Buồn - vui mưu sinh nơi xa xứ

Ngày 13/12 vừa qua, tàu In sung 1 của Hàn Quốc chở 42 thủy thủ người nước ngoài đang đánh cá tại vùng biển Nam Cực thì bị đắm. Tin dữ này lập tức bay về xã Kỳ Ninh (Kỳ Anh) - địa phương có 2 thuyền viên mất tích. Tìm về vùng quê biển này, chúng tôi chứng kiến thêm bao nỗi buồn quanh chuyện mưu sinh nơi xứ người.

Xuất khẩu lao động vì nghèo...

Khi Chánh văn phòng UBND xã Kỳ Ninh dẫn chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Sơn ở đội 2, xóm Xuân Hải, người đang mất tích trong vụ đắm tàu thì bà con láng giềng đã đến chật nhà. Tiếng kêu khóc vọng ra thảm thiết.

Thấy khách vào, bố anh Sơn ôm chầm lấy anh bạn tôi mếu máo: "Con tôi chết rồi nhưng có cách chi tìm và mang được xác về đây không chú?”. Câu hỏi khó trả lời quá, anh bạn tôi lặng im khiến những "trận mưa nước mắt" của mọi người lại tuôn ra xối xả.

Mẹ Sơn nằm lịm trong bộ quần áo nhàu nhĩ, hai gò má teo tóp.

Tài In Sung 1 trước khi bị nạn
Tài In Sung 1 trước khi bị nạn

Cố ghìm nén xúc động, người chú ruột của Sơn rót nước mời khách rồi tâm sự: "Tội quá chú ơi! Sơn sinh năm 1985. Nó là đứa thương cha mẹ, vợ con hết mực. Hồi mới cưới vợ xong, nó nói với vợ: em chịu khó ở nhà làm ruộng và phụng dưỡng cha mẹ để anh xuất khẩu lao động mới có tiền làm nhà ở được. Đầu năm 2009, Sơn bay sang Hàn Quốc và theo một chủ tàu đánh cá, 6 tháng sau quay về nhà. Anh chắt bóp hết mực để có một khoản tiền nhỏ vừa trả nợ dần cho ngân hàng vừa làm một cái móng nhà. Lần thứ hai, anh về thăm nhà trong trạng thái buồn chán vì làm ăn quá khó khăn và bị cụt mất một ngón tay khi kéo tời trên tàu đánh cá. Nhưng cuộc mưu sinh thúc giục, anh quyết ra đi một lần nữa với hy vọng cải thiện cuộc sống gia đình. Ai ngờ..."

Nhìn cháu Nguyễn Văn Nhật, con trai mới 10 tháng tuổi của Sơn mà tôi không thể cầm nổi nước mắt. Cháu bé kháu khỉnh, vẫn hồn nhiên cười khi cầm chiếc kẹo ngọt. Bé chưa biết thăm thẳm nơi biển trời Nam Cực băng giá kia, hồn xác bố phiêu dạt nơi đâu?!

Rời nhà anh Nguyễn Văn Sơn, chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở xóm Xuân Hải, xã Kỳ Ninh, cũng là nạn nhân hiện đang mất tích và gần như không còn khả năng sống sót. Thành năm nay mới 21 tuổi, chưa vợ, là con trai thứ 2 của gia đình.

Ông nội Thành năm nay đã 79 tuổi nhưng rất minh mẫn cho biết: Học xong lớp 12, thi đại học không đỗ, Thành bảo đi Hàn kiếm tiền ít năm rồi tính chuyện học sau. Trước khi đi, gia đình phải chạy đôn, chạy đáo vay ngân hàng cho Thành 180 triệu đồng với mức lãi suất cao. Nghe tin Thành bị mất tích, cả nhà bụng nóng như lửa đốt khi vừa mất người, vừa không biết rồi đây sẽ trông chờ vào đâu để trả nợ.

Bà Hường - mẹ Thành, nằm sấp giữa nhà, hai tay giơ lên trời gào khản cả giọng: ''Con ơi! Thành ơi!… Chỉ vì thương bố mẹ nghèo khổ mà con phải làm mồi cho cá. Biết thế ở nhà ăn khoai với mẹ còn hơn..."

... và những nỗi đau trong cuộc mưu sinh

Người đàn ông có dáng người thư sinh và khá điển trai ấy tên là Nguyễn Sĩ Thăng, năm nay 34 tuổi ở xóm Bàn Hải, xã Kỳ Ninh kể cho tôi nghe những câu chuyện khá bi thương trong cuộc hành trình đánh cá cho một chủ tàu thuộc Công ty Senkô1 (Đài Loan) tại một vùng biển ở Nam Phi. Thăng bảo: "Nhiều lúc cháu nghĩ hình như số mình “khắc tinh” với nghề cá nên chưa làm đã bị nạn".

Bà Luận mẹ Thăng từ trong bếp chạy ra nói toáng lên: "Nó rụng hết cả hai hàm răng đấy chú ơi, chưa mang về được đồng mô mà phải chịu tật suốt đời". Để minh chứng cho lời nói của mẹ, Thăng há miệng rồi cầm 2 hàm răng giả đặt giữa bàn khiến tôi rùng mình. Thăng nói tiếp: “Mất răng em chưa sợ bằng bàn chân phải vỡ bánh chè này, dù đã được phẫu thuật nhưng vẫn chưa thể đi lại được". Nói rồi, Thăng buồn rầu kể: Hôm đó vào một buổi sáng đẹp trời, ông chủ tàu giao cho Thăng leo lên sơn ghe tàu. Khi Thăng vừa bước lên giàn tàu, không hiểu sao hai tai anh bị ù hẳn, mắt hoa, đầu choáng váng, miệng kêu không thành tiếng, rồi Thăng bổ nhào xuống từ độ cao 25m. Tỉnh lại, Thăng thấy mình đã nằm trong bệnh viện. Mấy đứa bạn đồng hương đến thăm bảo: “Không chết là còn phúc nhà đấy”. Sau một thời gian điều trị, Thăng được ông chủ mua vé máy bay về với gia đình.

Điều bất hạnh nhất của Thăng lúc này là đang phải “ôm” khoản nợ lớn ngân hàng nhưng chẳng được một đồng bảo hiểm nào để trả nợ và dưỡng thương. Bức xúc, anh đã viết đơn khiếu kiện nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.

"Không ít những trường hợp của xã Kỳ Ninh làm việc ở Đài Loan, Hàn Quốc gặp tai nạn tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn bị di chứng suốt đời" - một cán bộ xã Kỳ Ninh tiết lộ.

Lúc được tuyển đi lao động đánh cá nước ngoài, anh Trần Văn Lành (xóm Tam Hải) rất phấn khởi và tự tin. Lành thuộc diện khỏe mạnh và nhanh nhẹn nhưng chẳng hiểu vì sao khi trở về như người vô hồn. Vài ba tháng đầu, anh còn nói cười tự nhiên và kể chuyện ông chủ tàu ngược đãi, hắt hủi giới thuyền viên Việt Nam, trong đó Lành là người bị đòn hiểm nhất. Anh Dương Đình Nam (xóm Tân Giang) cũng bị một ông chủ tàu cá khác tra tấn theo kiểu cai ngục.

Các trường hợp bị đánh đập thường do bất đồng ngôn ngữ nên thuyền viên làm không đúng theo hướng dẫn chủ tàu. Mặt khác, cường độ lao động quá cao, các thuyền viên không chịu được áp lực nên xẩy ra mâu thuẫn, cãi vã, dẫn tới cơn thịnh nộ của các chủ tàu. Bên cạnh đó cũng có một số người muốn tìm cách đào tẩu lên bờ để tìm kiếm công việc nơi khác, bị chủ phát hiện được và “trị tội”...

Vui - buồn làng biển

Ông Lê Xuân Hòe - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Ninh cho biết: Kỳ Ninh hiện nay là xã có số người đi xuất khẩu lao động đứng thứ 2 của tỉnh (sau xã Cương Gián - Nghi Xuân). Với 1.800 hộ, 6.700 nhân khẩu, người dân Kỳ Ninh chủ yếu là đi lộng, phương tiện thô sơ nên thu nhập thấp. Làm nông nghiệp lại càng cơ cực hơn bởi xã chỉ có hơn 250 ha đất trồng lúa pha cát, nhiễm mặn... Do đó, địa phương xem xuất khẩu lao động là một trong những mũi chiến lược xã nhà. Với phương châm này, mỗi năm Kỳ Ninh có từ 100-120 lao động sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Ả-rập Xê-út, Malaysia, Ăng-gô-la... Hiện tại, Kỳ Ninh có 760 người đang lao động tại nước ngoài.

Bên cạnh những niềm vui được nhân lên từ sự phát triển kinh tế, Kỳ Ninh cũng có những nỗi buồn riêng. Năm nào cũng có một vài người dân địa phương chết hoặc bị thương khi đi XKLĐ. Tính đến nay cả xã đã có 10 người chết, 6 người bị thương. Hầu hết những người bị tử nạn được các đối tác nước ngoài gửi điện chia buồn và tiền bảo hiểm. Gia đình cao nhất mức bảo hiểm 300 triệu đồng, gia đình thấp nhất mức bảo hiểm 150 triệu đồng. Tuy mất mát lớn nhưng sự động viên này góp phần làm cho các gia đình nạn nhân vợi đi những xót xa.

Về Kỳ Ninh lần này, bộ mặt làng biển khởi sắc hẳn lên. Năm 2009, con em xã Kỳ Ninh gửi về cho các gia đình hơn 25 tỷ đồng trong tổng thu nhập toàn địa phương 43 tỷ đồng. Năm 2010, con số tương ứng là 31/59 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi về 2 trường hợp anh Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Văn Thành mất tích, tử nạn trong vụ chìm tàu In Sung 1, ông Lê Xuân Hòe bày tỏ: "Chúng tôi tha thiết kêu gọi chủ tàu và những người có trách nhiệm giúp đỡ, giải quyết chính sách bồi thường chu đáo cho người bị nạn".

Chính quyền xã Kỳ Ninh cũng mong muốn con em địa phương tìm đúng địa chỉ các đơn vị làm dịch vụ XKLĐ có uy tín, trách nhiệm nhằm tránh tình trạng tiền mất, tật mang.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast