Gagarin đã trả lời câu hỏi khó nhất cho nhân loại

Cách đây 50 năm, Liên Xô (cũ) đã đạt được một bước tiến khổng lồ, đồng thời viết nên một chương mới cho nhân loại, khi đưa nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin vào không gian.

Những năm 1960, Tổng công trình sư hàng không vũ trụ Sergei Korolyov nóng lòng muốn đưa Liên Xô vượt Mỹ trong cuộc đua vào không gian, sau khi đã phóng thành công Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của con người, lên quỹ đạo trái đất vào tháng 10/1957. Mục tiêu tiếp theo của Korolyov là đưa con người vào không gian.

Kế hoạch chiếm ngôi đầu

Tuy nhiên, sau hàng loạt các chuyến bay thử nghiệm thất bại trong suốt năm 1960 và vụ nổ bệ phóng làm 126 người thiệt mạng, an toàn đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà tiên phong về công nghiệp vũ trụ ở Liên Xô. Vì lý do an toàn và bởi khi đó khoa học chưa biết gì về sự tác động của tình trạng không trọng lượng lên con người nên Korolyov dự tính rằng Gagarin chỉ được bay duy nhất một vòng quanh quỹ đạo trái đất. Anh cũng sẽ phải nhảy dù ra khỏi module chứa để trở lại mặt đất, vì khi đó một hệ thống hạ cánh “mềm” chưa ra đời.

Người hùng vũ trụ của Liên Xô và nhân loại, Yuri Gagarin
Người hùng vũ trụ của Liên Xô và nhân loại, Yuri Gagarin

Dù vậy, rủi ro trong nhiệm vụ của Gagarin vẫn rất cao. Trong hồi ký của mình, công trình sư Boris Chertok, người từng là viên phó của Korolyov nói rằng “để phán xét theo tiêu chuẩn hiện đại về độ tin cậy của tên lửa đẩy khi đó, chúng tôi hoàn toàn không có lý do gì để lạc quan vào tháng 4/1961”.

Tuy nhiên James Oberg, một nhân vật kỳ cựu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và đã có nhiều thời gian nghiên cứu chương trình không gian của Liên Xô, cho rằng Korolyov và các cộng sự đã làm tất cả những gì có thể để chuyến bay của Gagarin trở nên an toàn nhất.

“Tôi không thấy bất kỳ lối tắt nào mang tính nguy hiểm của họ trong việc sản xuất module Vostok” - ông nói với hãng tin AP, không quên thông báo thêm rằng 2 cuộc thử nghiệm cuối trước chuyến bay của Gagarin đã diễn hết sức thành công.

Chuyến bay nguy hiểm

Vào thời điểm năm 1961, những người trong cuộc đều biết độ rủi ro cao của việc bay lên trụ. Nhưng bất chấp điều đó, rất đông người vẫn muốn được ngồi vào trong khoang lái của module Vostok. Sự cạnh tranh diễn ra rất mạnh và cuối cùng chỉ có 20 phi công trẻ, tiềm năng được đưa vào danh sách cuối. Trong số đó, Gagarin được chấm điểm cao. Đồng nghiệp cũ, nhà phi hành Vladimir Shatalov kể rằng Gagarin được chọn cũng dễ hiểu vì anh có thể khiến tất cả những ai tiếp xúc với mình đều cảm thấy thoải mái vì có tính tình dễ thương.

Chỉ 3 ngày trước khi quả tên lửa rời khỏi bệ phóng đặt ở nơi hiện là sân bay vũ trụ quốc tế Baikonur ở Kazakhstan, Gagarin mới được thông báo anh đã được chọn. Trong một lá thư gửi cho vợ, Valentina, Gagarin đã đề nghị cô nuôi dạy các con gái của hai người “không như những cô công chúa được nuông chiều mà phải là những người chân chính”.

Anh cũng đề nghị vợ phải tái giá, nếu anh không thể trở về sau lần bay lên vũ trụ. “Lá thư của anh trông có vẻ giống như một bản di chúc. Nhưng anh không nghĩ như thế và anh hy vọng em sẽ không bao giờ được nhìn thấy lá thư này bởi anh sẽ rất xấu hổ khi nhớ về khoảnh khắc yếu đuối của mình” - Gagarin viết trong thư.

“Gagarin hoàn toàn hiểu rõ những nỗi lo sợ của mọi người liên quan tới tình trạng không trọng lượng và cũng biết về các cuộc phóng lên vũ trụ thất bại trước đó. Nhưng anh ấy không bao giờ tỏ ra sợ hãi hoặc nghi ngờ các cộng sự” – Oleg Ivanovsky, người giám sát việc xây dựng và phóng tàu vũ trụ Vostok nhớ lại.

Bí ẩn tình trạng không trọng lượng

Ngay sát ngày bay, Gagarin và nhà phi hành gia thay thế của anh là German Titov đã lên giường ngủ sớm. Khi được đánh thức lúc 5h30 phút sáng, tinh thần của Gagarin khá thoải mái. Anh còn trêu đùa mọi người và mạch anh đập bình thường ở mức 64 nhịp một phút. Nó vẫn giữ nhịp độ này ngay cả khi Gagarin đã ngồi vào trong module Vostok. Trước khi lên tàu, Gagarin trông Korolyov có vẻ xanh xao, phờ phạc sau một đêm mất ngủ. Thấy vậy, chàng trai trẻ bèn tiến tới động viên. “Đừng lo chứ Sergei Pavlovich, mọi chuyện sẽ ổn thôi” - Gagarin nói. “Cậu ấy đã là người động viên tôi” - Korolyov sau này nhớ lại. Ông đã coi Gagarin như con trai mình và Gagarin thì bỏ một tấm ảnh của Korolyov vào trong ví của anh.

Module Vostok đã từng được Gagarin sử dụng trong chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên
Module Vostok đã từng được Gagarin sử dụng trong chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên

Vostok được thiết kế để hoạt động hoàn toàn tự động, dù Gagarin vẫn có thể hủy bỏ chế độ tự động để lái tàu bằng tay. Nhưng để đề phòng Gagarin “hóa điên” trong tình trạng không trọng lượng, các kỹ sư đã đặt mã khóa an ninh với 3 con số bí mật và anh phải nhập mã mới có quyền điều khiển module.

Theo quy định, mã an ninh sẽ nằm trong một phong bì kín và Gagarin chỉ được mở ra khi cần thiết. Nhưng Ivanovsky đã trở nên quá căng thẳng với nhiệm vụ quan trọng này nên khi đưa Gagarin tới module, ông đã thì thầm vào tai phi hành gia trẻ tuổi các con số 1-2-5. Gagarin mỉm cười và nói rằng anh đã biết về mật mã. Huấn luyện viên của anh, vốn cũng lo lắng cho sự an nguy của cậu học trò, cũng đã rỉ tai cho anh biết về mật mã.

Chúng ta đi nào!

Ivanovsky giúp Gagarin lên thang vào khoang lái, vỗ nhẹ vào mũ phi hành của anh rồi chúc may mắn trước khi đóng cửa lối vào module Vostok. Nhưng đó cũng là khi sự cố đầu tiên xuất hiện. Từ phòng điểu khiển, Korolyov nói với ông rằng đèn báo module Vostok đã đóng kín chưa bật sáng. Ivanovsky và 2 trợ lý phải tức tốc tháo bỏ toàn bộ 32 con ốc khoá module rồi lắp lại. Bên trong module, Gagarin vẫn huýt sáo nhè nhẹ. Sau này khi trở lại mặt đất, anh đã đùa với Ivanovsky: “Anh phải nhìn mặt mình khi đang làm việc ở phần cửa module, mặt anh lúc đó trông như kim loại xỉn màu”.

Đúng 9h7 phút ngày 12/4/ 1961, quả tên lửa mang theo module chứa Gagarin đã rời bệ phóng. Gagarin hét lên “Poyekhali!” (tạm dịch: Chúng ta đi nào!), khi con tàu rùng rung bay lên. Cùng lúc đó ở dưới mặt đất, Korolyov và các kỹ sư của ông tiếp tục nếm mùi sự cố. Một tín hiệu báo về mặt đất cho thấy hệ thống tên lửa đẩy hỗ trợ có vấn đề. Hóa ra đây chỉ là lỗi do mất tín hiệu liên lạc với con tàu. Việc Gagarin liên tục giữ liên lạc và báo rằng mình vẫn ổn đã làm giảm căng thẳng dưới mặt đất. Chỉ sau đó, người ta mới biết rằng lỗi liên quan tới hệ thống ăngten đã khiến Vostok đi vào một quỹ đạo cao hơn và nguy hiểm hơn so với dự kiến ban đầu.

Sau 108 phút ở trên quỹ đạo, Gagarin đã trở lại mặt đất. Các nhà khoa học lại thêm một phen nín thở vì mất liên lạc với Vostok, khi nó bốc cháy lúc quay trở lại mặt đất. Gagarin đã nhảy dù ra khỏi module theo đúng kế hoạch và đáp xuống một cánh đồng gần sông Volga, cách Moskva 720km.

Nước Mỹ bàng hoàng

Ở đây, anh bị một cặp vợ chồng cán bộ kiểm lâm nhìn thấy. Họ đã hoảng sợ bỏ chạy khi thấy một kẻ lạ mặt mặc đồ màu cam sáng, đội mũ trùm đầu đang đi về phía mình. Cần nhớ rằng một năm trước, viên phi công Mỹ Francis Gary Powers đã bị bắn hạ khi lái máy bay do thám U-2 bay vào không phận Liên Xô nên có thể hiểu được sự sợ hãi của cặp vợ chồng.

“Này, sao mọi người lại chạy thế. Tôi là người mình mà” - Gagarin vội hét toáng lên. Cặp vợ chồng khi đó mới đứng lại và rồi họ nhận ra anh đúng là phi hành gia mà họ vừa nghe nói tới trên sóng phát thanh. Tới lượt mình, Gagarin cũng không khỏi ngạc nhiên vì biết lúc ở trên vũ trụ anh đã được tăng liền một lúc 2 cấp lên thiếu tá.

Korolyov và những người khác đã vội vã tới nơi Gagarin hạ cánh để gặp anh. Ngày 14/4, Gagarin bay trở lại Moskva, nơi anh được nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev chào đón và được đưa về trung tâm thành phố giữa 2 hàng người tung hô. “Mọi người đổ ra phố. Ai cũng phấn khích, giống hệt ngày chiến thắng vậy” - con gái Korolyov là bà Natalya kể.

Người Mỹ hoàn toàn sốc trước thành tích của Liên Xô. Ngày tiếp theo, Quốc hội Mỹ bắt đầu chỉ trích NASA. Giới chức NASA chỉ còn biết giải thích là Liên Xô đã bắt đầu trước Mỹ khoảng 4 năm trong cuộc đua lên không gian. NASA gấp rút sửa sai bằng việc đưa Alan Shepard lên vũ trụ vào ngày 5/5/1961, 23 ngày sau chuyến bay của Gagarin. Nhưng chuyến bay của Shepard chỉ chạm tới quỹ đạo thấp và kéo dài có 15 phút. Phải tới ngày 20/2/1962, khi đưa John Glenn lên vũ trụ, người Mỹ mới có thể lặp lại thành tích bay vòng quanh trái đất của Gagarin.

Mở khóa vào không gian

Thật đáng tiếc, người hùng điển trai dễ mến của ngành hàng không vũ trụ Liên Xô lại bạc mệnh. Ngày 27/3/1968, Gagarin gặp nạn khi đang thử nghiệm máy bay MiG-15, lúc mới 34 tuổi.

Những kẻ theo thuyết âm mưu nói rằng anh bị cơ quan tình báo KGB của Liên Xô ám hại. Nhưng Shatalov khẳng định sóng âm từ một chiếc máy bay khác đã tác động vào và khiến chiếc MiG- 15 của Gagarin đâm xuống đất. “Lẽ ra cậu ấy không nên bay tiếp sau khi đã trở thành người hùng không gian” - Shatalov bồi hồi nhớ lại - “Nhưng cậu ấy rất thích bay lượn và đã nỗ lực chiến đấu để được làm điều mình mong muốn”.

Sau khi Gagarin qua đời, lá thư anh viết trong chuyến bay đầu lên vũ trụ mới được gửi cho vợ. Valentina Gagarina đã không bao giờ tái giá. Bà xuất bản một cuốn hồi ký và sau đó tránh xa ánh mắt tò mò của công chúng và sống lặng lẽ ở thành phố Ngôi Sao.

Chuyến bay của Gagarin trên module Vostok diễn ra hoàn toàn tự động. Tuy nhiên, với lòng dũng cảm dám đối mặt với một sứ mạng chưa có tiền lệ, khám phá một ranh giới chưa từng được ai đặt chân tới, Gagarin đã dạy các đồng loại của anh một bài học quan trọng: rằng họ có cả một tương lai rộng mở trong không gian.

“Trước khi chuyến bay này diễn ra, có những nghi ngờ rằng nhân loại không được sinh ra để tồn tại trong không gian” - Oberg nói - “Nhưng một khi Gagarin đã đưa ra đáp án, tôi nghĩ rằng mọi khám phá khác liên quan tới vũ trụ chỉ là đi sâu vào chi tiết. Gagarin đã trả lời câu hỏi khó nhất, tuyệt vời nhất, thông qua thành tích có một không hai của mình”.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast