Lời hứa

- Sao này con phải trở thành công dân có ích, mang hạnh phúc đến cho người khác nhé!

Bà Thanh ôm thằng Tân vào lòng âu yếm. Nó cười khanh khách:

- Đương nhiên rồi, sau này con sẽ giống như mấy siêu nhân, tiêu diệt yêu quái làm hại mọi người mà… Con hứa đấy! - nó khi ấy còn quá bé để hiểu câu nói của mẹ một cách sâu sắc hơn. Đối với đứa trẻ chưa tròn năm tuổi, Tân chỉ mong sao cho mình giống như những anh hùng trong phim, bởi nó ghét cái xấu xa và luôn mong ước những gì tốt đẹp nhất.

Lời hứa ảnh 1

Tân lớn lên trong một gia đình nông dân không giàu sang nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc. Dù phải làm việc vất vả quanh năm nhưng ba mẹ nó không than phiền lời nào, bởi họ vô cùng hãnh diện về đứa con trai “độc nhất vô nhị” của mình. Giờ đây Tân đã là một thanh niên, gương mặt khá điển trai, nhờ siêng năng tìm tòi, học hỏi nên luôn có thành tích học tập vào loại xuất sắc trong trường. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Tân trôi qua khá nhẹ nhàng với kết quả đúng như ý nó mong muốn.

- Sắp thi đại học rồi đấy, lo mà ráng học đi con, ba mẹ làm có mệt đến đâu cũng kệ, miễn sao con thành tài là ba mẹ vui rồi - bà Thanh vừa nói vừa loay hoay lấy cuốc ra ngoài đồng. Dáng bà gầy gò, da có nhiều vết nhăn hằn sâu bởi sự khó nhọc. Nhìn dáng mẹ khuất dần mà mắt Tân ngân ngấn lệ. Bỗng bà quay lại cười và nói rõ to:

- Lớn rồi, nhớ thực hiện lời hứa khi xưa nhé!

Tân giật mình tự hỏi: “Lời hứa gì nhỉ?”. Nó cố lục tung mớ hỗn độn trong đầu - nơi chứa đựng bao nhiêu là kiến thức mà nó bắt bản thân phải thuộc, nhưng rồi… nó vẫn không nhớ nổi mình đã hứa điều gì?

Hai ngày trước khi thi, Tân khá thong thả, bởi nó đã ôn bài xong hết cả rồi, điều bây giờ cần làm là bình tĩnh chuẩn bị với kỳ thi quyết định sắp tới. Đó là con đường gần nhất đưa Tân đến thành công, nó cũng mong rằng ba mẹ sẽ có cuộc sống sung túc hơn. Nó yêu ba mẹ lắm.

Ngày thi…

Tân đứng trước cửa phòng thi, mọi niềm tin và hi vọng của gia đình đều đặt vào nó, vào kỳ thi này. Trước giờ thi mười lăm phút, Tân vẫn còn cặm cụi với sấp đề cương trong tay. Chợt nó khá bất ngờ khi phát hiện điện thoại rung và còn bất ngờ hơn khi biết người gọi chính là ông Tuấn (ba nó). Nó hơi lo lắng bởi ông biết nó đang chuẩn bị thi, lẽ nào lại gọi trong lúc này. “Chẳng lẽ có chuyện gì rồi sao?”. Một suy nghĩ không may thoáng qua trong đầu Tân, nó vội bắt máy.

- Alo, có chuyện gì vậy ạ?

Nó mong sao mọi thứ không tồi tệ như nó nghĩ. Đầu dây bên kia, ông Tuấn lúng túng, dường như có gì nghẹn ở cổ:

- Mẹ… mẹ con…

- Mẹ con làm sao? - nó hốt hoảng.

- Trong lúc đi đồng về, vô tình làm rơi mớ trái cây xuống đường, mẹ con cúi xuống nhặt thì bị xe đâm phải, đang cấp cứu con à…

Đất trời xung quanh nó như sụp đổ, mọi cảm xúc trong nó tan biến cả, mà có còn chăng nữa cũng chỉ là sự hụt hẫng, đau thương. Nó đứng thất thần, chiếc điện thoại nắm hờ trên tay rơi xuống đất lúc nào không hay. Thế là nó bỏ thi đại học, vội đón xe trở về nhà. Dẫu biết cư xử như vậy thì công sức học tập của nó bao lâu nay sẽ đổ sông đổ biển nhưng… nó không thể làm khác được.

Trên chuyến xe về nhà…

Thình thịch… thình thịch… lồng ngực Tân như sắp vỡ ra bởi nhịp đập liên hồi của tim mình, nó sợ hãi vô cùng, một nỗi sợ mà trước giờ nó chưa từng cảm thấy. Nhìn bầu trời cao, rộng lớn, nó tự hỏi: “Tại sao mãi đến khi phải đối diện với giây phút sinh ly, tử biệt thì ta mới cảm nhận được sự quan trọng của tình thân? Tại sao không nói với ba mẹ rằng mình yêu họ khi còn có thể? Để giờ đây… Mẹ ơi, hãy đợi con… con yêu mẹ nhiều lắm!”. Khóe mắt cay cay, nó cố kìm nén vào trong nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên má.

- Này sau này lớn lên con sẽ làm gì?

- Con sẽ làm siêu nhân.

- Siêu nhân à, con muốn làm siêu nhân để làm gì?

- Dạ, để đánh yêu quái, kẻ xấu nát thây luôn.

Trên xe, nghe cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con ngồi trước mặt làm Tân không khỏi nghẹn ngào. Nó bất giác nhớ lại lời mẹ nó năm xưa: “Sau này con phải trở thành công dân có ích, mang hạnh phúc đến cho người khác nhé!”.

- Nhưng mẹ ơi… công ơn của mẹ đến giờ con vẫn chưa đền đáp được, còn hạnh phúc ư? Mẹ có bao giờ được hạnh phúc không? Phải chăng lời hứa ấy đã quá vội vàng khi mẹ, người luôn quan tâm, ủng hộ, con còn không thực hiện được thì nói đến chi người khác… Con vô dụng, bất hiếu nhiều lắm, mẹ nhỉ? - nó thầm nghĩ.

Xe dừng lại, không kịp về nhà, Tân chạy liền một mạch đến bệnh viện - nơi bà Thanh được cấp cứu.

- Mẹ sao rồi ba?

Tân hỏi ông Tuấn với ánh mắt đầy hi vọng về một tin tốt hơn. Ba nó buồn bã, nó biết ông cũng muốn khóc nhưng cố nén lại, sợ mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn. Ông đưa mắt nhìn Tân rồi nhìn vào phòng phẫu thuật:

- Mẹ con thương con dữ lắm, hồi sáng con thi, bà ấy còn vui vẻ nói mua trái cây chờ con về ăn, ai ngờ…

Hai cha con đứng như chết lặng trong bệnh viện mặc cho người qua kẻ lại, không gian nặng nề bao trùm xung quanh. Chao ôi, đau đớn vô cùng!

Thế rồi cánh cửa phòng phẫu thuật mở ra…

- Bác sĩ, vợ tôi sao rồi?

- Xin lỗi, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng bà ấy mất quá nhiều máu, gia đình đừng quá đau buồn…

Ông Tuấn không nói gì, lẳng lặng vào phòng nhìn mặt vợ lần cuối. Tân như muốn chối bỏ sự thật… mẹ nó đã ra đi. Tân đứng bên giường, nơi chiếc chăn đã trùm kín khuôn mặt bà Thanh, trùm kín cả một biển trời yêu thương mà người dành cho nó. “Mẹ!”, tiếng kêu của nó như xé tan tất cả, vỡ òa trong nước mắt, thương đau.

Thời gian sau đó…

Trong tình hình đất nước đang rối ren, tranh chấp chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa làm Tân đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Nó hỏi ông Tuấn:

- Ba à, nếu một ngày nào đó, con đi xa thì ba có buồn không?

- Buồn chứ, mẹ con đi rồi, giờ ba còn mỗi mình con thôi.

- Nhưng mà… - Tân ấp úng.

- Nhưng cái gì, con nói rõ đi - ông Tuấn hỏi với ánh mắt tò mò.

- Dạo này ba cũng nghe trên đài nói rồi đấy! Ngoài biển Đông đang căng thẳng quá, mà nếu đất nước lâm nguy, con là công dân Việt Nam thì phải có trách nhiệm… Con… con…

Tân chưa kịp nói dứt lời, ông Tuấn đã cú vào đầu nó một cái rõ đau:

- Ý con nói là muốn ra ngoài đó làm hải quân phải không? Tưởng gì, làm ba hết cả hồn.

- Hết hồn, ý của ba là… - Tân ngạc nhiên.

- Con lớn rồi suy nghĩ được vậy là tốt, có nước thì mới có nhà, giờ biển đảo ta bị lăm le, đe dọa, là người Việt Nam thì phải làm việc gì cho nên hồn chứ! - ông vừa nói vừa vỗ vai Tân. Rồi… ông đưa mắt nhìn nơi nào đó xa xăm lắm, nhưng Tân nhìn được trong đôi mắt ấy không phải là nỗi buồn mà là sự hãnh diện, tự hào đến vô bờ bến.

Nhập ngũ, vào bộ đội hải quân, nó tình nguyện ra Trường Sa…

Sinh hoạt trong Lữ đoàn X khá khắt khe, Tân phải tập làm quen với cách sống khác hẳn bên ngoài. Nhưng nó thích điều đó. Chính bởi sự nghiêm khắc ấy giúp nó không còn thời gian để suy nghĩ lung tung và… dịu đi phần nào nỗi đau, mất mát của mình. Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy buồn tẻ, còn đối với Tân, nó thấy rất vui khi được sống trong quân đội vì thời gian đó Tân học tập được nhiều điều, về những quy tắc, chuẩn mực và về đạo lý làm người, đặc biệt tình yêu quê hương, đất nước càng khắc sâu vào lòng nó hơn.

Ngày Tân lên đường ra biển… Ông Tuấn tiễn nó đi nhưng chẳng nói gì khác ngoài câu:

- Con ráng hoàn thành nghĩa vụ của mình nhé!

Nó xúc động ôm chầm lấy ba mình:

- Ba ở nhà mạnh khỏe.

Chuyến tàu bắt đầu khởi hành, chở theo những trái tim hòa cùng nhịp đập vì tình yêu quê hương Việt Nam, tình yêu Hoàng Sa - Trường Sa…

Nhìn những lớp sóng trùng trùng điệp điệp, nó ngẩng cao đầu hát: “Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương. Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh ghềnh trúc san hô. Trường Sa ơi, biển đảo quê hương, đôi mắt biên cương, vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão dập, đảo quê hương. Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi, thương nhớ sao nguôi người chiến sĩ Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâuTrường Sa ơi!”. Bất chợt hình ảnh của mẹ hiện lên trong đầu Tân: “Con sắp thực hiện được lời hứa rồi đấy! Mẹ thấy không?”. Nó mỉm cười…

Theo Tuần báo Văn nghệ TP.HCM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast