Đấu thầu cây đứng - "Anh hùng" cũng khóc!

Những vinh quang quá khứ của Công ty lâm nghiệp dịch vụ Hương Sơn bỗng nhiên vụt tắt như ánh sao băng. Tiền thân là Lâm trường Hương Sơn - cây đại thụ lớn nhất ngành lâm nghiệp cả nước, trải qua hơn 5 thập kỷ đã hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng, giờ đang đi vào ngõ cụt... Hàng trăm công nhân khai thác và bảo vệ rừng thiếu việc làm chỉ vì xung quanh chuyện đấu thầu cây đứng. Nhiều người đã bỏ đơn vị ra đi khi cuộc sống đầy khốn khó.

Hào quang toả sáng 5 thập kỷ

Cứ nhắc tới Hương Sơn vùng đất thơ mộng “non xanh nước biếc” nhiều người vẫn tự hào ở đấy có hươu sao, cam bù và gỗ quý. Danh hiệu Anh hùng mà nhà nước hai lần tặng cho Công ty lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn cũng chính bắt đầu từ “những người mở kho báu vàng xanh”.

Rừng lim tái sinh ở phân trường Ngã Đôi
Rừng lim tái sinh ở phân trường Ngã Đôi

Ngày ấy vùng Rào Mắc, Khe Si, Nước Sốt thuộc khu phố núi Tây Sơn tấp nập bây giờ được mệnh danh là “vùng ma thiêng nước độc”. Tôi đã từng được nghe ông Nguyễn Đình Như, cựu Giám đốc Lâm trường Hương Sơn kể: “Vào thời điểm năm 1954, do yêu cầu của Chính phủ tập trung nguồn lực xây dựng tuyến đường sắt Lạng Sơn – Quảng Bình. Đây chính là nguồn gỗ khai thác thuận lợi nhất, lúc đó đội làm tà vẹt khoảng 200 người. Đến năm 1955, theo quyết định của Bộ Nông Lâm hồi đó, đội quân này được chuyển hoá thành quốc doanh mang tên đội Lâm khẩn Hương Sơn. Lực lượng lao động được tăng lên chủ yếu cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc hay bộ đội chuyển ngành. Năm 1960, Lâm trường quốc doanh Hương Sơn chính thức được thành lập”.

Hồi ấy, khi những chàng trai cô gái cả nước hăm hở với “Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi. Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng” để “đưa sức ta mà giải phóng cho ta” thì xứ sở Thanh - Nghệ Tĩnh này cũng có hàng ngàn thanh niên dép cao su, xắc mây, quần nâu lên với rừng đại ngàn Hương Sơn nơi bốn bề hổ gầm, mang tác. Càng sống với những ngày gian khổ nhất, trái tim người thợ rừng lại càng thêm yêu nghề, yêu rừng. “Ai bảo rừng xanh là quái ác... Tôi bảo rừng xanh yêu biết mấy...”, đó là lời tuyên ngôn người thợ rừng mà nhạc sĩ Phạm Tuyên đã nói hộ. Nói hộ những ngày họ bất chấp sên vắt, bất chấp muỗi rừng và sốt rét. Nói hộ họ “những trưa chặt hạ rìu quăn lưỡi, những buổi theo trâu thủng gót dày”. Nói hộ họ khi khai thác và vận xuất cây gỗ họ phải chịu bao nhiêu cực hình, có những lúc tưởng chừng như hụt hơi bởi gặp phải đường vòng cua, dốc đứng, lau lách vây bủa chằng chịt. Có những lúc tưởng gửi phận mình theo thác lũ khi trận mưa ngàn ập tới. Họ đã sống những ngày ăn cơm độn khoai khô, sắn lát, mì hạt.. mà sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sáng ngời phẩm chất người thợ rừng, sáng ngời tình yêu nhân dân và tình yêu đồng nghiệp.

“Rừng ơi ta đã về đây mang sức của đôi tay lao động khó khăn không quản ngại...”. Chính từ trí tuệ, lương tâm và trách nhiệm người thợ rừng họ đã lập nên những kỳ tích lớn trong lao động và sản xuất. Khi chiến tranh đã lùi xa đội ngũ những người thợ rừng vẫn trụ vững với rừng xanh, họ ký thác cả cuộc đời mình vào sự nghiệp rừng và sau đó là cả một thế hệ con cháu họ tiếp nối. Thời cơ chế bao cấp, Lâm trường Hương Sơn vẫn đứng vị thế hàng đầu của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Mọi chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao khai thác hàng vạn mét khối gỗ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều kỳ diệu khi ngày đêm những bè gỗ được đóng dấu búa cẩn thận từ Bến Trưng thượng nguồn sông Ngàn Phố về xuôi sông La để đưa gỗ tới mọi miền Tổ quốc thì những người thợ rừng và cả nhân viên cán bộ kiểm lâm nữa vẫn sống cuộc đời với ngôi nhà tranh tre mái lá, họ không màng một tấc gỗ trong tay.

Ông Nguyễn Hữu Cẩn, cựu Giám đốc, người thợ rừng có mặt đầu tiên buổi sinh cơ lập nghiệp, người nếm đủ cay đắng, ngọt bùi tiến trình lịch sử đơn vị tâm sự: “Vào thời điểm năm 1988, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, tôi lên nhận chức Giám đốc phải vận hành theo cơ chế mới: đơn vị tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Tên đơn vị Lâm trường Hương Sơn được đổi thành Công ty lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn để hoạt động tiện ích hơn trong mở rộng quan hệ làm ăn. Ngoài nhiệm vụ khai thác và chế biến gỗ mỗi năm từ 7000 m3- 8000 m3, đơn vị còn có nhiệm vụ quản lý 38.593 ha được giao, chăm sóc rừng trồng mới hàng trăm héc ta, gieo ươm hàng năm hơn 10 vạn cây giống”.

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn” càng lăn lộn vào thực tiễn, Công ty lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn càng tích luỹ được thêm nhiều kinh nghiệm làm ăn với bạn hàng. Hơn 20 năm đổi mới, doanh nghiệp này năm nào cũng được tỉnh Hà Tĩnh tôn vinh là doanh nhân tiêu biểu. Đơn vị thường xuyên chủ động - sáng tạo - đổi mới để ổn định việc làm cho hàng trăm lao động, gương mẫu trong giao nộp ngân sách và làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.

Khi hào quang vụt tắt

Cách đây hơn 1 năm, tôi có ghé vào Công ty lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn vào một buổi chiều tháng năm đượm nắng, bên ngoài gió Lào vẫn hầm hập thổi. Đang vào mùa khô nhưng không khí làm việc của đơn vị có phần uể oải hơn mọi ngày. Gặp lại Giám đốc Hồ Phúc Đồng, anh không còn vui vẻ như xưa, da dẻ biến sắc hẳn. Trên bàn làm việc của anh bày ra mấy vỉ thuốc Tây, trong đó có vỉ thuốc cao huyết áp. Anh Đồng buồn rầu nói với tôi: “Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đang có chủ trương trình lên UBND tỉnh không cho công ty khai thác gỗ theo chỉ tiêu như mọi năm nữa mà bắt doanh nghiệp này tham gia đấu thầu giá cây đứng”. Hồ Phúc Đồng phân bua: “Nghề chính của bọn em là nghề khai thác gỗ và chăm sóc quản lý bảo vệ rừng, nhưng trên bây giờ có chủ trương thế mình đâu dám bẻ que chống trời được anh".

Công nhân xưởng xẻ gỗ của Công ty trong những ngày ăn nên làm ra
Công nhân xưởng xẻ gỗ của Công ty trong những ngày ăn nên làm ra

Tôi tiếp cận thêm nhiều anh em trong đơn vị, họ đều buồn như “nhà có đại tang”, bởi nguy cơ mất việc làm sẽ tới là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ chợt cảm thấy rùng mình: Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã có bao nhiêu bài học nhỡn tiền về Xây dựng nhà máy đường Linh Cảm thất thoát hàng trăm tỷ đồng, về dự án nuôi tôm trên cát “ngân hàng bị rút ruột” lại còn gây ô nhiễm cho người dân chưa nguôi. Bây giờ, lại đến “đấu thầu cây đứng” làm tổn thương đến đời sống 300 cán bộ công nhân của một đơn vị hai lần được phong tặng anh hùng. Khi đơn vị chao đảo bọn lâm tặc sẽ tận dụng thời cơ quậy phá rừng tan nát..

Nhưng, “cây muốn lặng gió chẳng đừng”. Điều gì đến nó sẽ đến. Cầm quyết định số 1230/QĐ-UB về kế hoạch khai thác gỗ rừng tự nhiên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn ký mà Ban Giám đốc Công ty lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn như ngồi trên đống lửa. Nếu đơn vị lần này không trúng thầu, cơ sự sẽ đi đâu về đâu và doanh nghiệp nào trúng thầu đây?. Họ có tính chuyên nghiệp về nghề rừng và ý thức bảo vệ rừng như công nhân nơi đây đã gắn bó máu thịt với mình không?. Câu chuyện “đấu thầu cây đứng” cứ day dứt mãi trong tôi nên tôi cố đi tìm hiểu kỹ mọi thông tin để xem Chính phủ hay Bộ NN&PTNT có ra Nghị quyết, Chỉ thị gì không về “đấu thầu cây đứng”?. Té ra, Hà Tĩnh đang “chọn Hương Sơn và Chúc A làm thí điểm” khi mà hai doanh nghiệp này đang thuộc diện làm ăn có “kỷ cương, nề nếp”.

Tôi đã tìm đến ông Đặng Bá Thức, hiện là Chủ tịch Hội KHKT lâm nghiệp Hà Tĩnh, vốn là người trung thực và thẳng thắn. Ông Thức kể: “Năm 1991, sau khi tách tỉnh, ngành lâm nghiệp Hà Tĩnh có cử một đoàn cán bộ vào Lâm Đồng học tập kinh nghiệm đấu giá cây đứng của bạn nhưng tới nơi mới thấy rất phức tạp, nên ông Nguyễn Hoàng Trạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ngừng ngay chuyện này. Nếu “ích nước, lợi rừng” thì người ta đã đua nhau làm rồi…”. Ông Thức bảo: “Tôi đã phản biện ý kiến này tại nhiều cuộc họp rằng, các anh nên thận trọng, nếu không sẽ có một bài học rất đắt giá. Rừng Hương Sơn sẽ biến thành sa mạc khi bị kẻ xấu tấn công”. Có lẽ ý kiến ông Đặng Bá Thức đưa ra rất nhiều người tán đồng, nhưng không ít kẻ vẫn cố tình lặng thinh bởi “sợ tai bay, vạ gió”.

Không hiểu chuyện “đấu thầu cây đứng” ở rừng Hương Sơn rồi ai sẽ trúng thầu? nhưng tôi vừa trở lại Công ty lâm nghiệp dịch vụ Hương Sơn bỗng có cảm giác ánh hào quang quá khứ doanh nghiệp này đang vụt tắt. Giám đốc Hồ Phúc Đồng đang xin nghỉ việc để chữa bệnh cao huyết áp vì những cú sốc lớn trong cuộc đời mà anh chưa bao giờ hình dung nổi. Phó Giám đốc Lê Tiến Cát tạm thời điều hành trong bối cảnh rối như tơ vò.

Một cán bộ kỹ thuật lâu năm trong đơn vị cho biết: Hơn 1 năm nay, mọi kế hoạch hoạt động của Công ty dường như bị tê liệt. Hàng loạt cán bộ trẻ có năng lực đã lần lượt rời cơ quan xin chuyển sang cơ quan khác làm việc. Những người hiện đang công tác tại đây thì dở khóc dở mếu, bởi đơn vị đang lâm vào tình cảnh nợ lương người lao động có lúc 2 tháng – 3 tháng liền. Chỉ mới thông báo sơ bộ ban đầu: Đội khai thác và chế biến gỗ đã có 31 người nghỉ thôi việc, 16 người nghỉ tự đóng thêm tiền bảo hiểm xã hội để được giải quyết chế độ hưu, 31 người đã chuyển sang làm việc cơ quan khác... Cứ theo kiểu này nguy cơ một đơn vị 2 lần anh hùng đang bị xoá sổ là điều hiển nhiên.

Tình cờ tôi gặp lại Hồ Huấn, một công nhân bảo vệ của Công ty mới 50 tuổi cũng đang chờ trên ưu ái giải quyết chế độ cho mình. Dẫu anh cùng đồng nghiệp đã bao phen dũng cảm chống lâm tặc, để giữ bình yên màu xanh đại ngàn, nhưng anh phải rời khỏi đội hình. Huấn chỉ biết nuốt nước mắt khóc thầm. Biết kêu ai bây giờ khi sống trong hoàn cảnh vợ con nheo nhóc và kiếm được đồng tiền mưu sinh trong thương trường phố núi này đâu phải dễ.

Tôi vào thăm xưởng xẻ gỗ nhưng gần 1 năm nay đã nằm im bất động. Phòng đóng kín cửa, máy cưa vòng, cưa bàn.. không lau chùi thường xuyên nên đã bị han rỉ, trên trần nhà phủ kín mạng nhện. Những ông chủ thợ ngày đêm bên nó bây giờ lại phải ngược lên rừng Lào làm thuê kiếm ăn qua ngày.

Vĩ thanh

Hơn 1 năm khi sự việc “Đấu thầu cây đứng” chưa có hồi kết thì Công ty lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn đã xẩy ra những bi kịch lớn. Công ty thì tiều tụy xơ xác, rừng đại ngàn thì bị tàn phá dữ dội. Một vụ thảm sát rừng lớn nhất Hà Tĩnh mà cơ quan thông tin đại chúng đã tốn rất nhiều giấy mực. Cuộc truy kích lớn để thu hồi gỗ lâm tặc tàn phá của lực lượng bộ đội biên phòng Hà Tĩnh chỉ mới một thời gian ngắn đã phát hiện được gần 500m3. Công an Hà Tĩnh đã tiến hành vào cuộc và điều tra thủ phạm. Vậy chính danh thủ phạm là ai? Khi mà chính quyền xã, chính quyền huyện và lực lượng kiểm lâm chỉ nhận lỗi “một phần trách nhiệm” và dĩ nhiên họ dồn tội cho chủ rừng quản lý là nặng nhất.

“Kiểu cha chung không ai khóc” này đang góp phần cho rừng Hương Sơn tiếp tục chảy máu

Tháng 4/2012

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast