườn Di sản ASEAN”.

Vườn Quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN

Vườn Quốc gia Vũ Quang có chức năng chính là bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn, tiếp giáp với biên giới Việt Nam – Lào. Ảnh: Huy Tùng

Vườn Quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN

Hệ sinh thái Vườn Quốc gia Vũ Quang hết sức phong phú và đa dạng. Ảnh: Huy Tùng

Tầm quan trọng cho bảo tồn và tính độc đáo các loài, sinh cảnh quý hiếm là 2 trong số các tiêu chí quan trọng cho một “Vườn di sản ASEAN”. Vườn Quốc gia Vũ Quang có giá trị sinh học lớn bởi đây là một trong những nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa quan trọng cho công tác bảo tồn, và cũng bởi mức độ đa dạng sinh học rất cao.

Tại Vườn Quốc gia Vũ Quang có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong số đó có những loài đặc trưng, quý hiếm như: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), thỏ vằn (Nesolagus timinski), cầy vằn (Migalus owstoni), chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), vượn đen (Hylobates leucogenys siki), gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis), rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus), ếch cây sần Bắc bộ (Theloderma corticale)...

Vườn Quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN

Sao la (kỳ lân châu Á) Pseudoryx nghetinhensis - loài mới được phát hiện đầu tiên tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Nguồn: internet)

Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước thì đa dạng khu hệ động, thực vật tại Vườn Quốc gia Vũ Quang không hề thua kém bất cứ khu vực nào trên cùng lãnh thổ.

Về khu hệ thực vật ở Vườn quốc gia Vũ Quang đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ, trong số này có tới 131 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục IUCN (2017) và Nghị định 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Vườn Quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN

Chà vá chân nâu (ảnh 1), thỏ vằn Trường Sơn (ảnh 2), ếch cây Kio (ảnh 3) và mang lớn (ảnh 4)

Khu hệ động vật của Vườn quốc gia Vũ Quang còn đáng chú ý hơn, các nghiên cứu đã ghi nhận ở đây có sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện.

Trong đó, có 46 loài thú, 21 loài chim, 20 loài bò sát, 2 loài lưỡng cư và 1 loài cá xương nằm trong Danh lục IUCN (2017) và Sách Đỏ Việt Nam (SĐVN, 2007) cần được ưu tiên bảo tồn. Việc phát hiện và công bố hàng loạt các loài mới cho thế giới trong thời gian qua như: Chà Ran tuyến (Homalium glandulosum) (2016), trà hoa vàng Vũ Quang (Camellia vuquangensis), trà hoa vàng Hà Tĩnh (Camellia hatinhensis) (2018), dẻ Vũ Quang (Lithocarpus vuquangensis) (2018), gừng Vũ Quang (Zingiber vuquangense) (2019), tân bời lời Vũ Quang (Neolitsea vuquangense) (2019) đã khẳng định cho sự giàu có, độc đáo và tiềm ẩn về đa dạng sinh học nơi đây.

Vườn Quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN

Trà mi Vũ Quang...

Vườn Quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN

và trà mi hoa vàng được phát hiện tại Vườn Quốc gia Vũ Quang

Hội nghị Vườn Di sản ASEAN (AHP) lần thứ 6 diễn ra ở Pakse, tỉnh Champasak, nước CHDCND Lào từ ngày 21 đến 24/10/2019 thảo luận về các nỗ lực quốc gia và khu vực trong quản lý Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn và để kỷ niệm mốc quan trọng của Chương trình Vườn Di sản ASEAN trong 35 năm tồn tại.

Hội nghị được tổ chức bởi Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) và Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào, với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức KfW.

Tại hội nghị lần này, 9 danh hiệu “Vườn Di sản ASEAN” được trao cho các nước ASEAN, trong đó, Việt Nam vinh dự có 4 đại diện gồm: Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) và Khu bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum), nâng tổng số Vườn Di sản ASEAN tại Việt Nam lên con số 10.

Vườn Quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN

Ông Nguyễn Danh Kỳ (bên phải) - Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang tham dự hội nghị và nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN cho Vườn Quốc gia Vũ Quang từ hội đồng AHP

Vườn Di sản ASEAN là danh hiệụ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN với sự tham gia và ký kết của các bộ trưởng về Môi trường của ASEAN.

Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

Vườn Quốc gia Vũ Quang hôm nay ngoài các nhiệm vụ và chức năng đã và đang thực hiện còn gánh vác trách nhiệm là một khu bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam ở tầm khu vực và châu lục.

(Vườn Quốc gia Vũ Quang)

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast