Thiếu quyết liệt và chế tài xử lý, chợ tự phát hoạt động ngang nhiên!

(Baohatinh.vn) - Ảnh hưởng đến giao thông, mất vệ sinh ATTP, cảnh quan nhếch nhác, gây bất bình đẳng trong kinh doanh, tác động xấu đến chủ trương xã hội hóa đầu tư chợ… là những hệ lụy mà chợ cóc, chợ tự phát trên địa bàn Hà Tĩnh gây ra.

Hàng chục chợ tự phát hoạt động ngang nhiên

Chợ Mới ở xã Sơn Long (Hương Sơn) được đầu tư xây dựng bằng hình thức xã hội hóa với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, đáp ứng tiêu chuẩn chợ hạng 2 cũng đang phải đau đầu “cạnh tranh” với 2 chợ tự phát cách đó chưa đến 1km.

Thiếu quyết liệt và chế tài xử lý, chợ tự phát hoạt động ngang nhiên!

Chợ tự phát nhóm họp gần UBND xã Sơn Trà (Hương Sơn)

Cụ thể tại 2 đầu chợ Mới là 2 chợ tự phát, một chợ họp trên QL 8A xã (Đức Hòa, Đức Thọ) và một chợ họp trên trục đường liên xã Sơn Hà – Sơn Trà (Hương Sơn). Điều đáng nói, chợ tự phát Sơn Trà chỉ cách trụ sở UBND xã này khoảng 400m. Vào giờ cao điểm (từ 6h-9h), các chợ tự phát này có hàng trăm lượt người, phương tiện đến mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản, thực phẩm.

“Hưởng ứng lời kêu gọi của địa phương, chúng tôi đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng chợ đảm bảo tiêu chuẩn. Trong khi đó, các chợ tự phát ô nhiễm, nhếch nhác, mất ATGT vẫn hoạt động, chính quyền không có động thái dẹp bỏ quyết liệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của chúng tôi, đặc biệt là tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng”, bà Lê Thị Mỹ - Giám đốc HTX Dịch vụ môi trường và chợ Mới Sơn Long bức xúc.

Thiếu quyết liệt và chế tài xử lý, chợ tự phát hoạt động ngang nhiên!

Cảnh mua bán tấp nập ngay bên QL8A, đoạn gần cầu Linh Cảm (xã Đức Hòa, Đức Thọ)

Năm 2015, chợ huyện Kỳ Anh được chuyển đến địa điểm mới, cách địa điểm cũ gần 2km. Mặc dù chợ cũ được dẹp bỏ, chợ mới được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn chợ hạng 1 nhưng chỉ sau thời gian rất ngắn, chợ cũ lại “tái họp”. Người tham gia giao thông khi lưu thông trên QL 1A qua khu vực chợ cũ TX Kỳ Anh thường xuyên bị ách tắc bởi việc họp chợ diễn ra ngay trên mặt đường nhiều người mua bán lộn xộn, người dừng đỗ xe tùy tiện.

Hàng ngày, buổi sáng vào khoảng 9h – 12h, buổi chiều từ 16 – 19h, khu vực này có hàng trăm người dân khắp nơi đổ về họp trên vỉa hè, dưới lòng đường. Trên trục đường chính dẫn vào các khu phố, nhà ở của dân cư được “tận dụng” tối đa diện tích để buôn bán, kinh doanh rau, củ, quả, hàng tạp hóa. Ngay phía sau, người dân tùy tiện tận dụng diện tích để bày bán bán tôm, cá, thực phẩm…

Theo tổng hợp của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh có đến gần 60 chợ tự phát hoạt động, trong đó huyện Cẩm Xuyên hiện có đến 10 chợ, TP Hà Tĩnh có 9 chợ, huyện Kỳ Anh có 8 chợ...

Chính quyền thiếu quyết liệt, chế tài chưa rõ

Việc dẹp bỏ chợ tự phát là nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương nhưng sự phối hợp này đang có vấn đề nên, nhiều năm trôi qua, các chợ tự phát vẫn hoạt động… như chưa hề có lực lượng chức năng can thiệp.

Thiếu quyết liệt và chế tài xử lý, chợ tự phát hoạt động ngang nhiên!

Người mua, kẻ bán tập nập tại chợ tự phát ngay gần cầu Linh Cảm gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

“Trước đây, cấm họp trên đường thì chúng tôi vào phía trong chợ. Sau một vài người ra đường bán, không thấy ai dến dẹp cả nên nhiều người lại ra theo, bởi bán ngoài này đông khách hơn”, một người bán hàng tại chợ cũ huyện Kỳ Anh cho hay. “Phường đã tổ chức đẩy đuổi và xử lý người vi phạm nhưng đuổi được chỗ này họ lại họp chỗ khác. Người họp chợ chủ yếu là dân vùng khác đến nên chúng tôi không xử lý dứt điểm được” - Ông Nguyễn Anh Văn - Chủ tịch phường Sông Trí, TX Kỳ Anh thừa nhận.

Thiếu quyết liệt và chế tài xử lý, chợ tự phát hoạt động ngang nhiên!

Từ 17h đến tầm 19h, chợ tự phát gần trụ sở Công an huyện tại thị trấn Nghèn (Can Lộc) lại hoạt động

Cuối tháng 3/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng chỉ đạo tại một hội nghị: “Xây dựng phương án, huy động lực lượng và xử lý, dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm, cơ sở kinh doanh trái phép, không đúng quy định”. Tuy nhiên, nắm bắt từ Sở Công thương thì việc này có vẻ chưa khả thi và phương án là chưa rõ ràng.

Ông Võ Tá Nghĩa - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương cho hay, hiện chưa có chế tài xử lý đối với các hộ buôn bán trong nhà, trong phần đất của mình?! Tuy nhiên, nếu căn cứ các điều kiện kinh doanh (đảm bảo về môi trường, phòng chống cháy nổ, ATVSTP, an toàn giao thông…), các cơ quan chức năng liên quan hoàn toàn có thể xử lý bằng các hình thức.

Gọi tình trạng chợ tự phát là “gay go” song ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương lại trao đổi: “Văn bản chúng tôi chỉ đạo liên tục nhưng các huyện lơ là, họ chỉ đạo rất ít, thiếu quyết liệt, thậm chí có nơi chợ tự phát nằm gần UBND xã như tại Kỳ Tân, Kỳ Anh”. “Chúng tôi đang tiến hành rà soát các chợ và yêu cầu các địa phương xóa bỏ chợ tạm, chợ tự phát bằng nhiều cách như cấm họp, không cho đậu đỗ xe trái quy định tại điểm tụ họp, siết chặt quản lý thị trường” – ông Dũng cho hay.

Giải quyết chợ tạm, chợ tự phát đòi hỏi các sở, ngành, địa phương cùng chung tay vào cuộc. Nếu các sở, ngành liên quan vẫn cứ “đổ” khó khăn về phía khác, thậm chí cho rằng thói quen sinh hoạt của người dân là khó thay đổi thì sẽ còn rất lâu nữa tình trạng trên mới được xử lý.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast