"Quê hương, mỗi người chỉ một..."

Hà Tĩnh - mảnh đất “nắng lửa mưa chan” trên khúc ruột miền Trung này - luôn đằm sâu trong nỗi nhớ của những đứa con ly hương và vương vấn, níu kéo tâm tư du khách...

Giáo sư Nguyễn Khắc Phi - Nguyên Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam:

Giữ mãi tình quê

Là hậu duệ đời thứ 14 của thần tổ Nguyễn Khắc Văn - Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628) niên hiệu Vĩnh Tộ triều Lê, chánh quán ở làng Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, trú quán ở phường Hà Khẩu (nay là phố Hàng Buồm, Hà Nội), tôi vẫn luôn tự nhủ và tự hào mình là người xứ Nghệ, là dân Hà Tĩnh, vì thần tổ, sau khi nghỉ hưu, đã đưa gia đình vào Nam Đàn – Nghệ An, dựng lên dòng họ Nguyễn Khắc ở Nghệ An và một người cháu của Người, Nguyễn Khắc Kính, sau đó sang lập nghiệp ở làng Thịnh Xá – Hương Sơn – Hà Tĩnh, trở thành thủy tổ của chi phái Hương An chúng tôi.

Đôi khi tôi nói vui với bạn bè: “Mình là người gốc Hà Nội nên hình như cũng có chút “thanh lịch” của “người Tràng An” nhưng cứ nhìn nếp sống của ông cụ, của mấy ông chú ruột, của mấy bà cô, của ông anh cả dù đã sống ở Tây gần ba chục năm… thì thấy quả cái lõi của những con người trong gia đình mình là chất cá gỗ”. Trong nhà, có lẽ tôi là người thể hiện chất đồ Nghệ ít nhất. Có lẽ vì trong 5 anh em, tôi là con rể duy nhất của xứ Bắc chăng? Nói vậy thôi chứ đơn vị mà tôi công tác lâu nhất, trong hơn 17 năm, lại là Đại học Sư phạm Vinh! Đó là thời kì gay go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những năm tháng sung sức nhất của cuộc đời, tôi đã cống hiến trọn vẹn cho đất Nghệ Tĩnh. Đây là những lời mở đầu và kết thúc bản nhạc Ngày ấy, Trường Vinh của tôi, nhạc phẩm đã được thầy trò Khoa Ngữ văn Trường Đại học Vinh trình diễn trong đêm Liên hoan chào mừng kỉ niệm 50 năm thành lập trường…

Cũng phải thừa nhận một sự thật là, đầu những năm 50 của thế kỉ trước, mối quan hệ giữa thế hệ chúng tôi với quê nhà có phần sơ khoáng. Nhưng đáng mừng là tình hình ấy đã sớm được khắc phục và ngày càng gắn kết, khi lãnh đạo tỉnh nhà đã có những chủ trương đúng đắn trong việc phát huy tiềm lực chất xám của những người con xa quê. Trong xã hội hiện đại, sự di chuyển dân cư ngày càng mạnh mẽ, đó là điều khó tránh. Trong tình hình ấy, càng phải chú ý hơn đến việc xây dựng, giáo dục tình cảm quê hương. Phải có rất nhiều cố gắng, chủ trương, biện pháp để sao cho mỗi người dù đi đâu, làm gì, cũng có thể đóng góp được nhiều nhất cho quê hương. Trong xã hội hiện đại, giao tiếp mở rộng, tính cách con người tất biến đổi, song riêng tôi, tôi cứ nghĩ rằng, tận đáy sâu hình như vẫn có một yếu tố nào nó bất biến nếu như con người đó vẫn luôn gắn bó với quê hương.

Trong một lần giỗ năm chẵn thần tổ họ Nguyễn Khắc, tôi và nhà giáo Hoa Nam (con rể của chú ruột tôi) đã soạn một bản nhạc tựa đề là Còn mãi với thời gian. Bản nhạc đã được Ban ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam thu băng. Để kết thúc bài viết, xin được ghi lại vài câu của lời nhạc bài hát ấy: Nắng đã lên rồi từ khắp nơi nơi ta về tụ hội. Viếng thăm nguồn cội, mảnh đất thân thương ngàn năm văn hiến. Tài cao học rộng, bia đá bảng vàng, truyền thống cha ông muôn đời gắn bó. Đây núi Hồng Lĩnh, đây dòng sông La. Qua bao thăng trầm, ta vẫn là ta…

Mong sao giữ mãi được, phát triển được mọi truyền thống tốt đẹp của “cha ông”, của quê hương trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống hiện đại.

Giáo sư Phan Huy Lê - Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam:

Quê hương cho tôi tình yêu và nghị lực sống

Tôi sinh năm 1934, tại xã Thạch Châu (Lộc Hà), là hậu duệ đời thứ 9 của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, hậu duệ đời thứ 10 của nhà bác học Phan Huy Chú. Thân sinh tôi là Tiến sĩ Hán học Phan Huy Tùng. Mẹ tôi là bà Cao Thị Sâm, thuộc dòng họ Cao Xuân. Dù thời gian sống ở quê không nhiều nhưng mảnh đất cát bạc màu, giàu truyền thống văn hóa ở vùng biển cửa Hà Tĩnh đã cho tôi tình yêu cuộc sống, niềm say mê đèn sách và nghị lực không biết mệt mỏi.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Bình tặng hoa chúc mừng GS Phan Huy Lê nhân dịp ông vừa được Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn - thuộc Học viện Pháp quốc bầu làm Viện sĩ Thông tấn nước ngoài.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Bình tặng hoa chúc mừng GS Phan Huy Lê nhân dịp ông vừa được Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn - thuộc Học viện Pháp quốc bầu làm Viện sĩ Thông tấn nước ngoài.

Hết THPT, tôi không chọn cho mình môn Sử mà chỉ ao ước được vào học môn Toán - Lý. Lúc đó là năm 1952, cả miền Trung chỉ duy nhất Thanh Hóa có trường Dự bị đại học, Đại học Văn khoa và Cao đẳng Sư phạm. Tôi và mấy bạn phải đi bộ ra xứ Thanh trong suốt một tuần để tựu trường. Đến nơi thì đã muộn 5 ngày nên dù làm đơn vào Ban Toán – Lý nhưng Giám đốc nhà trường lúc ấy là Giáo sư Trần Văn Giàu vẫn bắt nhóm ra chậm vào Ban Văn - Sử. Thế hệ chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn. Nhưng chuyện dở lại hóa hay khi chúng tôi được học các giáo sư nổi tiếng uyên thâm và đầy tâm huyết như: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường... Các giáo sư có người được đào tạo từ Paris, phần lớn tự nghiên cứu và trở thành học giả nổi tiếng. Dần dần, niềm hứng thú và say mê môn Sử đến với tôi một cách lặng lẽ mà tự tôi cũng không biết.

Sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu khoa học với hàng trăm đầu sách, bài viết, tham luận, hiện nay, tôi đang cùng các đồng nghiệp xây dựng một quan điểm nhận thức về tính toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam. Theo quan điểm này, xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam hiện nay, tất cả những gì từng diễn ra trên không gian địa lý này đều thuộc về chủ quyền Việt Nam, đều thuộc về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Như vậy là từ thời cổ đại, lịch sử Việt Nam đã tồn tại 3 trung tâm văn hóa lớn gắn với sự xuất hiện 3 nhà nước đầu tiên là: Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc của người Việt cổ với nhà nước Văn Lang - Âu Lạc là cái nôi sớm nhất, giữ vai trò dòng chủ lưu; văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và Nam Trung bộ với nhà nước Lâm Ấp (Chămpa) và văn hóa Óc Eo ở Nam bộ với nhà nước Phù Nam, trải qua quá trình lịch sử đã hội nhập vào lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nước Việt Nam từ các vương quốc cổ đại cho đến nay là một quốc gia gồm nhiều tộc người mà ta quen gọi là dân tộc.

Tôi đã đi đến rất nhiều vùng đất trên khắp đất nước, đi ra nước ngoài. Tuy nhiên, “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh...”. Dù sống trên nửa thế kỷ ở thủ đô, nhưng nơi quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn với biết bao kỷ niệm của tuổi ấu thơ với gia đình, dòng họ, với quê hương vẫn là hành trang khởi đầu của tôi và theo tôi trong suốt cuộc đời...

Giáo sư Võ Quý (Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội):

Vài kỷ niệm khó quên

GS Võ Quý - Người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng MIDORI về đa dạng sinh học
GS Võ Quý - Người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng MIDORI về đa dạng sinh học

Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Yên Hồ (Đức Thọ). Năm 1949, học xong trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng tại Hà Tĩnh (trường Quốc học Huế chuyển ra Hà Tĩnh năm 1947), tôi được Tỉnh ủy Hà Tĩnh điều về dạy trường Cấp II Liên Việt tại xã Yên Hồ. Một năm sau đó, tôi được chuyển đến dạy tại trường cấp III Phan Đình Phùng, 3 tháng sau lại được điều động đến trường Sư phạm Trung cấp Nghệ An, rồi năm 1951 được cử đi học Đại học tại Việt Bắc... Cuối năm 1954, tôi được điều về công tác tại Bộ Giáo dục, năm 1955, về trường đại học để chuẩn bị mở trường Đại học Tổng hợp vào năm 1956 và liên tục công tác tại trường cho đến nay.

Thời gian tôi thực sự công tác tại quê nhà rất ngắn, chỉ hơn 1 năm, nhưng những ngày ngắn ngủi đó đã giúp tôi trưởng thành, là hành trang hết sức quan trọng giúp tôi vượt qua được những khó khăn trong các công tác đã đảm nhận. Tuy xa quê nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ về và mong muốn được góp chút công sức xây dựng quê hương.

Ngay sau khi chia tỉnh, năm 1991, tôi về Hà Tĩnh để tìm hiểu, xem mình có thể giúp được việc gì không. Tỉnh đã giới thiệu tôi đến Kỳ Thượng - xã nghèo nhất thuộc huyện Kỳ Anh. Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học, nhất là đồng chí Trân (lúc đó là Chủ tịch huyện Kỳ Anh) cùng nhân dân địa phương, sau 2 năm dự án đã hoàn thành. Đời sống khá lên, nhân dân trong xã không những không khai phá rừng bừa bãi như trước kia mà còn tích cực, tự nguyện bảo vệ rừng. Tôi hết sức vui mừng, nhưng khó khăn lại đến: 5 xã khác thuộc 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên sinh sống bên hồ Kẻ Gỗ yêu cầu tôi giúp đỡ. Đang lúng túng chưa biết tìm đâu ra tiền, tôi nhận được tin báo từ trường Đại học Michigen, Hoa Kỳ tặng tôi phần thưởng, kèm theo số tiền 150 nghìn đô la Mỹ. Tôi vui mừng báo với tỉnh là tôi đã có tiền có thể giúp được 3 xã. Ít lâu sau, ông Chủ tịch Hiệp hội quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (IUCN) đang công tác tại Việt Nam, khi đến thăm tôi đã hỏi tôi về công việc đang làm. Tôi kể cho ông ta về việc giúp 3 xã ở Hà Tĩnh nâng cao cuộc sống và bảo vệ rừng với số tiền thưởng, còn 2 xã nữa phải giúp nhưng tôi không đủ tiền. Ông chủ tịch đã quyết định hỗ trợ thêm 100 nghìn đô la Mỹ để tôi có thể giúp cho cả 5 xã với mô hình đã thực hiện tại Kỳ Thượng. Với sự ủng hộ của nhân dân địa phương và chính quyền các cấp, nhất là của ông Nguyễn Thanh Bình - Bí thư huyện Cẩm Xuyên lúc đó (nay là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh), mọi công việc đã hoàn thành tốt đẹp. Dự án vùng đệm hồ Kẻ Gỗ đã được các cơ quan trong nước và quốc tế đánh giá cao. Điều vui mừng là “Phát triển sinh kế để bảo tồn” truờng hợp điển hình của cộng đồng tại xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh) là một trong 3 mô hình được Bộ KH-ĐT chọn từ hàng trăm dự án do các bộ và địa phương gửi đến để đưa vào mục Bảo tồn và Phát triển, trong báo cáo của Chính phủ: “Việt Nam - một số điển hình phát triển bền vững”, báo cáo tại hội nghị Liên hiệp quốc về phát triển bền vững.

Năm 1998, tôi lại may mắn được Bộ KH-ĐT mời tham gia cùng với nhóm 7 chuyên gia quốc tế xây dựng dự án “Phát triển nông thôn Hà Tĩnh” do Quỹ quốc tế Phát triển nông nghiệp” (IFAD) tài trợ. Sau hơn 1 tháng làm việc tại Hà Tĩnh, bản dự án hoàn thành, tôi mạnh dạn đề nghị với nhóm viết dự án là dự án Hà Tĩnh xin không mời chuyên gia quốc tế mà nhân dân Hà Tĩnh tự thực hiện. Sau gần 1 ngày thảo luận, vì chưa có tiền lệ, nhưng cuối cùng với sự hỗ trợ của ông nhóm trưởng, đề nghị của tôi được chấp nhận với điều kiện tôi phải chịu trách nhiệm về dự án. Rất khó khăn, nhưng tôi cũng đã nhận với điều kiện là không nhận lương chuyên gia.

Sau 5 năm cùng với sự hợp tác của các cấp lãnh đạo của tỉnh và các huyện và nhất là với sự nhiệt tình, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ phụ trách, dự án phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã hoàn thành một cách xuất sắc, được các đoàn kiểm tra quốc tế khen ngợi. Vào thời gian cuối của dự án, ông Chủ tịch IFAD đến thăm Việt Nam và trước lúc về nước, tôi được ông mời ăn trưa tại Hà Nội với lời khen “dự án phát triển nông thôn Hà Tĩnh là dự án đầu tiên của Liên hợp quốc không có chuyên gia quốc tế mà lại thực hiện tốt nhất làm cho chúng tôi phải suy nghĩ lại là không phải các dự án quốc tế giúp các nước nghèo đều phải có chuyên gia quốc tế”.

Tôi hết sức vui mừng là nhân dân và các cán bộ lãnh đạo Hà Tĩnh đã tạo được uy tín lớn đối với các tổ chức quốc tế và tôi cũng tin rằng, Hà Tĩnh còn có nhiều dự án thành công hơn trong những năm sắp tới.

Giáo sư Lê Thị Hoài An - Giám đốc Trung tâm Tin học Lý thuyết và ứng dụng, Đại học Lorraine (Pháp)

Tôi tự hào là người Hà Tĩnh

Hà Tĩnh trong tôi ngày thơ bé là những rằm tháng bảy với lễ tế họ trang nghiêm ở nhà thờ họ Lê trong khu nhà cũ của ông bà nội ở Đức Bồng, là những chiều hè tắm sông ở Hương Sơn - quê ngoại của bố, là hình ảnh nữ sinh trung học Phan Đình Phùng những năm 50 qua hồi tưởng của mẹ về một thời tươi trẻ, là câu chuyện về những cô gái anh hùng Ngã ba Đồng Lộc quê hương mẹ... Thế rồi, cùng với thời gian và khoảng cách chia xa, cảm xúc về quê hương ngày thêm sâu sắc, để rồi mỗi lần gặp “đồng hương Việt Nam” nơi xa xứ, tôi lấy làm tự hào mà trả lời họ rằng “quê tôi ở Hà Tĩnh”.

Giáo sư Lê Thị Hoài An tham dự buổi tiệc của Hội Sinh Viên Việt Nam tại Rouen (UEVR) ổ chức cho các bạn sinh viên đón Tết Quý Tỵ 2013 . Ảnh: Dantri.
Giáo sư Lê Thị Hoài An tham dự buổi tiệc của Hội Sinh Viên Việt Nam tại Rouen (UEVR) ổ chức cho các bạn sinh viên đón Tết Quý Tỵ 2013 . Ảnh: Dantri.

Vâng, cội nguồn của tôi là vùng đất của những người con chịu thương chịu khó, hiếu học và học giỏi, nơi đã sản sinh bao nhiêu tài năng cho dân tộc trên mọi lĩnh vực, mảnh đất kiên cường, bất khuất trước khói lửa chiến tranh... để cho ai “đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”... Truyền thống hiếu học ấy đã thể hiện ngay trong gia đình tôi, một đại gia đình trí thức mà bố là Phó Giáo sư, Nhà giáo ưu tú, mẹ là nhà giáo từng cống hiến hơn 40 năm cho Đại học Sư phạm Vinh, cả 4 anh chị em đều là giáo sư, phó giáo sư ở những trường đại học lớn hoặc viện nghiên cứu và nó sẽ được tiếp nối ở những thế hệ sau…

Hơn 20 năm sống xa đất nước, cùng với những thành quả khoa học và trên vị trí của mình tại một trường đại học lớn ở Pháp, nếu như tôi có chút gì đó tự hài lòng với những nỗ lực không ngừng để đóng góp cho giáo dục đại học và đào tạo đội ngũ trí thức Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác với nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, qua việc đã đào tạo 9 tiến sỹ, nhiều thực tập sinh và đang hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh Việt Nam, qua những bài giảng ở các trường đại học trong nước… thì trong tôi vẫn còn ít băn khoăn khi chưa có dịp cống hiến cho quê hương Hà Tĩnh.

Được biết, lãnh đạo tỉnh đang rất chú trọng việc đào tạo và phát triển đội ngũ trí thức, tôi hy vọng một ngày không xa sẽ được góp phần đào tạo nhân tài cho quê hương, thúc đẩy sự phát triển Toán và Tin học Ứng dụng cho Đại học Hà Tĩnh và xa hơn nữa, đẩy mạnh mối liên kết thực sự giữa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp tỉnh nhà. Cuộc gặp gỡ những trí thức tiêu biểu quê hương Hà Tĩnh lần này sẽ là một dịp tốt để bắt đầu kế hoạch này. Rất tiếc là tôi không thu xếp kịp để về tham dự. Xin hẹn quê hương một ngày trở về không xa...!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast