Phòng, chống rét cho đàn vật nuôi: Đến vụ phải lo!

Theo ngành NN&PTNT Hà Tĩnh, liên tục trong những năm gần đây, thời tiết, khí hậu cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng có nhiều biến đổi bất thường, trong đó các đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong vụ đông xuân 2010 - 2011 làm 989 con trâu, bò, hươu, dê bị chết (chủ yếu ở các huyện: Hương Khê và Kỳ Anh). Nguyên nhân chính là do thiếu thức ăn thô xanh.

Chủ động nguồn thức ăn thô dự trữ và không thả rông gia súc là những giải pháp quan trọng để phòng, chống đổ ngã cho đàn vật nuôi
Chủ động nguồn thức ăn thô dự trữ và không thả rông gia súc là những giải pháp quan trọng để phòng, chống đổ ngã cho đàn vật nuôi

Cuối vụ sản xuất hè thu 2011 và đầu vụ đông này, các cơn bão số 4, 5 và 6 gây mưa lớn kéo dài, ngập úng diện rộng nên hầu hết rơm, rạ… làm thức ăn cho trâu, bò bị hư hỏng không tận thu được, các loại cây trồng vụ đông không đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đề ra nên khả năng thiếu thức ăn thô xanh cho đàn trâu bò trong vụ đông xuân tới là rất cao.

Cơ quan khí tượng thuỷ văn đã dự báo, rét đậm, rét hại có thể tái diễn trong vụ đông xuân tới nên nguy cơ gia súc, gia cầm chết do đói rét, dịch bệnh là rất lớn.

Để chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời gian tới nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xẩy ra, đồng thời đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch sản xuất chăn nuôi năm 2011 và 2012, thời gian này, các ngành liên quan và các địa phương cần tập trung chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 2783/CT-BNN-TY ngày 27/9/2011 của Bộ NN&PTNT; Công văn số 1163/CN-GSL ngày 07/10/2011 của Cục Chăn nuôi về việc chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi; Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 10/10/2011 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cuối năm 2011.

Đồng thời với các nội dung trên, các địa phương cũng cần xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên cơ sở tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi đến tận người chăn nuôi; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại để thông tin kịp thời cho người chăn nuôi biết, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm; phân công cán bộ về tận xã phường, thị trấn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi khi có dự báo rét đậm, rét hại sẽ xẩy ra.

Cùng đó là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất vụ đông đảm bảo chỉ tiêu đề ra, đồng thời, có kế hoạch chủ động trồng các loại cây thức ăn thô xanh như cỏ, ngô gieo dày, khoai lang,…; tăng cường dự trữ, bảo quản, chế biến nguồn thức ăn cho trâu bò (ước tính bình quân mỗi trâu, bò một ngày đêm phải có 10 kg rơm, rạ, hoặc cỏ khô); hướng dẫn người chăn nuôi củng cố, che chắn chuồng trại, đảm bảo phòng chống rét và đủ điều kiện vệ sinh; không chăn thả hoặc bắt trâu bò cày kéo vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 120C, bổ sung thức ăn tinh, khoáng, vitamin, cho uống nước ấm để tăng cường sức khoẻ cho đàn vật nuôi.

Một giải pháp mang tính căn cơ lúc này là khẩn trương kiện toàn BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó kịp thời khi có dịch xẩy ra; rà soát kết quả tiêm phòng đợt 2 năm 2011 và tổ chức tiêm bổ sung các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng theo quy định.

Ngoài ra, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cũng cần kiểm soát chặt chẽ động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn, đặc biệt là gia súc, gia cầm nhập về làm giống (phải thực hiện khai báo kiểm dịch và nuôi cách ly theo hướng dẫn của cơ quan thú y); tăng cường giám sát bệnh nhằm phát hiện sớm, bao vây kịp thời, khống chế có hiệu quả, tuyệt đối không để dịch lan rộng; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, bãi chăn thả, cơ sở giết mổ, chế biến và chợ buôn bán gia súc, gia cầm, các lò ấp trứng gia cầm... nhằm làm sạch môi trường, giảm lượng mầm bệnh lưu hành ngoài môi trường, tiềm tàng gây dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast