Những vũ khí Việt Nam sẵn sàng dùng vì chủ quyền

Mới đây, trang Nationalinterest.org của Mỹ đăng tải bài viết của phó giáo sư Robert Farley, ở Học viện Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson.

Chúng tôi xin lược dịch nội dung để bạn đọc tham khảo về cách mà người Mỹ đánh giá tiềm lực quân sự của Việt Nam theo góc nhìn đa chiều.

Năm 1975, lực lượng vũ trang của Việt Nam đã thực hiện thành công chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 30 năm. Chiến dịch Đại thắng Mùa Xuân kết thúc sau 3 năm Mỹ chấm dứt viện trợ cho chế độ Sài Gòn.


Những vũ khí Việt Nam sẵn sàng sử dụng một khi chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa

Bốn năm sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, năm 1979, Trung Quốc đã tiến hành xâm lược Việt Nam. Cuộc chiến kéo dài một tháng, Trung Quốc đã chuốc lấy tổn thất nặng nề mà không đạt được bất kỳ mục tiêu chiến lược nào.

Theo Nationalinterest.org, Quân đội Nhân dân Việt Nam (VPA) là đội quân từ nhân dân mà ra, có bề dày lịch sử đáng nể, đặc biệt là sự thành công. VPA đã và đang chứng minh được khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, thiếu vũ khí, còn giờ đây, họ có cả kiến thức, lẫn vũ khí hiện đại mà bất kỳ một kẻ nào muốn xâm chiếm Việt Nam, kể cả Bắc Kinh cũng phải kiềng nể.

Dưới đây những hệ thống vũ khí Việt Nam sẵn sàng đưa ra sử dụng nếu chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa.

1. Su-27


Trong cuộc chiến tranh năm 1979, không quân Trung Quốc (PLAAF) đóng một vai trò không đáng kể vì nhiều lý do, còn Không quân nhân dân Việt Nam (VPAF) vẫn nằm chờ, đóng vai trò phòng thủ giống như những gì VPAF từng làm trong cuộc chiến chống Mỹ cách đó một thập kỷ. Cả hai bên cũng không muốn huy động không quân cho cuộc xung đột này.

Hiện tại, Việt Nam đã nâng cấp hàng loạt bằng các thế hệ máy bay mới Su-27 Flanker. Hiện có khoảng 40 chiếc Flanker và 20 chiếc khác trong đơn đặt hàng từ Nga.

Ngoài nhiệm vụ đối không, thế hệ máy bay mới này còn có thể tấn công các mục tiêu mặt đất và trên biển bằng tên lửa hành trình tầm xa, với độ chính xác cao. Kết hợp với mạng lưới phòng không, hoặc Su-27 kết hợp với máy bay MiG-21 sẽ giúp Việt Nam bảo vệ vững chức chủ quyền lãnh thổ nếu bị tấn công từ trên cao.

Sukhoi Su-27 Flanker là máy bay tiêm kích phản lực được thiết kế bởi Phòng thiết kế Sukhoi, ra đời năm 1977. Nó là đối thủ trực tiếp với những loại máy bay chiến đấu thế hệ mới của Mỹ như F-14 Tomcat, F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon hay F/A-18 Hornet.

Tầm hoạt động lớn, trang bị vũ khí hạng nặng, và cực kỳ cơ động, linh hoạt. Su-27 có thể hoàn thành các nhiệm vụ nên được tôn vinh là chiến đấu cơ đa nhiệm.

Hiện đã có thêm nhiều phiên bản mới như Su-33 Flanker-D, mô hình máy bay tiêm kích đánh chặn phòng thủ hạm đội được phát triển từ thiết kế của Su-27 và được trang bị cho các tàu sân bay.

Su-30 là một mẫu máy bay tiêm kích đa nhiệm, hai chỗ có thể bay trong mọi thời tiết, chuyên thực hiện các nhiệm vụ không chiến và đánh chặn từ xa hay phiên bản tiêm kích-bom Su-34 Fullback và phiên bản tiêm kích phòng thủ trên không cải tiến Su-35 Flanker-E có những tính năng vượt trội trên mọi phương diện.

2. Tàu ngầm lớp Kilo


Giới phân tích nói chung đều thừa nhận Trung Quốc chưa đặt ra những vấn đề quan trọng với tác chiến chống tàu ngầm trong chiến tranh. Đôi khi còn cho rằng họ (Trung Quốc) có nhiều lợi thế về tàu ngầm và không cần phải đối phó với tàu ngầm của đối phương.

Nhưng các loại tàu ngầm lớp Kilo hiện đại mà Việt Nam mua gần đây từ Nga thực sự làm cho Trung Quốc đau đầu. Mặc dù Trung Quốc cũng có tàu ngầm Kilos và các loại tàu ngầm khác, nhưng điều này không có nghĩa khống chế được những loại tàu ngầm mới nhất của Việt Nam.

Các loại tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam được trang bị cả ngư lôi và tên lửa hành trình chống tàu, nên sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với tàu chiến của đối phương xâm lược cũng như những căn cứ ở ngoài khơi.

Hiện tại Việt Nam đang có 2 chiếc Kilo hoạt động và 4 chiếc khác sẽ được chuyển giao trong các năm tới. Mặc dù Trung Quốc có thể cố gắng để gây áp lực với Nga để làm chậm việc chuyển giao tàu ngầm và vũ khí cho Việt Nam, nhưng Moscow dường như không để ý. Vì vậy Hải Quân Việt Nam sẽ là một trong những lực lượng mạnh trong tương lai gần.

Kilo là cách gọi của NATO chỉ loại tàu ngầm quân sự chạy bằng diesel-điện cỡ lớn được chế tạo tại Nga. Tên chính thức của Nga đặt của lớp tàu ngầm này là Project 636 (Dự án 636). Lớp Kilo kế tiếp bởi lớp Lada, bắt đầu hoạt động thử nghiệm trên biển năm 2005.

Tàu ngầm Project 636 được thiết kế nhằm tiêu diệt các loại tàu ngầm, tàu nổi cũng như các phương tiện thủy của đối phương, có thể hoạt động độc lập để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Kilo vận hành rất êm, được Hải quân Mỹ gọi là Lỗ Đen vì khả năng "tàng hình" và được xem là tàu ngầm diesel và điện êm nhất thế giới hiện nay.

Ngói chống dội âm được phủ trên vỏ tàu và cánh ngầm có nhiệm vụ hấp thụ sóng âm sonar, làm giảm thiểu và gây biến dạng tín hiệu dội lại. Lớp ngói này cũng làm giảm ồn gây ra bởi tàu ngầm, nên làm giảm khoảng cách bị phát hiện bởi sonar thụ động.

3. Tên lửa hành trình P-800 Oniks


Trong vài thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã phát triển một mảng đáng gờm các tên lửa hành trình.

Trung Quốc hiện đang quan tâm đến phóng hỏa lực, và cố gắng phong bế sớm hệ thống chống tiếp cận A2/AD của các nước láng giềng. Giống như Trung Quốc, từ lâu Việt Nam cũng theo đuổi, mua mới hàng loạt các hệ thống phóng tên lửa hành trình.

Hiện tại, Việt Nam có thể phóng tên lửa hành trình từ máy bay, tàu nổi, tàu ngầm, và các hệ thống khác trên bờ. Nếu hoạt động kết hợp, những tên lửa này có thể tấn công các tàu đối phương từ nhiều phía, bất ngờ để áp đảo hệ thống phòng không trên tàu đối phương.

Hệ thống tên lửa trên bờ của Việt Nam có sức chịu đựng dẻo dai trước một cuộc tấn công ồ tạt. Việt Nam sử dụng hệ thống tên lửa hành trình Bastion-P cho mục đích phòng thủ ven biển. Loại tên lửa này có tốc độ Mach 2,5 (3.062 km/h) và tầm bắn 180 dặm (257,5 km) mang theo đầu đạn nặng 250 kg có thể sẽ tạo ra thảm họa cho các tàu chiến của đối thủ.

Nếu đặt ở những địa điểm chiến lược và được bảo vệ bởi mạng lưới phòng không chặt chẽ, các tên lửa Bastion-P cùng "đồng đội" tên lửa hành trình phóng từ các vị trí khác sẽ tạo ra những cơn mưa đạn làm cho tàu bè đối phương ở Biển Đông phải khiếp sợ.

P-800 Onyx Cruise Missile, hay SS-N-26, là tên lửa hành trình siêu thanh do NPO Mashinostroyeniya của Nga phát triển. Đây là phiên bản sử dụng động cơ phản lực thẳng của P-80 Zubr ra đời từ năm 1983 đến năm 2001.

Nó có thể phóng từ đất liền, trên biển, trên không hay từ tàu ngầm. P-800 Oniks đã được dùng làm nền tảng để phát triển tên lửa PJ-10 BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển.

4. Tổ hợp tên lửa S-300 SAM


Nếu nước nào sử dụng không quân chống lại Việt Nam thì trước tiên phải có khả năng chặn hoặc tránh được hệ thống phòng không của Việt Nam.

Đây là một nhiệm vụ không mấy dễ dàng đối với mọi lực lượng không quân. Về lĩnh vực này, Mỹ bỏ xa Trung Quốc bởi có nhiều kinh nghiệm thu được trong các chiến trường như ở chiến trường Việt Nam, Kosovo và Iraq, và cả những vụ tập trận tại sa mạc Nevada.

Tổ hợp tên lửa S-300 SAM có thể theo dõi đồng thời hàng chục mục tiêu ở khoảng cách lên đến 75 dặm (120 km). Ngoài ra, nó còn được bảo vệ chu đáo để tránh bị tấn công. Khi tên lửa S-300 SAM được sử dụng kết hợp với các máy bay tiêm kích, nó buộc đối phương phải trả giá đắt, kể cả người lẫn thiết bị.

Tổ hợp tên lửa S-300 SAM là hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm xa của Nga do Tổng công ty khoa học công nghiệp Almaz sản xuất dựa trên phiên bản S-300P nguyên thủy.

S-300 được Liên Xô triển khai lần đầu vào năm 1979 nhằm phòng thủ không trung cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận chống lại máy bay tấn công của đối phương.

S-300 cũng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay tàng hình và được coi là một trong những hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất hiện nay. Nó có nhiều thông số vượt trội hơn so với hệ thống đối thủ của Mỹ như MIM-104 Patriot.

Các phiên bản S-300PMU1/2 về sau, do ra-đa được tăng cường, nên có thể theo dõi đến 300 mục tiêu và bám sát chặt khoảng 72 trong số này. Một phiên bản mới của hệ thống S-300 là S-400 đã được đưa vào sử dụng từ năm 2004.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast