Android cập nhật ngày càng chậm, nhưng điều đó không quan trọng

Những bản cập nhật Android lớn vào mỗi năm như Android 13 dần trở nên thừa thãi vì người dùng vẫn có thể sử dụng tốt smartphone của mình.

Android cập nhật ngày càng chậm, nhưng điều đó không quan trọng

Android không cần phải phát hành bản nâng cấp lớn vào mỗi năm như iOS. Ảnh: Android Authority .

Tháng 8 vừa qua, Android 13 được phát hành chính thức và sẽ được cập nhật trên các thiết bị trong vòng vài tháng tới. Nhưng cây bút Robert Triggs của Android Authority lại cho rằng những phiên bản Android gần đây, trong đó có Android 13 đều không có nhiều điểm thú vị.

Theo ông, bản cập nhật cuối cùng xứng đáng để người dùng “lên đời” là Android Pie 9.0 xuất hiện từ 4 năm trước. Cây bút cho rằng Android vốn là một hệ điều hành đã có tuổi đời khá lâu nên không cần nhiều thay đổi. Hệ điều hành này đã có đầy đủ những tính năng thiết yếu và thiết kế giao diện cũng ít khi đổi mới.

Với Robert Triggs, những tính năng mới trên Android 13 như trình điều khiển nhạc mới, hỗ trợ quét QR… đều không mấy thú vị. Chúng nên là những tính năng nhỏ được cập nhật trong mỗi phiên bản sửa lỗi hơn là một hệ điều hành mới, Robert Triggs nhận định.

Android cập nhật ngày càng chậm, nhưng điều đó không quan trọng

Android 13 được đánh giá là không có nhiều đổi mới thú vị. Ảnh: Android Authority .

Do đó, ông cho rằng người dùng không cần cập nhật Android thường niên vẫn có thể sử dụng tốt smartphone của mình.

Với Microsoft, từng khẳng định Windows 10 sẽ là phiên bản cuối cùng, hãng công nghệ đã không cập nhật hệ điều hành mới trong suốt 5 năm. Điều này cho thấy những hệ điều hành lâu đời đều không cần có những bản cập nhật lớn, thường niên mà chỉ cần những bản vá lỗi, nâng cấp tính năng mới thường xuyên.

Google cũng từng học theo cách làm này bằng cách công bố dự án Treble và Mainline, giúp người dùng cập nhật các tính năng mới hoặc bản sửa lỗi thông qua Play Services và Play Store, không cần phải nâng cấp rườm rà như trước đây.

Theo cây bút của Android Authority , những ứng dụng và dịch vụ hệ thống của Google hiện nay như Maps hay Wallet đều có thể cập nhật bất kỳ lúc nào thông qua Play Store. Điều này khiến các bản cập nhật lớn hàng năm dần trở nên thừa thãi.

Trong khi đó, so sánh với iOS, hệ điều hành của Apple vẫn gắn chặt những tính năng và app hệ thống của mình trên iOS nên người dùng phải đợi hệ điều hành mới vào mỗi năm để nhận được những tính năng mới. Cách làm của iOS sẽ khiến người dùng khó khăn hơn trong quá trình sử dụng thiết bị, Robert Triggs nhận định.

Vì thế, Google đã bắt đầu tìm cách cập nhật những tính năng mới trên smartphone thay vì ra mắt hệ điều hành thường niên bằng cách liên tục bổ sung những công cụ mới trên Pixel như chế độ chụp Astrolapse, khóa folder trên Photos và trả lời điện thoại bằng Assistant…

Theo tác giả, những tính năng này thậm chí còn ấn tượng hơn những cập nhật mới trên Android 13. Đây chính là lợi thế của người dùng Pixel khi họ không cần phải đợi cả năm để có những tính năng mới.

Tuy nhiên, với những nhà sản xuất smartphone khác, họ vẫn mắc kẹt với cách làm cũ. Cả Apple và Samsung đều rất ít khi có những thay đổi lớn trong các phiên bản hệ điều hành hàng năm của mình.

Theo Robert Triggs, Android 14 đương nhiên vẫn sẽ xuất hiện vì đây là cách các hãng công nghệ thu hút truyền thông cho sản phẩm của mình. Mặt khác, Google cũng phải có những bản cập nhật thường xuyên để đổi mới giao diện người dùng và hỗ trợ những thiết bị mới như smartphone gập…

Nhưng cây bút cho rằng Google nên tập trung vào những bản cập nhật hàng tháng và tính năng mới thay vì chỉ phát triển hệ điều hành lớn, ra mắt mỗi năm. Điều này sẽ tạo điều kiện các nhà sản xuất khác tập trung cải thiện trải nghiệm người dùng trên hệ sinh thái của mình hơn và kéo dài vòng đời của sản phẩm công nghệ.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast