Argentina: Không nhất thiết phải cân bằng!

Có một bí ẩn mà giới chuyên gia lý giải mãi không được: tài năng tấn công trong bóng đá Argentina dồi dào bao nhiêu thì tài năng phòng ngự của nền bóng đá nổi tiếng này lại khan hiếm bấy nhiêu. Câu chuyện rõ ràng đến nỗi, người ta từng định ra “công thức” về cách bài binh bố trận cho Argentina trước mỗi kỳ World Cup: “3-7”.

1. Mặc kệ sự tồn tại của các sơ đồ đấu pháp, các chiến thuật hoặc trường phái khác nhau trong bóng đá đỉnh cao. Suy cho cùng, mọi sơ đồ hoặc chiến thuật dù là đặc sắc đến đâu cũng phải đi liền với những con người cụ thể mới mong phát huy tác dụng. Argentina đã là cái nôi của những tiền đạo giỏi qua bao đời nay. Vậy thì, cứ phải chọn lối chơi thích hợp với một đội hình có thật nhiều tiền đạo. Và tất nhiên, cũng phải có nhiều tiền vệ giỏi làm bóng để tạo cơ hội cho số tiền đạo phía trên. Cuối cùng, coi như Argentina cứ phải chơi theo công thức “3-7”: cố gắng chỉ dùng 3 cầu thủ phòng ngự - con số thấp nhất có thể, còn lại là 7 cầu thủ chuyên tấn công.

2. Trên thực tế, công thức “3-7” cho ĐT Argentina có thể phát huy tác dụng hay không, cũng khó trả lời. Tại World Cup 2010, Argentina thất bại, nhưng nguyên nhân đương nhiên là việc LĐBĐ Argentina bất ngờ đặt đội tuyển này vào tay Diego Maradona (làm sao có thể hình dung khả năng huấn luyện của một con người như Maradona)! Tại World Cup 2006, lằn ranh giữa thất bại với thành công của Argentina rất mong manh. HLV Jose Pekerman rút “nhạc trưởng” Juan Riquelme ra khỏi sân khi trận Đức - Argentina còn chưa kết thúc. Ông không lường được tình huống Đức gỡ hòa muộn mằn và Argentina phải đấu tiếp với sự vắng mặt của cầu thủ quan trọng nhất trong đội hình. Tại World Cup 2002, Argentina rơi vào “bảng tử thần” và thua Anh 0-1 vì một tình huống phạt đền không rõ ràng. Một mặt, lý thuyết nên chọn sơ đồ cũng như lối chơi thích hợp với tình trạng thặng dư ngôi sao tấn công (nhưng lại thiếu hụt ngôi sao phòng ngự) ở đội Argentina chưa hề sụp đổ. Mặt khác, thành công của lý thuyết ấy vẫn chưa được kiểm chứng. Nên bàn lại vấn đề này tại World Cup 2014?

3. Giới chuyên môn cứ hay hướng tới một sự cân bằng giữa công và thủ - từ cách chơi cho đến con người. Tại sao không can đảm bỏ qua sự cân bằng và hướng tới một sở trường rõ ràng? Tại sao HLV Alejandro Sabella cứ phải hướng tới sự cân bằng mà báo chí và NHM Argentina muốn thấy trong khi thực tế rành rành là ông rất khó xây dựng một hàng thủ chắc chắn, tương xứng với hàng công đáng gờm trong tay ông?

Với hệ thống đấu pháp hợp lý, các hậu vệ như Ezequiel Garay, Pablo Zabaleta, Marcos Rojo, Martin Demichelis có thể giúp hàng thủ Argentina trở nên chắc chắn hơn. Nhưng trong bóng đá, bạn không thể cùng lúc hướng đến mọi sự tốt đẹp. Không có cách chơi nào vừa làm cho hàng thủ vững chắc hơn, lại vừa làm cho hàng công đáng gờm hơn. Một lối chơi đem lại sự cân bằng sẽ đi liền với hệ quả là sự dồi dào tài năng tấn công trong tay Sabella không được khai thác triệt để.

Cuối cùng, Argentina không nhất thiết cứ phải tấn công ào ạt để những ngôi sao như Lionel Messi, Gonzalo Higuain, Sergio Aguero, Angel Di Maria phát huy tài nghệ. Lối chơi phòng ngự - phản công và khả năng hoán chuyển thật nhanh từ thế thủ sang thế công vẫn có thể đưa Argentina lên bục vinh quang. Cốt lõi là Argentina tại World Cup này phải thắng bằng “nửa trên” hơn là “nửa dưới” trong đội hình.

Theo Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast