“Thành phố trường thọ” ở Trung Quốc

Ông Gu Bin, 104 tuổi, dựa vào bàn, cẩn thận viết từng nét chữ vào bức thư pháp, trước khi ký tên đóng dấu.

Dù đã lên chức cụ cố, nhưng ông Gu Bin vẫn trẻ hơn 5 tuổi so với người già nhất trong cộng đồng dân cư Như Cao, thành phố tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, được mệnh danh là ngôi nhà của những cụ cao niên với hơn 500 người trên 100 tuổi.

Thư pháp là một trong nhiều sở thích của Gu Bin, người tự học cách sử dụng Internet ở tuổi 90.

“Tôi làm thơ, đọc sách báo, xem tin tức hàng ngày”, cụ nói.

“Thành phố trường thọ” ở Trung Quốc

Ông Gu Bin viết thư pháp trong nhà riêng ở thành phố Như Cao, tỉnh Giang Tô, hôm 31/3. Ảnh: AFP

Gu Bin sinh năm 1918, trong những năm đầu đầy biến động của thời đại cộng hòa ở Trung Quốc. Chính sách một con kéo dài nhiều thập kỷ gây thách thức lớn về nhân khẩu học cho Trung Quốc, nơi đang đối mặt với tỷ lệ sinh đẻ thấp và dân số già hóa lớn nhất thế giới, trong khi áp lực của cuộc sống đô thị hóa đang phá tan truyền thống hiếu kính cha mẹ già.

Tới năm 2050, chính phủ dự đoán số người về hưu sẽ chiếm 1/3 dân số Trung Quốc, việc chăm sóc họ sẽ tốn 1/4 GDP hàng năm (tổng sản phẩm quốc nội).

Dữ liệu điều tra dân số công bố tuần này cho thấy số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc đã vượt 264 triệu, tăng 5% so với thập kỷ trước, biến Như Cao trở thành nơi khảo nghiệm cho tương lai đất nước.

Nơi đây được mệnh danh là “thành phố trường thọ” vì trong 1,4 triệu dân có tới 78.000 người từ 80 tới 99 tuổi, 525 người trên 100 tuổi. Đền chùa, công viên, luôn đầy ắp người cao tuổi đang thắp hương cầu nguyện, khiêu vũ hoặc tập thái cực quyền.

Các cụ ông cụ bà tụ tập trò chuyện trên những con đường rải sỏi ven sông, hay ngồi ở quảng trường công cộng hát hò tại thành phố kỷ niệm những người về hưu bằng bức tượng Thần trường thọ cao 50 mét.

“Ở đây chúng tôi rất kính trọng người lớn tuổi”, She Minggao, người gần 70 tuổi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tuổi thọ Như Cao, nói. “Chúng tôi tin rằng trong nhà có người già như có kho báu”.

Niềm tự hào đó phản ánh vào các cư dân. Ông Gu, cựu kế toán viên, từng đoạt huy chương một trăm mét đi bộ dành cho người cao tuổi của thành phố, cũng như từng nhận giấy chứng nhận phục vụ quân ngũ năm 1951.

Mặc quần dài, áo khoác, đội mũ, ông chủ yếu ở nhà sau cú ngã vài năm trước. Nhưng ông vẫn duy trì sự minh mẫn và sắc sảo, luôn kết nối với thế giới bên ngoài thông qua Internet.

“Biden quá già để làm tổng thống”, Gu châm biếm khi chỉ vào một mẩu tin về nhà lãnh đạo Mỹ 78 tuổi. “Ông ấy không nhiều tuổi bằng tôi, cũng không minh mẫn bằng”.

Như Cao cách Thượng Hải khoảng 200 km, bao quanh là những cánh đồng màu vàng và xanh, kênh rạch uốn lượn. Người dân địa phương tin rằng môi trường tự nhiên đóng góp một phần vào tuổi thọ.

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện khoa học Trung Quốc từng suy luận hàm lượng khoáng chất selen cao trong đất đai của thành phố có thể là yếu tố kéo dài tuổi thọ người dân. Nhưng sau hơn một thế kỷ trải qua lịch sử đầy biến động của Trung Quốc, những người khác lại có cách giải thích đơn giản hơn.

“Tôi vẫn làm việc đến tuổi này”, Yu Fuxi, người đã lên chức cụ cố, 103 tuổi, vừa chạy xe tay ga vòng quanh thị trấn vừa nói. "Ngày nào tôi cũng quét nhà, thích sắp đặt mọi thứ sạch sẽ, gọn gàng.

“Tôi lái xe máy đi chợ, mua thứ mình thích”, ông nói, ngồi trong căn phòng có giường chiếu gọn gàng, treo ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình trên tường.

“Thành phố trường thọ” ở Trung Quốc

Yu Fuxi, 103 tuổi, nấu cơm trong nhà riêng tại thành phố Như Cao, tỉnh Giang Tô, hôm 31/3. Ảnh: AFP

Yu thường xuyên nấu cơm cho các chắt, cả ngày loay hoay ở khu bếp. Ở phía bên kia thị trấn, cụ Qiang Zuhua, kém ông hai tuổi, cũng có động lực không kém khi giúp đỡ con trai trong xưởng sản xuất ốc vít. Ông nhanh nhẹn khớp đai lông và bu ốc kim loại thoăn thoắt bằng tay.

“Tôi 101 tuổi rồi, vẫn khỏe mạnh”, Qian nói. Ông ở chung nhà với con trai, cháu trai, chắt gái. “Tôi rất vui khi được ở cùng con cháu”.

Theo truyền thống, người cao tuổi Trung Quốc thường sống cùng nhà với con cháu, để con cháu tiện chăm sóc. Tuy nhiên, chính sách một con khiến dân số già hóa nhanh, lực lượng lao động thu hẹp, gây áp lực buộc các con phải chăm sóc cha mẹ hai bên.

Đô thị hóa, thời gian làm việc kéo dài, giá bất động sản cao, đã thay đổi suy nghĩ này của thanh niên thành thị, khiến việc hài hòa truyền thống với hiện đại trở thành thách thức.

Giới chức Như Cao đã đưa ra các dịch vụ như khám sức khỏe, cắt tóc, mát xa tại nhà miễn phí dành cho người cao tuổi. Cư dân cũng được nhận trợ cấp tăng dần theo đội tuổi và trợ cấp chi phí chăm sóc người cao tuổi. Nhưng ở các vùng khác, công tác chăm sóc người cao tuổi ít được mở rộng.

“Nhu cầu vào viện dưỡng lão nhà nước luôn rất cao, danh sách chờ đợi rất dài”, Kyle Freeman, đối tác của công ty tư vấn Dezan Shira, nói. Ngược lại, các cơ sở tư nhân đắt tiền đa số hoạt động dưới công suất.

Với nhiều gia đình mô hình một đứa con, hai bố mẹ, 4 ông bà, trẻ em Trung Quốc đang chịu áp lực lớn khi cố gắng chăm sóc người thân.

“Con trai tôi đi làm ở Bắc Kinh, vì vậy trong nhà tôi giờ chẳng còn ai”, Wang Yingmei, 85 tuổi, nói trong căn phòng tại viện dưỡng lão Như Cao mà bà ở cùng chồng. “Nơi đây ấm cúng hơn nhà chúng tôi, bởi ở nhà chẳng có ai ngoài hai vợ chồng tôi”.

Chi phí thuê phòng một tháng trong viện dưỡng lão là 4.000 tệ (600 USD), gần bằng mức thu nhập trung bình hàng tháng của một người dân thành thị, nhưng cao hơn gấp đôi thu nhập của lao động nông thôn.

Freeman cho hay dịch vụ chăm sóc người cao tuổi có thể vượt qua bất động sản, trở thành ngành công nhiệp lớn nhất Trung Quốc trong vòng 15 năm tới, khi giới chức y tế dự báo tổng ngân sách chăm sóc người cao tuổi tăng từ 7% GDP lên hơn 25% vào năm 2050.

“Thành phố trường thọ” ở Trung Quốc

Một cụ ông xem tivi trong viện dưỡng lão ở Như Cao hôm 31/3. Ảnh: AFP

Trung Quốc đặt mục tiêu 90% người cao tuổi được chăm sóc tại nhà, nhưng để đạt được điều này, chính quyền cần thay đổi tư duy.

“Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã đi ngược lại với đạo lý hiếu thảo, đặc biệt ở các vùng đô thị”, Sofya Bakhta, nhà phân tích thị trường Trung Quốc tại Daxue Consulting, nói.

Gu Bin rất hài lòng với căn hộ xung quanh đầy cây cối, nơi ông quen biết hàng xóm, sống cùng vợ chồng con trai, thỏa mãn thú vui mới.

“Trước đây Trung Quốc rất nghèo, chúng tôi không có gì cả. Bây giờ tôi có chỗ để ở, có đồ để ăn, có quần áo ấm để mặc”, Gu Bin nói. “Cuộc sống ấm no”.

Theo AFP/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast