Sự khó tính của "đường đua ma thuật" Monza

Sau Spa-Francorchamps, các khán giả tiếp tục được chứng kiến một chặng đua kinh điển khác. Cuối tuần này, Grand Prix Italy sẽ diễn ra ở nơi được mệnh danh là thiên đường tốc độ của làng F1.

Đoạn đường thẳng chính trên đường đua Monza. Ảnh: Formula 1.
Đoạn đường thẳng chính trên đường đua Monza. Ảnh: Formula 1.

Ở các mùa giải trước, khi còn sử dụng động cơ V8 với tốc độ trung bình 250km/h, tốc độ tối đa có thể lên tới hơn 330km/h, Monza đã được coi là đường đua tốc độ nhất của làng F1. Năm nay, sau khi chuyển sang sử dụng động cơ V6 tăng áp, tốc độ xe F1 tại Monza được dự đoán là lên có thể lên tới 360km/h. Bên cạnh đó, thiết kế đặc biệt, lịch sử và bầu không khí cực kỳ náo nhiệt tại đường đua ở thành phố nhỏ nằm ven ngoại vi Milan (Italy) khiến cuộc đua sẽ rất đáng được trông đợi. Các tifosi chủ nhà vẫn thường gọi Monza với cái tên La Pista Magica (đường đua ma thuật), biệt danh thể hiện rõ sức cuốn hút của đường đua hình khẩu súng này.

Thiết kế hiện nay của Monza bao gồm 3 đoạn đường thẳng dài và nhiều khúc cua gắt, có rất ít khúc cua tốc độ cao ngoại trừ góc cua kép Di Lesmo và Parabolica. Hai trên ba đoạn đường thẳng dài được kết thúc bằng hai góc cua cực gắt vì thế thử thách chính tại Monza sẽ được dành cho động cơ và phanh xe. Tại Monza, động cơ sẽ phải chạy hết ga trong khoảng 75% chiều dài trong điều kiện nhiệt độ không khí thường là rất cao tại thời điểm diễn ra chặng đua.

Những đoạn đường tốc độ cao chiếm ưu thế tại Monza nên xe F1 được điều chỉnh mức lực nén (downforce) thấp nhất trong mùa giải để giảm tối đa lực cản và qua đó đạt được tốc độ cao nhất trên đường thẳng. Các nhà chuyên môn đánh giá mức lực ép tại Monza phải giảm đi khoảng 25% so với chiếc xe tại Monaco (đường đua có mức lực ép cao nhất). Chính những đặc điểm khác biệt quá lớn so với các cuộc đua còn lại khiến nhiều đội không tập trung phát triển xe cho Grand Prix Italy do quá lãng phí các nguồn lực vốn đã bị hạn chế trong tình hình kinh tế khủng hoảng như hiện nay.

Vì vậy chúng ta hãy cùng xem các đội đua sẽ thay đổi chiếc xe của mình như thế nào để thích ứng với những đặc điểm của đường đua Monza.

Về khí động học. Thông thường mỗi đội đua sẽ phải dành khoảng thời gian từ một đến hai tuần để thử nghiệm chiếc xe trong hầm gió nhằm có được các thông số khí động học cụ thể cho cuộc đua tại Monza. Về cơ bản, các đội sẽ sử dụng các cánh gió phía trước và phía sau đơn giản, có góc đón gió gần như nhỏ nhất để tạo ít lực nén như hình ảnh. Điều này cũng khiến các đội phải thiết kế hoàn toàn chiếc mũi xe mới để có thể cố định chắc chắn cánh trước bởi hiện nay mũi xe F1 đang ở rất thấp.

Cánh gió trước với mức lực nén thấp dành cho đường đua Monza. Ảnh: Formula 1.
Cánh gió trước với mức lực nén thấp dành cho đường đua Monza. Ảnh: Formula 1.
Cánh gió trước với mức lực nén cao dành cho đường đua Hungaroring. Ảnh: Formula 1.
Cánh gió trước với mức lực nén cao dành cho đường đua Hungaroring. Ảnh: Formula 1.

Thông thường các đội cần có bốn đến năm bộ mũi xe cho mỗi chặng đua, trong đó để sản xuất được một bộ cánh trước cần phải mất gần 50.000 đôla vì thế với năm bộ mũi xe các đội sẽ mất 250.000 đôla cho mỗi chặng đua. Với cánh sau, chi phí sản xuất cũng ở mức tương đương. Dù các chi tiết đơn giản hơn loại cánh sau dành cho các đường đua khác, tại Monza việc gia công cánh trước cũng khá phức tạp do thiết kế cơ khí của phần DRS rắc rối và các bản mỏng phải được tính toán và thiết kế lại hoàn toàn. Dù vậy, vai trò của DRS tại Monza lại không quá quan trọng do lực cản khí động học chỉ ở mức thấp.

Yêu cầu gói thiết kế khí động có mức lực nén rất thấp nên các đội đua buộc phải bỏ đi rất nhiều chi tiết khí động không quá quan trọng trên xe như các cánh gió nhỏ để giảm tối đa lực cản. Dù vậy, từng đó vẫn là chưa đủ. Các nhà thiết kế còn cần phải tối ưu nhiều chi tiết khác nữa như ống phanh trên xe.

Thông thường ở các chặng đua khác, tỷ lệ giữa lực nén và lực cản thường là 2:1 hoặc 1,5:1 để dù cho lực nén tăng thêm nhiều nhưng không đem lại quá nhiều lực cản. Tuy nhiên tại Monza, tỷ số này ở tận mức 3:1, nói cách khác bạn buộc phải giảm tối đa lực cản.

Về phanh. Cuối mỗi đoạn đường thẳng dài lại là các góc cua rất gấp vì thế hệ thống phanh phải làm việc hết công suất tại Monza dù nơi khó khăn nhất lại là tại Montreal (Canada) do số lượng lớn vị trí phải giảm tốc từ rất cao xuống thấp. Tuy nhiên, Monza vẫn là đường đua đặc biệt do góc cua số một, nơi chiếc xe phải phanh ở tốc độ cao nhất hiện nay. Ở đây, các tay đua phải buộc phải giảm tốc từ 360km/h xuống còn 70km/h, gia tốc phanh ở đây lên tới sáu lần gia tốc trọng trường. Để đối phó với vấn đề này, các đội buộc phải dùng loại đĩa phanh mỏng nhất có thể là 28mm. Cuối chặng đua tại Monza, gần như đĩa phanh không còn gì cả.

Leo kerb là một bài thử rất quan trọng tại Monza. Ảnh: Formula 1.
Leo kerb là một bài thử rất quan trọng tại Monza. Ảnh: Formula 1.

Về động cơ. Ở chặng đua trước tại Spa-Francorchamps, các đội thường phải sử dụng bộ động cơ hoàn toàn mới để thích ứng với điều kiện tốc độ cao ngặt ngèo ở đây, nơi có đoạn đường xe phải chạy hết ga liên tục tới 26 giây từ góc cua La Source tới Les Combes. Tuy nhiên, ở Monza các đội buộc phải đem ra dùng một chiếc động cơ mới khác do quãng đường phải chạy hết ga là 75% chiều dài đường đua. Hiện nay, mỗi tay đua chỉ có năm chiếc động cơ cho một mùa giải vì thế các điều kiện trên rất khó để đáp ứng, như Sebastian Vettel hiện nay đã không còn bộ động cơ mới nào cho Monza nữa.

Hệ thống treo. Việc cài đặt hệ thống treo là rất quan trọng tại Monza vì để rút ngắn thời gian thì các tay đua thường xuyên phải leo kerb thật nhiều mà không làm xe bị mất cân băng hay mất lực kéo quá lâu. Thiết lập hệ thống treo phải đảm bảo cân bằng cả hai yêu cầu: vừa đủ mềm để di chuyển rộng lên kerb ở Turn 1 và đủ cứng để thích ứng với góc cua Ascari, thử thách thực sự duy nhất đối với các tay đua.

Theo Minh Phương/VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast