Trang trại lợn trước "bão dịch": Nội bất xuất, ngoại bất nhập!

(Baohatinh.vn) - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ bùng phát diện rộng. Thời điểm này, đáng lo nhất là các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn nếu “dính” bệnh thì thiệt hại hết sức nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh.

Trang trại lợn trước “bão dịch”: Nội bất xuất, ngoại bất nhập!

Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh có nguy cơ lan ra diện rộng rất cao.

Trang trại của ông Phan Văn Cảnh ở tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên (Cẩm Xuyên) nằm cách ổ DTLCP được phát hiện đầu tiên khoảng 200m. Từ khi xuất hiện DTLCP, trang trại của ông lúc nào cũng đóng cửa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Ông Cảnh cho hay: "Hiện tại, trang trại của tôi đang có 350 con lợn nái và 2.400 con lợn thịt đã đến độ xuất chuồng. Mỗi ngày, đàn lợn trên “nuốt” của tôi gần 60 triệu đồng tiền thức ăn. Đó là chưa kế tiền công nhân cùng với các khoản chi phí khác".

Trang trại lợn trước “bão dịch”: Nội bất xuất, ngoại bất nhập!

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, các trang trại quy mô lớn "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Số lợn trên nếu không may "dích” bệnh thì thiệt hại cả tỷ đồng. Bởi vậy, khi trên địa bàn xảy ra bệnh DTLCP, ông đóng cửa trang trại, tiến hành tiêu độc khử trùng, thực hiện đầy đủ các biện pháp ngăn ngừa theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đặc biệt, thời gian này, công nhân lao động "cấm trại" - chỉ sinh hoạt trong trang trại, không đi ra ngoài; người của bộ phận này tuyệt đối không được sang bộ phận khác.

“Gia đình đang phối hợp với cán bộ thú y sớm lấy mẫu xét nghiệm khi có kết quả lợn sạch bệnh sẽ đưa đi tiêu thụ. Dù giá lợn đợt này xuống thấp những dù sao cùng hi vọng vớt vát được đôi chút” - ông Cảnh chia sẻ.

Trang trại lợn trước “bão dịch”: Nội bất xuất, ngoại bất nhập!

... tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng ngày 4 lần.

Cùng chung tâm trạng bất an, ông Trần Ngọc Hùng - Giám đốc HTX Huệ Hùng (thôn Trung Tâm, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà) lo lắng: Trang trại hiện còn hơn 200 con lợn nái và gần 400 con lợn thịt, trong đó có hơn 100 con đã đến kỳ xuất chuồng. Giá xuống thấp, lợn không thể xuất chuồng nên HTX đang phải "bế quan, tỏa cảng", chờ tình hình ổn định trở lại. Mỗi ngày, riêng tiền thức ăn đã ngốn của HTX mỗi ngày 13-15 triệu đồng. Đó là chưa nói, hàng tháng còn phải thuê 3 thợ kỹ thuật từ Hải Phòng về tiêu độc khử trùng, thực hiện các giải pháp an toàn sinh học tiêu tốn hàng chục triệu đồng.

Trang trại lợn trước “bão dịch”: Nội bất xuất, ngoại bất nhập!

Trang trại lợn của HTX Huệ Hùng hiện có hơn 100 con lợn thịt đã đến kỳ xuất bán nhưng đành "bế quan, tỏa cảng".

Ngoài các trang trại tự chủ thì trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 145 cơ sở chăn nuôi liên kết với các đơn vị: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP (Thái Lan), Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden star với tổng đàn 113.500 con (chiếm 28% tổng đàn lợn toàn tỉnh).

Anh Đậu Công Định – đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP ở Hà Tĩnh cho biết: Thời điểm này, công ty có 74 trang trại với quy mô trên 1.000 con tại các huyện Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Vũ Quang... Phòng chống là biện pháp tất yếu, các chủ trang trại cần thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học một cách nghiêm túc. Bất kể người nào khi vào trang trại đều phải tắm rửa, sát trùng, thay quần áo, khi bước vào chuồng lợn đều phải nhúng chân qua thuốc sát trùng; các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi cũng phải được khử trùng thường xuyên.

Trang trại lợn trước “bão dịch”: Nội bất xuất, ngoại bất nhập!

...và rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại, nơi có nguy cơ cao đề phòng dịch bệnh xâm nhiễm.

Tuy nhiên, DTLCP có tốc độ lây truyền chậm qua nhiều khâu trung gian, virus dịch có khả năng tồn tại trong thực phẩm bảo quản lạnh 300 – 1.000 ngày và có thể sống được vài tháng. Bởi vậy, việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh là hết sức khó khăn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho rằng: DTLCP đã xẩy ra trên địa bàn, các ngành chuyên môn, địa phương và người chăn nuôi cần quyết liệt ứng phó, không để lan ra diện rộng. Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay vẫn là các trang trại chăn nuôi sẽ thiệt hại rất lớn nếu xẩy ra dịch bệnh. Bởi vậy, các trang trại tiếp tục thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống; ngành chuyên môn phải giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ổ dịch để báo cáo xử lý kịp thời. Đặc biệt, các địa phương chủ động xác định vi trí tiêu hủy lợn bệnh tránh lúng túng, bị động khi có sự cố xẩy ra.

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Chủ đề PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast