Tăng cường quản lý giá cước vận tải, bình ổn thị trường

(Baohatinh.vn) - Sự biến động của giá xăng dầu thế giới đã ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Khi xăng dầu giảm giá, người tiêu dùng phấn khởi, các thành phần kinh tế cũng vận hành uyển chuyển hơn. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra là hiện nay, giá xăng đã giảm khoảng 30%, nhưng giá cước vận tải hàng hóa vẫn gần như “đứng yên” hoặc giảm không đáng kể.

Các doanh nghiệp (DN) vận tải hay nhà sản xuất luôn đề cao “khách hàng là thượng đế” nhưng lại chỉ nghĩ đến lợi ích riêng là điều không thể chấp nhận được, bởi một lẽ, đã thành thông lệ: giá xăng dầu tăng hôm trước, hôm sau, hàng hóa “rủ nhau” tăng giá với tuyên bố: “cước vận chuyển tăng”. Tiểu thương thì đổ lỗi do đầu mối không giảm giá hàng hóa; đầu mối lại bảo do DN vận tải không giảm giá cước vận chuyển; DN vận tải lại cho rằng, giá cước không thể giảm vì siết chặt quản lý tải trọng xe, không thể chở hàng quá tải như trước đây; giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong các yếu tố cấu thành giá cước vận tải.

Hãng taxi Mai Linh là DN “tiên phong” trên địa bàn tỉnh tiến hành giảm giá cước nhưng vẫn chậm so với mong muốn của khách hàng

Hãng taxi Mai Linh là DN “tiên phong” trên địa bàn tỉnh tiến hành giảm giá cước nhưng vẫn chậm so với mong muốn của khách hàng

Vì vậy, mỗi chuyến xe chở hàng từ trong Nam hay ngoài Bắc về các chợ đầu mối, trung tâm đại lý tại TP Hà Tĩnh và các huyện, thị trong tỉnh, khách hàng vẫn cảm thấy bức xúc vì giá hàng đắt, nhất là thực phẩm - mặt hàng thiết yếu đối với đời sống. Thực phẩm đắt hay rẻ, người tiêu dùng vẫn phải tiêu thụ mỗi ngày mà không thể tự quyết định được giá cả, nên tạo ra một “hội chứng” là hàng ngàn người biết nhưng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Chính vì vậy, kiểm soát giá cước vận tải và giá hàng hóa ngay từ đầu mối là biện pháp hữu hiệu để giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng sát với thực tế và chỉ khi nào giá cước vận tải, giá hàng hóa đầu mối được kiểm soát tốt thì giá bán lẻ mới có cơ hội giảm theo giá xăng. Nhà phân phối cũng là “các đầu mối” mà cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành công thương có thể tác động để điều chỉnh giảm giá hàng hóa, bình ổn thị trường.

Nhằm giải quyết những mâu thuẫn mới nẩy sinh, gần đây, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải bằng ô tô, trong đó, đề nghị Bộ GTVT, UBND các địa phương chỉ đạo sở GTVT phối hợp với sở tài chính, cơ quan thuế tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước. Đối với các đơn vị chưa thực hiện kê khai giảm giá cước, cơ quan chức năng phải có văn bản yêu cầu tính toán lại giá thành vận tải, kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động của giá nhiên liệu. Các DN vận tải không thực hiện kê khai giảm giá cước phù hợp sẽ bị xử phạt từ 5-30 triệu đồng. Đây được xem là động thái cứng rắn và kịp thời của Bộ Tài chính.

Tết Nguyên đán Ất Mùi đang đến gần, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao. Đây có thể là cơ hội để người bán hàng lợi dụng tăng giá hàng hóa. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần chủ động vào cuộc quyết liệt để bình ổn giá, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast