Nơi phục thiện người lầm lỗi

(Baohatinh.vn) - Với những phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Thạch Lưu, Thạch Hà), ngay từ khi bước chân vào đây, họ đã được tập thể cán bộ quản giáo giúp đỡ, giáo dục, cải tạo, thức tỉnh lương tâm, hướng thiện để làm lại cuộc đời.

Nơi phục thiện người lầm lỗi ảnh 1
Đại tá Lê Văn Sao - Giám đốc Công an tỉnh trao quyết định đặc xá dịp 2/9/2015 cho các phạm nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

Dày công rèn phạm

Chỉ cách TP Hà Tĩnh khoảng 7 km, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi và anh bạn đồng nghiệp đặt chân tới Trại giam Xuân Hà. Đại tá Đoàn Văn Bình - Phó Giám thị trại giam tuổi mới ngoài ngũ tuần nhưng tóc đã bạc, gương mặt rắn rỏi, đôi mắt chứa đựng nhiều suy tư. Anh cho biết: “Tiền thân của trại là cơ sở giáo dục những đối tượng phạm pháp thành lập từ tháng 9/1996, đến năm 2009, được xây dựng thành Trại giam Xuân Hà. Dĩ nhiên, khi đã thành trại giam thì những người thực thi nhiệm vụ vất vả hơn nhiều, bởi đối tượng đều là những người gây án. Giáo dục “con ngựa bất kham” trở thành “con ngựa thuần”, kiên trì chưa đủ mà phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, nền nếp”.

Tôi hỏi một cán bộ quản giáo: “Trong tù, lính buổi mai cai lính buổi chiều có đúng không?”. Anh cán bộ quản giáo cười rồi giải thích: “Trại giam Xuân Hà hiện quản lý tới 1.500 phạm nhân. Đàn gà đang ăn đông đúc bỗng nhiên có một con gà lạ rúc vào thì tất cả con gà đều giương cánh làm cho con gà kia phải biết lễ độ. Tù mới vào ở chung với tù cũ, bị tù cũ thị uy là điều không tránh khỏi. Chính vì thế, chúng tôi phải thường xuyên theo dõi và răn đe ngay từ đầu”.

Đối với những người công tác tại trại giam, một lúc phải làm tốt 3 chức năng: cảnh vệ, giáo dục, cải tạo lao động phạm nhân. Quản lý các phạm nhân là một công việc đặc biệt. Không ai có thể lường được mỗi phòng giam cửa sắt dày lại có đủ loại chìa khóa ngang, khóa dọc, hàng rào cao ngất, lởm chởm dây thép gai, nhưng chỉ cần sơ sểnh, phạm nhân cũng sẽ hóa thành “quỷ thần” lúc nào không hay.

Đại tá Lê Xuân Du - Giám thị trại cho biết: “Có đến đây thì mới thông cảm và chia sẻ với chúng tôi. Đừng trách chúng tôi lạnh lùng mà hãy nhìn vào công việc. Cán bộ ở đây vất vả lắm. Với “ngày không giờ, tuần không thứ”, ngày nào, các cán bộ cũng phải làm đủ các khâu từ quản lý phạm nhân, tổ chức sản xuất, giáo dục can phạm, giải quyết những tình huống phát sinh”.

“Việc giáo dục, cảm hóa phạm nhân đòi hỏi sự kiên trì, mềm dẻo, có lúc rất cứng rắn nhưng có lúc phải ôn hòa. Muốn phục thiện họ, phải giải thích cho họ hiểu được luật pháp. Khi đã hiểu, họ sẽ nhận ra được lỗi lầm của mình. Nhận thức là một quá trình, quá trình đó được thấm dần từ lời bảo ban của cán bộ, từ những buổi lên lớp của giảng viên, qua sách báo và kể cả những đêm liên hoan văn nghệ, đã kịp thời động viên, khuyến khích khen thưởng đối với phạm nhân cải tạo tốt” - Đại tá Lê Xuân Du chia sẻ thêm.

Nơi phục thiện người lầm lỗi ảnh 2
Phạm nhân lao động, cải tạo làm lại cuộc đời

Khi phạm nhân biết sám hối

Một quản giáo Trại giam Xuân Hà dẫn chúng tôi đi thăm các phạm nhân. Vừa đi, anh vừa cho biết: Đa số phạm nhân đều phục tùng kỷ luật trại giam, chịu khó cải tạo. Lao động không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn giúp họ quên dần nỗi buồn trong quá khứ, hiểu giá trị chân chính nhất của con người và hạnh phúc bắt đầu từ lao động…

Tôi tới dãy chuồng lợn có hơn 20 con béo núc đang được phạm nhân Kim (quê Nam Định) và Lý (quê Hà Tĩnh) cho ăn. Vừa làm việc, họ vừa kể: Kim bị phạt tù 7 năm vì tội tàng trữ chất ma túy, còn Lý bị án 3 năm vì tội trộm bò. Kim vào trại đã 3 năm, Lý mới 1 năm, cả 2 được tín nhiệm chăm sóc đàn lợn vì “mát tay”, lại siêng năng, chịu khó…

Trước một bãi đất rộng, sau khi đi lao động khai thác đá và bốc xếp gạch về, 2 tốp phạm nhân ngồi xếp hàng rất trật tự. Từng phạm nhân được các cán bộ quản giáo kiểm tra kỹ trước khi vào phòng nghỉ.

Tôi đến bên một phạm nhân cao tuổi, râu tóc đều đã bạc. Nhìn ông, thật khó hình dung vì sao với khuôn mặt phúc hậu, cách ăn nói lịch sự, nhẹ nhàng thế kia mà lại nằm trong đường dây “tội phạm ma túy” lớn. Phạm nhân Võ Tá Ngọc (TP Hà Tĩnh) tâm sự: “Tôi còn may mắn đấy, đường dây của tôi hồi đó có 7 người bị tử hình, riêng tôi nhận mức án chung thân. Vào trại năm 2005, ban đầu, tôi rất đau khổ và xấu hổ, nhưng về sau, được cán bộ trại giúp đỡ, tôi tích cực học tập, cải tạo, nên được giảm án còn 20 năm”.

Vài ba phạm nhân đứng cạnh nói chen vào: “Ông ấy tuy già, nhưng lúc nào cũng ngủ, nghỉ đúng giờ giấc, thích đọc sách báo, xem ti vi. Sáng nào cũng chịu khó tập thể dục, nên da dẻ hồng hào, tác phong nhanh nhẹn lắm”.

Võ Tá Ngọc cười: “Khi mình biết phục thiện thì tuổi đã nhiều. Tuy thế, tôi vẫn cố gắng để không phụ sự quan tâm của cán bộ quản giáo”…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast