Tăng cường hiệu quả phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ Đông Xuân

Khi những trà lúa Đông Xuân bước vào giai đoạn làm đòng thì cũng là lúc sâu bệnh phát triển rộ, đe doạ sự phát triển của cây trồng. Đã nhiều ngày nay, bà con nông dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang tập trung bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh. Dù chưa đáng mức báo động nhưng chủ trương bám sát đồng ruộng, tăng cường các biện pháp phòng trừ được xem là phương pháp tối ưu…

Thời gian qua, thời tiết chuyển rét đột ngột, nhất là sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm là điều kiện cho các loại sâu bệnh sinh trưởng và phát triển, như bệnh khô đầu lá sinh lý, đạo ôn…Đặc biệt, sự xuất hiện của rầy nâu, rầy lưng trắng khi lúa bước vào thời kỳ trổ đòng. Chúng chích hút nhựa cây lúa làm cho cây vàng úa, nhẹ thì hạt lúa bị lửng lép, còn nếu mật độ cao cây lúa sẽ chết khô gọi là "cháy rầy". Rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá - loại bệnh cực kỳ nguy hiểm cho cây lúa, thậm chí có thể dẫn đến mùa màng bị mất trắng.

Cẩm Xuyên là huyện có diện tích canh tác khá lớn, vụ Đông Xuân này, toàn huyện đã gieo cấy được 8.748 ha lúa, đạt trên 101% KH, 1400 ha lạc và hàng trăm ha rau màu các loại. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên Đán cùng với sự phá hoại của chuột, bệnh khô đầu lá sinh lý và đạo ôn đã gây hại cục bộ trên lúa, các loại sâu ăn lá đã xuất hiện trên cây lạc… Đây cũng là thời kỳ rầy hại lúa sinh trưởng mạnh, hiện toàn huyện đã có 60 ha bị rầy tấn công, nơi mật độ cao nhất đạt 1.500 con/ ha, tập trung ở Cẩm Dương, Cẩm Hoà, Cẩm Quang… Điều đáng nói là sự thiếu hiểu biết của người dân khi phun thuốc trừ sâu một cách “vô tội vạ” lại chính là tạo ra môi trường thuận lợi để rầy không ngừng sinh sôi.

Trước tình hình đó, huyện Cẩm Xuyên đã triển khai nhiều kế hoạch diệt trừ sâu bệnh, quyết tâm giành thắng lợi toàn diện vụ Đông Xuân 2010. Ông Trần Hữu Duyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Sâu bệnh xuất hiện trong ruộng lúa từ bao đời nay, khi có trồng lúa là có sâu, bệnh. Bởi vậy, không có phương án nào hiệu quả hơn là động viên bà con ra đồng thường xuyên, tích cực phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng gây hại, nhằm tránh lây lan sang các vùng khác. Đồng thời, huyện cũng tổ chức tập huấn, chỉ đạo nhân dân thực hiện các biện pháp diệt trừ sâu bệnh theo đúng nguyên tắc, tránh tác dụng ngược lại khi lạm dụng thuốc trừ sâu”. Trước hết, xác định bệnh khô lá sinh lý là một loại bệnh lý xuất hiện khi cây lúa bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển, huyện đã phối hợp với Trung tâm BVTV hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp khắc phục, trả lại độ màu mỡ cho lúa bằng cách bón vôi và các loại phân kích thích qua lá. Do vậy, số diện tích bị nhiễm bệnh đến nay đã cơ bản được phục hồi. Riêng đối với rầy- đối tượng dịch hại số 1 trên lúa, trong khi việc thay đổi bộ giống kháng rầy còn quá khó khăn thì chiến dịch “sống chung với rầy” là một nguyên tắc trong việc xây dựng một ngành sản xuất lúa gạo thâm canh, bền vững. Ngay từ đầy mùa vụ, huyện đã chỉ đạo nhân dân không gieo cấy quá dày, việc cung cấp chất dinh dưỡng, nhất là đạm là điều kiện để rầy phát triển. Những diện tích đã có rầy, cần phun thuốc đặc trị và không để mực nước trong ruộng thấp hơn 5 cm.

Bên cạnh đó, phong trào diệt chuột được đẩy mạnh, bằng nhiều phương pháp như: đặt bã, đào hang kết hợp với làm hàng rào nilon bao quanh chân ruộng, nhằm hạn chế tối đa sự phá hoại của chúng. Đồng thời, ra quân làm thuỷ lợi nội đồng, đảm bảo nước tưới cho đồng ruộng cũng là một biện pháp phòng trừ và kiểm soát sâu bệnh hiệu quả trong chíên dịch sống chung với sâu bệnh của nông dân Cẩm Xuyên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast