Bác sỹ tuyến xã đang giảm dần

Hà Tĩnh hiện có 138 bác sỹ tuyến xã, so với những năm trước tỷ lệ bác sỹ tuyến xã ngày càng giảm (năm 2005 đạt 71%, đến nay chỉ còn 52,7%). Tại 12/12 huyện, thị xã, thành phố đều thiếu bác sỹ tuyến xã, phường, trong đó tập trung ở các huyện Lộc Hà, Vũ Quang, Thạch Hà…

Bác sỹ Trưởng Trạm y tế xã Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) khám bệnh tại bệnh xá.
Bác sỹ Trưởng Trạm y tế xã Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) khám bệnh tại bệnh xá.

Tình trạng thiếu bác sỹ tuyến xã có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản nhất là hầu hết các bác sỹ sau khi tốt nghiệp không muốn về trạm y tế lập nghiệp bởi lương thấp, không có môi trường rèn luyện tay nghề và không có cơ hội thăng tiến, các kiến thức dễ bị “thui chột”. Cùng là bác sỹ đào tạo như nhau nhưng công tác ở các tuyến khác nhau thu nhập cũng khác nhau. Bác sỹ tuyến xã hầu như không có thu nhập thêm gì khác ngoài lương, còn nếu công tác tại tuyến trên thu nhập ngoài lương có khi gấp 2 đến 3 lần…

Thiếu bác sỹ tuyến xã và các vùng khó khăn một phần cũng do chính sách thu hút nhân tài còn hạn chế nên một số bác sỹ xã bỏ đi tìm việc ở các tỉnh khác. Bác sỹ Phan Thân – Trưởng trạm y tế Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, cho biết: “Làm việc ở tuyến xã được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ, bệnh nhân tin tưởng, yêu mến. Nhưng ở đây ngoài lương ra chúng tôi không có thêm khoản thu nào khác nên cuộc sống rất vất vả. Chúng tôi muốn học tiếp bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II để nâng cao trình độ chuyên môn cũng rất khó. Khi đã về làm tại tuyến xã, cơ hội được chuyển lên tuyến trên là rất ít”.

Ở Hà Tĩnh nhiều trạm y tế chưa đạt chuẩn do thiếu bác sỹ, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thậm chí một số trạm y tế không giữ được chuẩn do nhà cửa, trang thiết bị, dụng cụ y tế xuống cấp vì sử dụng quá lâu. Công tác khám chữa bệnh ở cơ sở hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, bởi các dịch vụ y tế cơ sở hoạt động ngày càng eo hẹp. Phần lớn người dân đã mua thẻ BHYT nên trạm không có nguồn thu, trong khi địa phương hỗ trợ lại không đủ để hoạt động.

Theo Thông tư liên tịch số 119/TTLT của liên Bộ Y tế, Tài chính về bổ sung nguồn chi thường xuyên, mỗi trạm y tế được chính quyền địa phương hỗ trợ trên 10 triệu đồng/năm, và Quyết định 115/QĐ-BYT về chế độ tiền trực, nhưng tại một số xã nguồn ngân sách hạn chế do không có thu. Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản và chế độ tiền trực ở một số trạm y tế còn gặp khó khăn.

Chị Trương Thị Lý – Phó trạm y tế Thạch Trung – TP Hà Tĩnh, cho biết: “Mặc dù chúng tôi phải trực cả ngày lẫn đêm nhưng từ lâu đến nay không có tiền trực, y tế thôn bản không có chế độ nên không hoạt động, do đó anh chị em trong trạm phải kiêm luôn các việc của y tế thôn bản.”.

Bác sỹ Nguyễn Quang Trung - Trưởng Phòng Tổ chức – Sở Y tế, cho biết: Hiện ngành y tế Hà Tĩnh đang thiếu bác sỹ, đặc biệt tuyến xã, trong khi đó nhu cầu về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng cao. Về công tác đào tạo, chính quyền địa phương, ngành chức năng cũng đã và đang thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế, mỗi năm bình quân có từ 15 đến 17 cán bộ trung cấp tuyến xã đi học bác sỹ chuyên tu, năm 2009 ngành y tế tuyển 13 bác sỹ chính quy, bổ sung thêm 29 bác sỹ chuyên tu về xã, đang đi học bác sỹ hệ xã 85 người. Mục đích đến năm 2010 có 80% bác sỹ tuyến xã, luân chuyển cán bộ tuyến trên về hỗ trợ tuyến xã trong hoạt động khám chữa bệnh và chuyển giao khoa học kỹ thuật hiện đại theo Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ y tế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast