Bí thư đoàn tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ Đông Yên

(Baohatinh.vn) - Từ trăn trở, khát vọng của Bí thư Chi đoàn thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), HTX May công nghiệp Mai Xuân Tiến đi vào hoạt động. Nhờ đó, hàng chục lao động nữ trên địa bàn đã có việc làm ngay trên quê hương.

Bí thư đoàn tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ Đông Yên

25 nữ lao động được làm việc ở HTX May công nghiệp Mai Xuân Tiến

Lập nghiệp trên quê hương

Sinh năm 1988, tốt nghiệp đại học với tấm bằng quản trị kinh doanh, Mai Xuân Tiến đã xoay xở nhiều nghề để lập nghiệp. Làm việc ở công ty tổ chức sự kiện một thời gian, anh xoay sang học nghề may và mở xưởng may gia công tại Sài Gòn. Tuy nhiên, “tay không bắt giặc” ở xứ người nên vợ chồng anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn và mặt bằng sản xuất không ổn định.

Năm 2013, vợ chồng anh Tiến quyết định về quê để ổn định cuộc sống. Với bản tính không chịu ngồi yên, thích kinh doanh, Tiến lại xoay sang nghề buôn bán vật liệu xây dựng, làm dịch vụ sân bóng mi ni.

Bí thư đoàn tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ Đông Yên

Anh Mai Xuân Tiến - Giám đốc HTX hướng dẫn công nhân kỹ thuật may

Về quê, Tiến có điều kiện tham gia các phong trào và được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Đông Yên. “Cùng với hoạt động phong trào, điều khiến tôi trăn trở là phải có hướng phát triển kinh tế phù hợp để thanh niên không phải ly hương mà vẫn có nghề để ổn định kinh tế. Từ đó, tôi cùng một số thành viên vận động thành lập HTX may công nghiệp nhằm tạo việc làm cho lao động nữ” - anh Tiến cho hay.

Sau hơn nửa năm chuẩn bị các điều kiện, tháng 7/2018, HTX chính thức khai trương. Với sự tìm tòi, kết nối của Giám đốc HTX Mai Xuân Tiến, nhiều hợp đồng may gia công đã được ký kết với các công ty ở Hải Phòng và KKT Vũng Áng. Các mặt hàng chủ yếu là quần áo đồng phục, đồ bảo hộ lao động cho công nhân.

Lao động nữ vui vì làm việc gần nhà

Dù thu nhập chưa cao (trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng) nhưng 25 lao động nữ ở xã Kỳ Lợi đều có niềm vui lớn khi mỗi ngày đều đặn đến làm việc ở HTX ngay trên quê hương. Chị Mai Thị Hoàng, tổ trưởng kỹ thuật của HTX cho biết: "Chị đã có 12 năm làm nghề may ở Sài Gòn và Hàn Quốc. Thu nhập dù cao nhưng chỉ là tạm thời vì người lao động như chị phải về quê mới có thể ổn định cuộc sống gia đình. Với tay nghề sẵn có, chị đã mở tiệm may tại nhà, nhưng xu thế của khách hàng ngày càng chuyển sang lựa chọn hàng hiệu, hàng may sẵn ở các quầy thời trang. Vì vậy, chị tham gia HTX may để có công việc thường xuyên và cũng góp sức đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho các lao động nữ ở HTX.

Bí thư đoàn tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ Đông Yên

Hoàng Thị Tuyết mong muốn HTX có thêm nhiều đơn hàng để tăng thu nhập

Còn thanh niên Hoàng Thị Tuyết (sinh năm 1990) chia sẻ: "Học xong cấp 3, em từng vào miền Nam làm công nhân, thu nhập cũng tạm ổn nhưng chi phí khá lớn, lại xa nhà nên rất khó khăn, vất vả. Em rất mừng khi được làm công nhân ngay trên địa bàn xã. Mong sao, HTX mở rộng quy mô, nhận được nhiều đơn hàng để lao động nữ như chúng em được ổn định công việc, thu nhập tăng".

Được biết, hiện nay, HTX đang nỗ lực khai thác thị trường tại chỗ. Giám đốc HTX Mai Xuân Tiến cho biết, trên địa bàn các xã vùng KKT Vũng Áng chưa có HTX may gia công, trong khi các công ty hoạt động ở đây đang ngày càng phát triển nên hứa hẹn thị trường rộng mở.

Bí thư đoàn tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ Đông Yên

HTX may công nghiệp Mai Xuân Tiến mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để chủ động kinh phí mua nguyên liệu cho các đơn hàng lớn

Ngoài việc tăng cường đàm phán để ký kết những hợp đồng may gia công đồ bảo hộ lao động cho công nhân, HTX cũng đã tiếp cận đến thị trường quần áo đồng phục cho học sinh các trường học. Những đơn hàng may quần áo đồng phục đầu tiên đã được ký kết với các trường học ở xã Kỳ Nam, phường Kỳ Phương.

Giám đốc HTX May gia công Mai Xuân Tiến chia sẻ: "Để phát triển bền vững, nhiều thách thức đang đặt ra với HTX, nhất là việc phát triển thị trường và mở rộng quy mô để đáp ứng yêu cầu những đơn hàng lớn. HTX mong muốn các doanh nghiệp ở KKT Vũng Áng có sự quan tâm, ưu tiên việc làm cho lao động ở các xã vùng dự án; đồng thời, các cấp, ngành tạo điều kiện để đơn vị tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó chủ động kinh phí mua nguyên liệu phục vụ những đơn hàng lớn".

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast