Chàng trai trẻ khởi nghiệp từ... những chiếc bánh đa

(Baohatinh.vn) - Với hoài bão lớn, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Đức (SN 1990, thôn Trung Trinh, xã Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất bánh đa truyền thống, áp dụng tiến bộ KHKT, bước đầu mang lại hiệu quả.

chang trai tre khoi nghiep tu nhung chiec banh da

Đức luôn xác định, muốn có chỗ đứng trên thị trường thì chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương anh hùng Lý Tự Trọng, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Đức đã ấp ủ niềm đam mê trở thành một nhà sản xuất bánh đa truyền thống từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Từ nhỏ, Đức đã được tiếp xúc với công việc làm bánh truyền thống từ người thân trong gia đình. Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của những người sản xuất bánh đa truyền thống tại địa phương, để có thể làm ra sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, người làng nghề phải trải qua rất nhiều công đoạn. Vì vậy, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất luôn là đề tài mà anh Đức trăn trở từ lâu.

Để biến ước mơ thành hiện thực, năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường, Đức xin việc tại một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa học hỏi kinh nghiệm kinh doanh. Sau 3 năm, Đức quyết định trở về quê hương để đầu tư, xây dựng xưởng làm bánh truyền thống.

Để có được một cơ sở khang trang, nhà xưởng, hệ thống máy làm bánh, phên và một số dụng cụ đi kèm đạt tiêu chuẩn, năm 2016, Đức đầu tư hơn 300 triệu đồng. Do được đầu tư đồng bộ, việc sản xuất đảm bảo tiết kiệm sức lao động và giảm chi phí đầu vào.

Đức luôn xác định, muốn có chỗ đứng trên thị trường thì chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, những sản phẩm mà xưởng của anh làm ra đều được người tiêu dùng và các bạn hàng ưa chuộng. Mặc dù bước đầu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Đức cũng đã được nhiều bạn hàng trong và ngoài địa phương tin cậy, đảm nhận bao tiêu sản phẩm. Hiện mỗi ngày, xưởng sản xuất gần 2.000 chiếc bánh đa.

Đức cho biết: Bình quân mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, còn lãi ròng trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở của anh còn tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương cơ bản từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Vốn là người ham học hỏi và có đầu óc kinh doanh, Đức dự định đầu tư thêm các trang thiết bị để sản xuất kẹo lạc - một trong những sản phẩm truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, anh đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan để xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm cũng như cơ sở sản xuất của mình với tên gọi đầy đủ là Cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Đức Anh.

Với hiệu quả bước đầu mang lại, cấp ủy, chính quyền xã Việt Xuyên cũng đang xem xét, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ một phần kinh phí, tạo đà cho mô hình này phát triển và nhân rộng tại địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast