Bánh đa vừng đạt chuẩn OCOP Hà Tĩnh đậm đà vị quê

(Baohatinh.vn) - Chiếc bánh đa vừng giòn, thơm, mang vị quê dân dã được ông Lê Minh Tâm (SN 1965, trú thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) nâng tầm trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, mở ra hướng phát triển mới cho đặc sản địa phương.

Bánh đa vừng đạt chuẩn OCOP Hà Tĩnh đậm đà vị quê

Chiếc bánh đa vừng thơm ngon như hiện nay được ông Lê Minh Tâm phát triển từ nghề truyền thống của gia đình.

Những chiếc bánh đa vừng thơm ngon bởi tấm bánh giòn tan, bùi béo vừng đen, cay nồng vị tiêu đã tạo nên hương vị đặc trưng của thương hiệu bánh đa vừng Hạnh Tâm. Theo ông Lê Minh Tâm - chủ cơ sở, nghề làm bánh đa vừng đã được ông tạo dựng từ nghề truyền thống của gia đình.

Ông Tâm cho biết: Trước đây, công việc chính của gia đình là làm miến; làm bánh đa vừng là nghề phụ, chỉ sản xuất với số lượng ít. Năm 2002, ông Tâm đã đưa nghề làm bánh đa vừng trở thành nghề chính của gia đình. Giai đoạn đầu do chưa có vốn đầu tư nên gia đình ông chỉ sản xuất bánh theo hình thức thủ công, buôn bán nhỏ lẻ. Dẫu vậy, sản phẩm bánh đa vừng đen của gia đình cũng đã được nhiều khách hàng đón nhận và yêu thích bởi sự thơm ngon, chất lượng.

Bánh đa vừng đạt chuẩn OCOP Hà Tĩnh đậm đà vị quê

Để làm ra những chiếc bánh đa vừng cần phải chọn nguyên liệu kỹ lưỡng và trải qua nhiều công đoạn.

Đến năm 2020, khi đã đủ vốn và kinh nghiệm, ông Tâm mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng rộng 200 m2, sân phơi rộng gần 400 m2, mua sắm hệ thống máy làm bánh để sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Nhằm tạo ra sự khác biệt cho chiếc bánh đa vừng, ngoài việc trộn vừng vào bột, ông Tâm còn đầu tư máy rắc vừng để có thêm một lớp vừng trên mặt bánh, khi nướng, lớp vừng đó vừa chín tới giúp bánh đượm vị bùi, béo ngậy của vừng đen.

Theo ông Tâm, những chiếc bánh đa vừng thoạt nhìn thì giản đơn và dân dã, tuy nhiên, để làm ra chúng đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu.

Bánh đa vừng đạt chuẩn OCOP Hà Tĩnh đậm đà vị quê

Những chiếc bánh đa vừng giản đơn và dân dã là sản phẩm quen thuộc trong mỗi bữa ăn của người dân Hà Tĩnh.

Trước hết, gạo được ông Tâm thu mua từ các đại lý trong vùng, hạt gạo phải là loại ngon, hạt tròn, chắc. Gạo được ngâm nước trong 6 giờ rồi đem xay nhuyễn thành bột.

Vừng để làm bánh được nhập từ các cơ sở sản xuất ở Hà Nội và phải lựa chọn kỹ càng, ngâm đãi hạt lép, rửa sạch bụi bẩn trước khi trộn vào bột. Trung bình một tháng, ông Tâm nhập hơn 40 triệu đồng tiền vừng.

Hỗn hợp bột và vừng sẽ được cho vào máy tráng bánh và khi có thành phẩm, từng phên bánh được đưa đi phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Nếu trong mùa hè bánh sẽ được phơi 2 - 5 giờ, về mùa đông trong những ngày không mưa, bánh sẽ được phơi đến lúc khô hoàn toàn. Khi bánh khô sẽ được thu gom để chuẩn bị nướng vào ngày tiếp theo.

Bánh đa vừng đạt chuẩn OCOP Hà Tĩnh đậm đà vị quê

Với mỗi mẻ bánh, cơ sở của ông Tâm sử dụng hết khoảng 50 - 70 kg vừng đen.

Trung bình mỗi mẻ tráng, cơ sở của ông Tâm sử dụng 2 - 3 tạ gạo và khoảng 50 - 70 kg vừng. 2 ngày, cơ sở sẽ tráng bánh một lần với 6.000 - 7.000 chiếc được ra lò. Mỗi tháng, với 15 lần tráng sẽ sản xuất được khoảng gần 100.000 chiếc bánh đa thành phẩm, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Ông Tâm cho biết: “Từ năm 2020, khi đầu tư dây chuyền sản xuất bán tự động đã giúp cơ sở mở rộng quy mô và số lượng sản phẩm tăng thêm. Với giá bán 2.500 đồng/chiếc, cơ sở của tôi thu về khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ các chi phí như nhân công, nguyên liệu và các khoản chi khác, tôi thu lãi hơn 400 triệu đồng”.

Bánh đa vừng đạt chuẩn OCOP Hà Tĩnh đậm đà vị quê

Bánh đa vừng được phơi dưới ánh nắng tự nhiên trong khoảng 2 - 5 tiếng, sau đó được cho vào máy nướng bánh.

Nhờ việc đầu tư bài bản từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh nên sản phẩm bánh đa vừng Hạnh Tâm được người tiêu dùng ưa chuộng và nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường. Được biết, bánh tráng Hạnh Tâm hiện đã có mặt tại nhiều địa phương trong tỉnh và mở rộng thị trường ra một số tỉnh thành như Đắk Lắk, Bình Dương, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh… Đặc biệt, cuối năm 2021, bánh đa vừng Hạnh Tâm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho sản phẩm.

Hiện, xưởng sản xuất bánh đa vừng của ông Tâm đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

Bánh đa vừng đạt chuẩn OCOP Hà Tĩnh đậm đà vị quê

Sắp tới, ông Tâm sẽ tiến hành xây dựng xưởng sấy bánh nhằm hoàn thiện việc sản xuất khép kín, không phải phụ thuộc vào thời tiết.

Ông Tâm chia sẻ: Hiện, việc phơi bánh còn phụ thuộc vào thời tiết, mùa mưa, việc phơi bánh rất khó khăn. Vì thế, mới đây, tôi đã đầu tư gần 200 triệu đồng để chuẩn bị xây dựng xưởng sấy bánh, nhằm hoàn thiện việc sản xuất khép kín, không phải phụ thuộc vào thời tiết.

Để mở rộng thị trường, sắp tới, cơ sở sản xuất bánh đa vừng Hạnh Tâm sẽ tiếp tục nâng tầm chất lượng, mở rộng quy mô, vươn tới thị trường lớn hơn. Đồng thời, cố gắng nâng hạng sao OCOP, làm đòn bẩy giúp sản phẩm bánh đa vừng phát triển hơn nữa.

Phát huy nghề truyền thống của gia đình, ông Lê Minh Tâm đã nâng tầm sản phẩm bánh đa vừng trở thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương, được người tiêu dùng đón nhận. Cơ sở sản xuất bánh đa vừng của ông Tâm cũng là một trong những mô hình kinh tế nổi bật, đưa lại hiệu quả kinh tế cao và tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho các lao động trên địa bàn xã.

Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Đặng Anh Tuấn

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast