Bước đột phá về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Những chiếc máy gặt đập liên hợp lâu nay người nông dân Hà Tĩnh chỉ được thấy trên truyền hình, vụ đông xuân này đã có mặt trên đồng ruộng của các huyện Kỳ Anh, Can Lộc và Thạch Hà, giúp bà con nông dân thu hoạch nhanh gọn để bắt tay vào sản xuất hè thu. Có thể nói đây là bước đột phá quan trọng trong quá trình hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với cán bộ và bà con nông dân các xã, thị trấn của huyện Can Lộc, chúng tôi có mặt tại xã Khánh Lộc, địa phương mới được nhập 2 chiếc máy gặt đập liên hợp đầu tiên để chứng kiến hoạt động thu hoạch lúa bằng công nghệ hiện đại nhất từ trước đến nay ở tỉnh ta. Máy gặt đập có nhãn hiệu GĐ 1.8 (chiều rộng guồng cuốn lúa 1,8m) do Công ty Cổ phần cơ khí An Giang sản xuất, trị giá 190 triệu đồng/máy.

Chỉ trong vòng khoảng 10 phút, một sào lúa đã được thu hoạch gọn!
Chỉ trong vòng khoảng 10 phút, một sào lúa đã được thu hoạch gọn!

Trên những thửa ruộng mênh mông sau chuyển đổi đất, trước sự chứng kiến của mọi người, máy nhẹ nhàng di chuyển và cuốn theo guồng từng dãi lúa thẳng tắp. Với cơ chế hoạt động liên hoàn, các bộ phận đập lúa, thổi rơm, hạt lép làm việc đồng thời với guồng gặt. Công đoạn cuối cùng trong chuỗi hoạt động của máy là những bao tải lúa hạt đã được thổi sạch. Chỉ trong vòng khoảng 10 phút, một sào lúa đã được thu hoạch gọn.

Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Trung tâm CGKHKT Can Lộc cho biết, trong chương trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp sau khi chuyển đổi ruộng đất lần hai, Can Lộc quyết định hỗ trợ cho nông dân mua hai máy gặt đập liên hợp về làm thử nghiệm, nếu thành công sẽ tiếp tục nhân rộng trên địa bàn. Khánh Lộc là địa phương được chọn thực hiện mô hình này, theo đó huyện và xã hỗ trợ nông dân 60% số tiền mua máy. Trung tâm CGKHKT huyện đã cùng với xã và nông dân mua máy vào huyện Tuy Phước, tỉnh An Giang - một địa phương có điều kiện sản xuất nông nghiệp tương đồng với Hà Tĩnh để tham quan, tìm hiểu và lựa chọn loại máy phù hợp.

Theo anh Trần Sỹ Cảnh, xóm Thượng Thăng - một trong hai hộ thực hiện mô hình thì, nếu mặt ruộng đạt tiêu chuẩn và người thực hiện nắm chắc được kỹ thuật vận hành, máy có thể đạt công suất 5-6 sào/giờ, trung bình mỗi ngày có thể thu hoạch xong 4 mẫu ruộng.

Ở xã Kỳ Tiến- Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Hạp đã tranh thủ nguồn vốn tín dụng hỗ trợ lãi suất mua một máy gặt đập liên hợp trị giá 145 triệu đồng. Đưa về vào đúng vụ thu hoạch, chiếc máy gặt - đập của ông đã không đáp ứng kịp nhu cầu của bà con nông dân. Với công suất 30 sào/ngày, ông đã cùng với chiến hữu mới của mình thu hoạch hơn 50 ha lúa không chỉ ở Kỳ Tiến mà còn nhiều xã lân cận khác.

Máy gặt đập nhãn hiệu GĐ 1.8 (chiều rộng guồng cuốn lúa 1,8m) do Công ty Cổ phần cơ khí An Giang sản xuất, trị giá 190 triệu đồng/máy đã có mặt trên đồng đất Khánh Lộc (Can Lộc).
Máy gặt đập nhãn hiệu GĐ 1.8 (chiều rộng guồng cuốn lúa 1,8m) do Công ty Cổ phần cơ khí An Giang sản xuất, trị giá 190 triệu đồng/máy đã có mặt trên đồng đất Khánh Lộc (Can Lộc).

Cũng trong vụ sản xuất năm nay, anh Nguyễn Chí Thanh, xã Thạch Hội - Thạch Hà mua một chiếc máy đã qua sử dụng, chiều rộng guồng cuốn lúa 1,2m với giá hơn 70 triệu đồng. Với công suất 25 sào ruộng/ngày, đến nay anh Thanh đã thu hoạch được 300 sào ruộng. Anh cho biết, sau khi trừ chi phí nhiên liệu, nhân công, khoảng sau 3 mùa thu hoạch, anh có thể thu lại số tiền mua máy.

Thực tế cho thấy, trên những cánh đồng đã chuyển đổi lần hai, các loại máy gặt đập liên hợp có chiều rộng từ 1,2m - 1,8 m có thể vận hành khá thuận lợi. Máy gặt đập liên hợp sử dụng bánh xích cao su hoặc bánh lồng, trọng lượng thân máy nhẹ nên khả năng chống lún tốt; kết cấu khá đơn giản nên người nông dân dễ dàng tiếp cận cách vận hành và bảo quản và sửa chữa máy.

Qua tìm hiểu các hộ dân thuê máy được biết, công nghệ thu hoạch mới đã giúp bà con tiết kiệm sức lao động, thời gian và giảm hao hụt sản phẩm. Theo tính toán, mỗi sào ruộng nếu bỏ tiền ra thuê nhân công từ gặt đến tuốt lúa sẽ mất chi phí khoảng 200 ngàn đồng. Trong khi đó, chỉ trong vòng từ 10 - 25 phút, chiếc máy gặt đập liên hợp sẽ hoàn thành các công đoạn đó với giá giao động từ 100-120 ngàn đồng. Loại máy này với kết cấu giàn gặt và hệ thống làm sạch tiên tiến nên tỉ lệ rơi vãi thấp, hạt lúa sạch, ít vỡ vụn.

Kết quả bước đầu từ việc ứng dụng máy gặt đập liên hợp trên đồng ruộng tỉnh ta đang thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân, các địa phương trọng điểm lúa và ngành Nông nghiệp. Dự kiến từ nguồn kinh phí khuyến nông, thời gian tới Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân đưa về thêm 2 chiếc máy .

Tuy nhiên, trong quá trình nhân rộng mô hình thu hoạch mới này, vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm như: giá tiền công gặt còn cao so với thu nhập chung của người nông dân; số tiền mua máy khá lớn nên nếu chỉ với nội lực của mình, người dân khó đủ sức đầu tư; máy chỉ thực sự phát huy công suất tối đa ở những khu ruộng rộng và phẳng… Các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để ứng dụng một cách hiệu quả và hợp lý các loại máy gặt đập liên hợp vào sản xuất, góp phần đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ ruộng đất, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa vững chắc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast